09/10/2012 4:54 PM
Sau khoảng thời gian “mọc lên như nấm”, khi thị trường u ám, giao dịch gần như đóng băng, nhiều sàn BĐS lay lắt sinh tồn thậm chí nhiều sàn không còn đủ sức bấu víu vào nhà đất chấp nhận “dẹp tiệm”.

Trở lại nhiều khu vực được coi là “thánh địa” của thị trường BĐS trước đây như Lê Văn Lương, Hà Đông, Trung Hòa Nhân Chính... , trái với không khí sôi động, cửa hiệu nhà đất san sát nhau thì giờ đây biển hiệu cái còn cái mất, giao dịch cũng chỉ còn lèo tèo vài sàn mở cửa nhưng hiệu suất hoạt động cũng gần như bằng không.

Đường Lê Văn Lương vốn được coi là “kinh đô” nhà đất một thời với các sàn BĐS mọc lên như nấm, luôn tấp nập giao dịch đến nay lại được nhiều người nhắc đến với biệt danh con đường giải khát từ khu café BĐS đến trà đá, bia hơi xếp nhau che dần những sàn vẫn đang cố cầm cự chờ thời cơ nhà đất xoay vần.

Nhiều sàn giao dịch BĐS đóng cửa hàng loạt, chỉ còn lèo tèo sàn hoạt đồng cầm chừng

Trên thị trường không ít sàn BĐS treo biển cho thuê văn phòng, có sàn vẫn còn đầy đủ biển hiệu, địa chỉ liên hệ nhưng đóng cửa với dòng chữ phun sơn lớn “Không bán đất”. Trong cuộc chiến thanh lọc ấy, nhiều sàn không còn đủ sức bấu víu chấp nhận “dẹp tiệm”. Những biển hiệu giao dịch được gỡ xuống, âm thầm biến mất trong cuộc khai tử.

Khu cafe BĐS mọc trên những sàn giao dịch

Chủ sàn giao dịch trên đường Lê Văn Lương cho biết: “Sau thời gian đóng cửa rồi để đấy đến bây giờ sàn vẫn mở cửa đón nhận giao dịch nhưng phải kinh doanh thêm để duy trì”. Cũng theo vị chủ sàn này, trong thời gian tới có thể chuyển đổi từ phục vụ giải khát sang làm quán ăn. “Nhưng đây cũng chỉ là việc tạm thời. Khi nhà đất có dấu hiệu phục hồi chúng tôi sẽ lại trở về với thị trường” – ông khẳng định.

Nhiều sàn âm thầm chấp nhận "dẹp tiệm"


Báo cáo mới đây của Sở Xây dựng Hà Nội, với hơn 500 sàn giao dịchBĐS, từ năm 2011 trở lại đây thì có tới 122 sàn ngừng hoạt động, trên 200 sàn không có giao dịch thành công. Sàn có giao dịch thì số lượng cũng rất khiêm tốn chỉ một vài sản phẩm.

Nhận định về tình trạng này, ông Trần Hợp Dũng, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, hầu hết các sàn giao dịch được thành lập bởi các chủ dự án để bán sản phẩm của mình. Vì vậy, khả năng cạnh tranh còn thấp, nhu cầu chia sẻ thông tin là không cao, cộng với các sàn giao dịch thiếu chiến lược dài hạn.

BĐS đi xuống cũng đang kéo theo những dây chuyền “chết chùm” mà vẫn khó có thể biết đâu mới là điểm dừng

Còn theo nhiều nhà nghiên cứu, phân tích thị trường BĐS thì thị trường BĐS gặp khó sẽ khiến nhiều “chân rết” tê liệt trong đó có các trung tâm mô giới sàn BĐS. Đặc biệt sự nở rộ các sàn trong thời gian trước đây một cách ồ ạt chạy theo thị trường trong khi đó chất lượng kém từ đội ngũ mô giới đến tư vấn, định giá BĐS nên việc “đào thải” là chấp nhận quy luật chung của thị trường.

Quay trong thời khốn khó, BĐS đi xuống cũng đang kéo theo những dây chuyền “chết chùm” mà vẫn khó có thể biết đâu mới là điểm dừng.

Theo Hồng Khanh (VietNamNet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.