05/12/2011 3:19 PM
Báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch-Đầu tư) cho thấy tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực BĐS trong 11 tháng năm 2011 chỉ đạt 464 triệu USD, xếp thứ tư về thu hút FDI. Đây là con số thấp kỷ lục trong vòng 5 năm qua. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự “tụt dốc không phanh” của loại hình BĐS du lịch nghỉ dưỡng từng được xem đầy tiềm năng.

Một năm “thất bát”


Nguyên nhân của sự sụt giảm này được lý giải là do các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ lớn đang gặp khó khăn về tài chính nên không thể tiếp tục mở rộng đầu tư, mà chỉ tập trung hoàn thành các dự án đã triển khai.


Bên cạnh đó, thị trường BĐS Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều vấn đề như không có tính thanh khoản, giá giảm mạnh… nên không tạo sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài.


BĐS du lịch nghỉ dưỡng: Hoang phí tiềm năng
Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Rusalka (Khánh Hòa) có vốn đầu tư 15 triệu USD
đình trệ suốt 7 năm qua.

Nhìn lại dòng chảy FDI vào BĐS vài năm trở lại đây, không khó để nhận ra FDI BĐS đang xuống dốc thê thảm. Vào thời hoàng kim năm 2008, vốn FDI vào lĩnh vực này đạt trên 23 tỷ USD. Năm 2009 con số này là 21,48 tỷ USD.


Thậm chí năm 2010, khi Việt Nam chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vốn FDI vào lĩnh vực BĐS vẫn đạt hơn 6,8 tỷ USD, đứng đầu trong các lĩnh vực thu hút FDI. Tuy nhiên năm 2011, vốn FDI vào BĐS đã nhanh chóng giảm sâu và đến nay có thể thấy chắc chắn rằng 2011 là năm FDI vào BĐS "thất bát" nhất trong 5 năm gần đây.


Cơn lốc những dự án mọc lên như nấm suốt từ Bắc chí Nam đã tan nhanh với hàng loạt dự án tỷ đô chậm tiến độ, bỏ hoang hoặc bị thu hồi do chủ đầu tư “bỏ của chạy lấy người”.


Theo ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, BĐS nghỉ dưỡng và du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh hơn các thị trường du lịch như Thái Lan, Indonesia.


Nếu như tại Thái Lan, việc chuyển khu vực hải đảo, miền núi thành khu du lịch thường rất lâu, qua nhiều bước nâng cấp từ 2, 3 sao rồi mới đến 5 sao, trong khi ở Việt Nam từ bờ biển hoang sơ tiến thẳng đến tiêu chuẩn 5 sao rất nhanh chóng.


Chính sự “ăn xổi” này đã mang lại những hậu quả khá nặng nề, những bờ biển bị băm nát, các khu đất “vàng” bị quây rào rồi bỏ hoang, nguồn cung dư thừa trầm trọng.


Ngấm đòn


2011-2012 có thể được xem là giai đoạn đỉnh cao về nguồn cung khi BĐS du lịch nghỉ dưỡng bung hàng sau giai đoạn tập trung xây dựng. Trong khi tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn, áp lực này sẽ càng đè nặng lên các chủ đầu tư.


Theo ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS, BĐS du lịch nghỉ dưỡng là phân khúc thị trường có nguy cơ dư thừa đáng báo động hiện nay. Trước đây nhiều người hay nói đến trào lưu nhà nghỉ cuối tuần, còn bây giờ căn nhà thứ hai, thứ ba là cái gì đó xa vời và sẽ nhanh chóng bão hòa. Cho nên cần có cảnh báo dư thừa đối với phân khúc này, vì các dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng đều có vốn đầu tư kếch xù so với các dự án bình thường.


Đà Nẵng - địa phương dẫn đầu thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng cả nước, tính đến giữa quý II năm nay, khoảng một nửa trong gần 500 biệt thự nghỉ dưỡng ven biển được tung ra từ thị trường sơ cấp vẫn chưa bán được. Thực trạng này cộng với những khó khăn đã được dự báo của tình hình kinh tế thế giới và trong nước trong năm 2012 đang đẩy phân khúc BĐS này đến những thách thức không nhỏ.

Ông RICHARD LEECH,
Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam


Trên thực tế, mối nguy từ sự phát triển quá nóng của phân khúc BĐS này đã được cảnh báo từ vài năm trước. Sự vội vã chấp nhận các dự án vốn FDI “khủng” của các địa phương và một số nhà đầu tư trong nước khiến cho phân khúc này - dù vẫn tiếp tục được đánh giá là nơi gửi tiền tiết kiệm - trở nên không còn sức hấp dẫn.

Mặt khác, vấn đề cơ sở hạ tầng, giao thông chưa phát triển đồng bộ, tiềm năng du lịch chưa được khai thác thỏa đáng và các vấn đề thủ tục hành chính, thời gian xét duyệt hồ sơ đăng ký đầu tư, giải tỏa mặt bằng, đền bù… cũng là những rào cản với các nhà đầu tư BĐS du lịch nghỉ dưỡng.


Theo các chuyên gia BĐS, sau một thời gian phát triển quá nóng, BĐS du lịch nghỉ dưỡng đã nguội lạnh. Vì vậy sang năm 2012, dù tình hình thu hút FDI có được cải thiện nhưng nguồn vốn trong nước còn khó khăn, phân khúc này vẫn phải chứng kiến cảnh chợ chiều khi các dự án đã hoàn thiện đối mặt với sức ép bung hàng, lúc đó chỉ có các nhà đầu tư trường vốn mới có thể trụ vững.


Theo GS. Đặng Hùng Võ, đây có thể coi là “điểm lặng” để các nhà đầu tư và các cơ quan chức năng nhìn nhận lại vấn đề: Dù có sẵn thế mạnh từ thiên nhiên, nhưng Việt Nam chưa có nhiều chuyên gia quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển BĐS du lịch nghỉ dưỡng.


Loại hình này cũng không mang lại nhiều lợi ích cho đại đa số người dân, không tạo thêm công ăn việc làm… Rõ ràng, phát triển tự phát theo kiểu “ăn xổi”, không có sự tính toán, quy hoạch kỹ lưỡng, khi FDI “nghẽn dòng” BĐS nghỉ dưỡng thoái trào là điều tất yếu.

Theo Hoài Trâm (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.