Bỏ hoang và tháo chạy
Cách đây ít lâu, các dự án dọc theo trục đại lộ Thăng Long là tiêu điểm của giới đầu tư, liên tiếp các cơn sốt giá tại khu vực này. Hiện tại khu vực này là hàng loạt dự án đang im lìm, bất động, cỏ mọc um tùm, nhà đầu tư tháo chạy. Kỳ vọng về một khu đô thị tráng lệ xứng tầm khu vực vẫn còn nằm trên giấy.
Khu đô thị Splendora được do Công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh - liên doanh giữa Vinaconex và Posco E&C làm chủ đầu tư đến nay đã được khởi công giai đoạn 2. Mặc dù vậy, nhiều khu vực của "siêu dự án" rộng hơn 260 ha này cũng đang trong tình trạng bỏ hoang. Trước đó, trong nội bộ liên doanh An Khánh JVC cũng đã có những ý kiến trái chiều về việc tiếp tục khởi công giai đoạn 2 của dự án.
Trên thị trường thứ cấp hiện nay, sản phẩm biệt thự, liền kề tại dự án Slpendora đang được chào bán tràn lan và bị rớt giá thê thảm. Hiện, nhiều nhà đầu tư đang chào bán các suất biệt thự, liền kề được khởi công trong giai đoạn 1 với mức chênh khoảng 3 - 5 tỷ đồng/suất, trong khi một năm trước đó, mức chênh mỗi suất lên đến cả tỷ đồng.
Nằm trong khu đô thị Bắc An Khánh, dự án Tricon Towers do Minh Việt làm chủ đầu tư, khởi công đã lâu nhưng đến nay mới chỉ hoàn thành phần móng. Bên trong dự án là cảnh tượng im lìm, cỏ dại mọc hoang, ngổn ngang sắt thép của nhà thầu, không thấy bóng dáng một công nhân hay bảo vệ. Khu vực bên cạnh là ban quản lý và công ty Minh Việt cũng cửa đóng then cài.
Theo hợp đồng mua bán, chủ đầu sẽ phải giao nhà cho khách hàng vào ngày 31/12/2011, muộn nhất là ngày 30/6/2012. Bức xúc với việc chậm tiến độ của chủ đầu tư, mới đây, hàng chục khách hàng đã treo băng rôn, khẩu hiệu trước cửa văn phòng Minh Việt đòi bồi thường thiệt hại.
Tai tiếng tại khu vực này, khu đô thị Nam An Khánh cũng đang đắp chiếu. Mới đây, chủ đầu tư, công ty Sudico đã công bố sẽ không bán " lúa non" do không đem lại nhiều lợi nhuận cho công ty mà còn gây rất nhiều rủi ro. Dự án sẽ xây dựng xong rồi mới triển khai việc bán hàng.
Trước đó, nhiều nhà đầu tư như ngồi trên đống cửa bởi thông tin việc dự án Nam An Khánh tiếp tục bị tạm dừng triển khai. Khi thị trường bất động sản sôi động, dự án này được xếp vào dạng hàng "hot" vì khả năng tăng giá cao. Lúc đó, giá đất nền tại dự án này vẫn được giao dịch với giá từ 35-40 triệu đồng/m2.
Hiện tại, đất nền tại Nam An Khánh đang được một số nhà đầu tư bán tháo với giá từ 20-24 triệu đồng/m2. Nhà đầu tư thứ cấp đã chấp nhận rao bán lỗ cả chục triệu đồng mỗi mét vuông mà vẫn không có người mua.
Nằm tại Nam An Khánh, dự án chung cư cao cấp Diamond Tower cũng đồng cảnh ngộ. Dự án Diamond Tower ban đầu do Công ty cổ phần bất động sản Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC Land) làm chủ đầu tư, sau đó PVFC Land chuyển nhượng cho Công ty Đầu tư xây lắp Dầu khí Imico. Đến cuối năm 2010, Imico tiếp tục chuyển nhượng dự án cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Vinaconex PVC. Sau nhiều lần trì hõan khởi công, đến nay dự án vẫn bị bỏ hoang.
Ngay cạnh, đó là khu hỗn hợp nhà ở - thương mại - dịch vụ Phúc Hà City Garden của Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh và Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Phúc Hà (IPACO). Theo thiết kế, khu đây là khu căn hộ cao cấp, trung tâm mua sắm và văn phòng hạng A dành cho các tập đoàn Tài chính, Ngân hàng có chiều cao công trình trung bình là 30 tầng. IPACO kêu gọi các đối tác góp vốn xây dựng Dự án từ đầu năm 2010, nhưng đến nay, Phúc Hà City Garden vẫn là bãi cỏ um tùm.
Những dự án xây xong thô như Khu đô thị Lê Trọng Tấn, nằm ngay cạnh trục đường Đại Lộ Thăng Long, Thiên Đường Bảo Sơn, cả chục dãy nhà dài hàng km, gồm hàng trăm ngôi biệt thự hàng chục tỷ đồng, cũng bị bỏ hoang, cỏ mọc hai bên đường, chỉ lác đác vài công nhân xây dựng.
Giá tiếp tục giảm
Trao đổi với VEF, ông Nguyễn Thanh Tùng, giám đốc sàn Phú Điền nhận định, giao dịch bất động sản quanh trục đại lộ Thăng Long giảm mạnh sau một thời gian sốt đã phản ảnh đúng bản chất của thị trường. Bản chất đại lộ Thăng Long đi vào hoạt động không có tác động nhiều đến thị trường bất động sản khu vực này.
Hiện nay, nhiều người dân sau một thời gian ôm đất để đầu cơ đang phải chịu những thiệt hại do không chuyển nhượng kịp. Việc mua bán đất chờ quy hoạch đã khiến cho nhiều nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro nếu không tìm hiểu kỹ, do việc thi công và khả năng thực hiện dự án không phải sớm diễn ra.
Thị trường bất động sản gặp khó khăn, nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính đã dừng dự án, rủi ro vẫn thuộc về khách hàng bởi họ đã mất trắng hàng tỷ đồng tiền chênh lệch khi vội mua lúc sốt nóng và mòn mỏi chờ dự án đi vào hoạt động.
Theo bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Việt Nam, khu vực phía Tây có giá nhà đất giảm mạnh nhất trên thị trường. Trước đây, địa ốc khu vực phía Tây tăng trưởng nóng do nhiều nhà đầu tư đón đầu quy hoạch, nhờ vậy giá đất liên tục bị đẩy cao. Hiện, giá giảm mạnh nhất do giới đầu tư lướt sóng rời bỏ thị trường.
"Nay thị trường chững lại, khách mua không mặn mà với một số khu vực biệt thự, liền kề ở phía Tây do cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện. Nhà đầu tư cũng án binh bất động nên giá biệt thự khu vực này giảm mạnh", bà Hằng nhận xét.
Theo CBRE VN, ước tính khoảng 30%-40% dự án sẽ không hoàn thiện đúng tiến độ, trong khi các căn hoàn thiện sẽ ít có người vào ở. Tình trạng các khu đô thị mới vắng người ở một phần là do nhiều người sở hữu nhà là các nhà đầu tư/đầu cơ không có nhu cầu ở thật, và một phần là do các cơ sở hạ tầng và dịch vụ tiện ích còn thiếu tại các khu đô thị này. Vấn đề đồng bộ hạ tầng tiện ích, khi được cung cấp đầy đủ, có thể sẽ giúp giải quyết vấn đề thanh khoản.
Các chủ đầu tư dường như bắt đầu có những động thái chiến lược mới để thích ứng với điều kiện thị trường đang thay đổi. Họ cũng định hướng dài hạn hơn, và chú trọng đến các hoạt động marketing, tạo dựng thương hiệu, cũng như đảm bảo chất lượng dự án hơn trước đây.