Sẽ thanh tra doanh nghiệp địa ốc, khoáng sản
Tổng cục Thuế vừa công bố “kế hoạch thi đua năm 2013” với việc sẽ tăng cường hoạt động thanh kiểm tra thuế để có thể hoàn thành mục tiêu thu thuế đã đề ra.
Theo kế hoạch này, ngành thuế sẽ thực hiện thanh tra tại doanh nghiệp đang hoạt động đạt tỷ lệ 1,79% và kiểm tra đạt tỷ lệ 13% doanh nghiệp tại trụ sở người nộp thuế.
Sẽ thanh tra hàng loạt doanh nghiệp địa ốc, khoáng sản
Đặc biệt, ngành thuế sẽ chú trọng việc thanh tra đối với các chuyên đề và các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, bất động sản, kinh doanh du lịch, dịch vụ..., qua đó đôn đốc kịp thời vào ngân sách nhà nước số thuế truy thu và phạt qua thanh tra, kiểm tra.
Bộ Xây dựng sẽ cơ cấu lại những dự án trên giấy
Tại lễ phát động cuộc thi kiến trúc nhà ở chung cư cho người thu nhập thấp chiều ngày 25.2 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, việc chia nhỏ, chuyển đổi công năng các dự án đã hoàn thành từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp là bất đắc dĩ, số này không nhiều. Đích ngắm trong đợt cơ cấu lại dự án tới đây là những dự án chuẩn bị triển khai, những dự án còn đang trên giấy.
“Sợ nhất là những dự án chưa làm được gì đã bán trên giấy hoặc những dự án đang dở dang mới dừng lại ở giải phóng mặt bằng. Đây chính là những dự án cần phải rà soát lại, chuyển đổi, cơ cấu lại cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp với túi tiền của đại bộ phận người dân chưa có nhà ở hiện nay” - Bộ trưởng Dũng cho biết.
Kiên quyết thu hồi dự án “treo”
Ngày 26.2, Sở TN-MT TP.HCM làm việc với lãnh đạo các quận, huyện để góp ý phương án xử lý các dự án chậm tiến độ trên địa bàn TP.
Theo đại diện Sở TN-MT, sau khi rà soát có 48 dự án nằm trong diện phải thu hồi (30 dự án nhà ở và 18 dự án sản xuất kinh doanh) đã bồi thường được dưới 50% diện tích. Những dự án này sẽ chấm dứt không gia hạn đầu tư và sẽ công khai vào cuối quý 1/2013.
Ông Đoàn Nhật, Phó chủ tịch UBND H.Bình Chánh, cho rằng những dự án bồi thường dưới 80% diện tích, nên để doanh nghiệp (DN) bồi thường đến đâu cho thực hiện dự án đến đấy. Những dự án đã bồi thường trên 80% diện tích, TP cho huyện cưỡng chế nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch UBND Q.2, cũng cho rằng đối với dự án chấp thuận địa điểm đầu tư phải xem xét quy mô từng dự án, bởi đa phần diện tích đất chưa bồi thường được tại các dự án là xương xẩu, với số tiền rất lớn.
Thậm chí nhiều dự án đã bồi thường được 80-90%, phần còn lại không giải tỏa được, khiến dự án và cả đô thị đứng luôn. “Chủ đầu tư đã nỗ lực hết sức nhưng có những dự án họ thỏa thuận không được. Nếu có thể, nên xem xét cho DN điều chỉnh lại quy mô dự án. Những dự án người dân chịu di dời, nhưng chủ đầu tư không có tiền đền bù thì nên thu hồi”, ông Hưng kiến nghị.
Người mua nhà đã bắt đầu đổi "khẩu vị"
Thời BĐS nóng sốt, tranh nhau mua căn hộ chung cư bằng bất cứ giá nào đã đi vào "dĩ vãng". Hiện nay, khi nguồn cung vượt cầu, người mua nhà cũng kỹ tính hơn để lựa chọn những căn hộ không những có vị trí đẹp, giá mềm mà còn cả tiện ích về cảnh quan, không gian sống và phí dịch vụ sau khi bàn giao nhà....
Hiện nay, hầu hết khách hàng tìm mua căn hộ chung cư là những người có nhu cầu ở thật, vì vậy mà tiêu chí đánh giá căn hộ đầu tiên là tiến độ dự án. Trong khi những dự án chưa triển khai hoặc có tiến độ "èo uột" ế ẩm thì nhiều dự án ở được ngay hoặc đã xây thô xong thu hút được sự chú ý của khách hàng.
Theo chị Lê Thanh Huyền, nhân viên một sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho biết, một thực tế khá phổ biến hiện nay là người đi mua nhà có xu hướng chỉ hỏi mua nhà tại các dự án gần trung tâm, những dự án đang hoàn thiện hoặc chủ dự án sắp bàn giao nhà. Còn với những dự án mới xây xong móng, thậm chí đang xây dựng phần thân, người mua nhà đều lắc đầu từ chối.
Vinaconex chuyển khu thương mại thành nhà ở XH
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vinaconex 2 Đỗ Trọng Quỳnh cho biết Công ty đã có đề nghị được chuyển đổi một tòa chung cư cao tầng thuộc dự án Khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ (Golden Silk) tại quận Hoàng Mai sang loại hình nhà ở xã hội.
Theo dự kiến, tòa nhà này sẽ được khởi công trong quý III tới và phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2015.
Sau buổi kiểm tra thực địa trên công trường xây dựng khu đô thị thương mại Kim Văn-Kim Lũ, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng những dự án nằm ở vị trí thuận lợi như vậy, lại đã giải phóng xong mặt bằng, có hạ tầng đồng bộ thì khi chủ đầu tư xin chuyển đổi mục đích sang xây dựng nhà ở xã hội rất nên khuyến khích triển khai nhanh.
Hà Nội sửa nhà hỏng để bố trí tái định cư
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi vừa đồng ý về nguyên tắc với đề xuất ứng kinh phí để sửa chữa các hư hỏng tại các căn hộ của tòa nhà N4AB và N4CD khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính để bố trí quỹ nhà tái định cư.
Những hộ dân được UBND TP Hà Nội bố trí vào ở những căn hộ sau khi sửa chữa thuộc diện giải phóng mặt bằng của dự án xây dựng đường Trần Phú-Kim Mã, đường Liễu Giai theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đồng ý giao cho sở Xây dựng chủ trì cùng các sở ngành liên quan kiểm tra, xác định khối lượng và kinh phí thực hiện, hướng dẫn công ty TNHH một thành viên quản lý và phát triển nhà thực hiện đúng quy định, bảo đảm tiến độ bố trí quỹ nhà theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.
Dự án “lên đời” chợ Nghĩa Tân bị thu giấy phép
Cơ quan chức năng Hà Nội chính thức thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án chợ - văn phòng và trung tâm thương mại Nghĩa Tân. Đây được xem như dự án đầu tiên bị thu hồi sau hàng loạt khu chợ và trung tâm thương mại được xây dựng nhưng kinh doanh không hiệu quả, khiếu kiện kéo dài…
Như báo chí từng phản ánh, cuối tháng 5/2012, hơn 500 tiểu thương tại khu chợ truyền thống này đã đến trụ sở UBND quận Cầu Giấy phản đối dự án xây chợ Nghĩa Tân mới. Nhiều tiểu thương bức xúc cho rằng, việc UBND quận Cầu Giấy ra thông báo “chợ đã đóng thầu” cho một công ty tư nhân xây dựng với quy hoạch dự kiến khoảng 9 - 10 tầng là không phù hợp, xây dựng trên đất mà người dân đang kinh doanh ổn định nhưng tiểu thương lại không được lấy ý kiến.
Trước sự phản ứng của người dân, sau đó, việc giải phóng mặt bằng thực hiện dự án cũng bị tạm dừng khi lãnh đạo Tp. Hà Nội có ý kiến chính thức. Theo đó, Tp. Hà Nội giao quận Cầu Giấy vẫn để các hộ kinh doanh bình thường, đảm bảo điều kiện cho các hộ kinh doanh tại chợ đáp ứng yêu cầu về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm và văn minh thương mại theo quy định hiện hành.
Nguồn tin của PV cho hay, mới đây, UBND Tp. Hà Nội đã ra quyết định (số 567) thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án đầu tư chợ - văn phòng và trung tâm thương mại Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy của Công ty cổ phần thương mại Cầu Giấy. Theo đó, chính quyền thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai thu hồi giấy chứng nhận đầu tư 01121000311 cấp ngày 30/6/2009 của UBND thành phố và thông báo việc thu hồi dự án này đến các đơn vị có liên quan.