Hai tháng đầu năm sắp trôi qua, thanh khoản thị trường vẫn cầm chừng ở mức "gọi cho có" như tháng cuối năm 2013. Theo một chuyên gia BĐS, từ nay tới hết quý II/2014 sẽ là khoảng thời gian phơi bày hàng loạt trường hợp sai phạm, liên quan tới kinh doanh, phát triển địa ốc trước khi Luật Đất đai sửa đổi bắt đầu có hiệu lực.
Đầu tư "sa lầy"
Trước tiên, cần điểm qua một vài "điển hình" về nợ đọng, tồn kho cũng như "rút chân" khỏi lĩnh vực BĐS của không ít tên tuổi lớn. Đó là trường hợp của Tổng công ty Đầu tư Phát triển BĐS (DIC) với vai trò chủ đầu tư các dự án lớn như: Khu đô thị Du lịch sinh thái Đại Phước (tại Nhơn Trạch, Đồng Nai, với quy mô đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng), Tổ hợp khách sạn, văn phòng – Phoenix (tại Bà Rịa – Vũng Tàu), Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên (tại Vĩnh Phúc, có vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 3.700 tỷ đồng)… Báo cáo tài chính mới đây của đơn vị này nêu rõ: đến cuối 2013, DIC có số dư hàng tồn kho lên tới 1.963 tỷ đồng. Cùng chung thảm trạng nợ đọng, tồn kho, là hàng loạt cái tên khác: Quốc Cường Gia Lai, Intresco, HUD, Vinaconex, hay Sông Đà…
Trong số những "đại gia" ngoài ngành lao vào địa ốc, trường hợp "rút chân" khỏi "vũng lầy" như Vinamilk được xem là hiếm (vừa giải thể Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư BĐS Quốc tế).
Một thống kê chưa đầy đủ cho thấy, nguyên nhân chung dẫn tới "cái chết" cho hoạt động BĐS ở đầu thị trường Hà Nội: đầu tư theo đám đông, "tay không bắt giặc" và tính chuyên nghiệp chỉ dừng ở mức… ý thức. Còn ở địa bàn miền Trung trở vào trước Tây Nam Bộ (với điểm nóng là Đà Nẵng, Cần Thơ, Vũng Tàu, Nha Trang, Bình Dương…), doanh nghiệp lại "chết đứng" vì quy hoạch.
Thị trường vẫn diễn ra tình trạng DN thiếu tự giác, chưa chuyên nghiệp và sẵn sàng giật gấu vá vai bất chấp pháp luật
Được biết, vài năm trước, Tập đoàn Đức Long đầu tư 130 tỷ đồng xây dựng Bến xe phía Nam Thành phố Đà Nẵng theo quy hoạch và lời mời gọi đầu tư của chính quyền sở tại. Tháng 6/2012, công trình thành hình, nhưng hoạt động kinh doanh gần như bằng 0, vì địa phương không đả động tới kế hoạch phân luồng, trích tuyến giao thông như đã phê duyệt từ lúc kêu gọi đầu tư. Chưa biết "hạ hồi phân giải" ra sao, doanh nghiệp vẫn phải "cõng" khoản lãi 20 triệu đồng/ngày.
Đủ kiểu sai phạm
Một lãnh đạo doanh nghiệp đầu tư chung cư mini ở Hà Nội nhận định, năm 2014 – Giáp Ngọ – năm của "vành móng ngựa". Chỉ chưa đầy 2 tháng đầu năm, điều này đang được chứng minh. Số lượng cũng như "chất lượng" của những trường hợp doanh nghiệp sa vòng lao lý đầu năm 2014 có xu hướng vượt trội so với năm 2013.
Thị trường BĐS khởi động năm mới bằng sự kiện lãnh đạo Công ty Địa ốc Dầu khí bị khởi tố, bắt tạm giam. Ngày 22/1/2014, ông Hoàng Ngọc Sáu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc dầu khí (mã CK: PVL) bị bắt vì có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 165 Bộ luật Hình sự. Được biết, sau khi không còn giữ chức người đại diện phần vốn của Tổng công CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) tại PVL từ 8/8/2013, ông Sáu đã đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu PVL.
Tuy nhiên, đến ngày 7/12/2013, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội công bố thông tin giao dịch của ông Hoàng Ngọc Sáu chỉ mua 21.500 cổ phiếu PVL/tổng số 5 triệu cổ phiếu đăng ký mua. Trước đó, PVL cũng bị hàng chục khách hàng mua căn hộ dự án Petro Vietnam Landmark (Tp.HCM) tìm tới trụ sở để đòi nhà, do chậm bàn giao 2 năm.
Tiếp theo, vụ cáo buộc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan tới dự án Metropolian Vũng Tàu (Công ty CP Địa ốc An Khang làm chủ đầu tư). Theo đó, ngày 21/2/2014, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48), Bộ Công an khởi tố vụ án, bắt giam Trưởng phòng TN&MT Tp. Vũng Tàu về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty An Khang về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cơ quan điều tra, cả 2 người này bị bắt vì có liên quan đến những sai phạm tại dự án Trung tâm thương mại và khu nhà ở cao cấp Metropolian (đường 51B, phường 11, Tp.Vũng Tàu, do Công ty An Khang làm chủ đầu tư). Cụ thể, lãnh đạo công ty đã chỉ đạo nhân viên huy động và sử dụng vốn trái phép, có dấu hiệu lừa đảo khách hàng mua đất tại dự án với số tiền lên đến 390 tỷ đồng. Về Trưởng phòng TN&MT bị điều tra về hành vi xác định sai vị trí đất của dự án để tính thuế cho doanh nghiệp – gây thất thoát hàng chục tỷ đồng của Nhà nước.
Một địa bàn đang hút rất nhiều nhà đầu tư "rót" tiền là Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương (thành phố mới Bình Dương) chính thức đi vào hoạt động. Đầu tư BĐS, đất nền ăn theo quy hoạch tại địa bàn đang lên như diều, tỷ lệ thuận với nguy cơ mất vốn, lừa đảo chiếm dụng đến từ nhiều dự án "hót" vẫn mập mờ về pháp lý, tuân thủ quy hoạch.