Giá các loại thép bán ở các đại lý vẫn không hề giảm, vẫn giữ ở mức ổn định, thậm chí còn tăng chút ít so với năm ngoái. Theo đó, thép niêm yết giá bán tại các đại lý cấp 1 là thép VIS 15,7 triệu đồng/tấn; thép cây 15,64 triệu đồng/tấn, thép Việt Đức 15,3 triệu đồng/tấn, thép Hòa Phát 15,8 triệu đồng/tấn…
BĐS ế ẩm, DN thép điêu đứng
Anh Trần Anh Tuấn – Chủ một đại lý thép và vật liệu xây dựng trên đường Láng ngán ngẩm: “ Từ đầu năm đến giờ, đại lý chúng tôi mới chỉ mở hàng được hơn 100 tấn. So với năm ngoái thời gian này, khách đặt hàng rất nhiều, bán ra phải vài trăm tấn, nhân viên bận việc tối ngày... Giờ thì chán lắm”.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam thì mức tiêu thụ thép từ trong tháng 2 chỉ đạt 360 nghìn tấn, tăng khoảng 130 nghìn tấn so với tháng 1, nhưng giảm gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo, sức tiêu thụ trong tháng những tháng tiếp theo vẫn ở mức thấp bởi các dự án bất động sản, dự án đầu tư xây dựng cơ bản vẫn gần như dậm chân tại chỗ. Do vậy, lượng thép thành phẩm tồn kho đang ở mức cao, gần 400.000 tấn, lượng phôi tồn kho trên 500.000 tấn. Và theo dự báo của Hiệp hội này năm 2012 lượng tiêu thụ thép cả nước sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 4%, khoảng 9,8 triệu tấn.
Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Nghi cho biết, trước tình hình ế ẩm của thị trường và áp lực về vốn, nhiều doanh nghiệp thép đang chấp nhận bán lỗ từ 15,4 - 15,5 triệu đồng/tấn, chưa tính thuế, trong khi giá thành sản xuất 1 tấn thép từ 15,8 - 15,9 triệu đồng. Đây thực sự là mối lo ngại đối với nhiều doanh nghiệp bởi theo dự báo thì, trong thời gian tới tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Mặc dù lượng thép tồn kho rất lớn, tuy nhiên các doanh nghiệp phải nhập khẩu đến 80% sắt thép phế liệu, gần 30% phôi, 100% thép cuộn cán nóng, gần 100% than cốc, than mỡ… nên việc phụ thuộc lớn vào giá nguyên liệu của thị trường thế giới. Thêm vào đó, giá điện tăng, giá nguyên vật liệu tăng cao, lãi suất ngân hàng chưa giảm... Vì vậy, 1 tấn phôi thép nhập từ Nga và Ukraine về tới Việt Nam, giá từ 600 - 610 USD/tấn, tăng nhẹ so với thời điểm tháng 12/2011.
Cũng theo Hiệp hội thép VN, trong năm 2012, giá thép trên thị trường thế giới khó tăng cao do các nước nhập khẩu nhiều như Mỹ và Tây Âu - sẽ giảm bớt số lượng nhập khẩu khiến cho lượng thép của các nước xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản dư thừa. Do vậy, giá các mặt hàng nguyên liệu như: quặng sắt, than mỡ, than cốc, thép phế, phôi thép… cũng khó tiêu thụ được.
BĐS ế ẩm, DN thép điêu đứng
Chưa kể, hầu hết các sản phẩm nội địa vẫn đang phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc. Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp ngành thép xác định phải giảm chi phí đầu tư sản xuất, kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, đẩy mạnh đầu tư sản xuất ngay tại nơi khai thác nguyên liệu và gắn với luyện kim…
Năm 2011, đã có 5 - 6 doanh nghiệp ngành thép phá sản và nhiều doanh nghiệp khác phải tạm ngừng sản xuất, làm giảm công suất của toàn ngành từ 25 - 30%. Dự kiến năm 2012, ngành thép chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 3 - 4% so với năm 2011 và đây được xem là mức tăng trưởng thấp nhất của ngành thép so với mức tăng trên 20%/năm, giai đoạn 2005 - 2010.