Nếu các địa phương chưa lấp đầy diện tích các KCN, KCX thì tạm dừng thành lập mới.

BĐS công nghiệp trước nguy cơ vượt cầu


Cả nước đã có 283 khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) được thành lập, với tổng diện tích đất tự nhiên 76.000 héc-ta, trong đó, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt gần 46.000 héc-ta.

Gần 300 khu công nghiệp, khu chế xuất

Theo số liệu công bố tại Hội nghị tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế ở Việt Nam, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức tại Hà Nội, tính đến tháng 12/2011, các KCN, KCX được thành lập trên 58 tỉnh, thành phố, với quy mô trung bình là 268 héc-ta. Cả nước còn 18 khu kinh tế ven biển đã được phê duyệt quy hoạch, với tổng diện tích trên 730.000 héc-ta (chiếm 2,2% diện tích đất cả nước); 28 khu kinh tế cửa khẩu có tổng diện tích trên 600.000 héc-ta.

Các KCN, KCX đã thu hút được 4.113 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 59,6 tỷ USD; 4.681 dự án trong nước còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 420.000 tỷ đồng.

Tổng vốn đầu tư trong và ngoài nước vào KCN, KCX tương đương 80 tỷ USD, trung bình 3,5 triệu USD/héc-ta đất công nghiệp đã cho thuê, cao hơn tỷ lệ tương tự vào thời điểm cuối năm 2005 (gần 2 triệu USD/héc-ta) và cuối năm 2001 (1,2 triệu USD/héc-ta).

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) nhìn nhận, đóng góp của các KCN, KCX vào kinh tế địa phương còn khiêm tốn. Mặc dù phát triển rất mạnh về số lượng và chiếm một phần không nhỏ diện tích đất của cả nước, nhưng việc thành lập mới, mở rộng các KCN, KCX tại một số địa phương chưa hợp lý, chưa căn cứ trên khả năng thu hút đầu tư thực tế.

Đề xuất lập Ban chỉ đạo phát triển KCN

Theo ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, chất lượng công tác xây dựng quy hoạch KCN chưa tốt, chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa tính tới yếu tố liên kết vùng và ngành. Đặc biệt, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các quy định của pháp luật liên quan tới công tác đền bù, giải phóng mặt bằng KCN, KCX thường xuyên thay đổi và chưa phản ánh sát với điều kiện thực tế, dẫn đến tình trạng giá đất và chi phí bồi thường tăng cao, buộc các chủ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN hạch toán chi phí tăng do đền bù giải phóng mặt bằng vào giá cho thuê lại đất công nghiệp, làm giảm sức hấp dẫn đầu tư vào các KCN, giảm tính cạnh tranh quốc gia của KCN.

Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, ông Trung kiến nghị, quy hoạch tổng thể KCX, KCN cần tính toán tiềm năng, lợi thế quốc gia, vừa đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng ngành để tạo ra sự liên kết chặt chẽ, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của KCN trên cấp độ địa phương và quốc gia. Đặc biệt, phát triển về số lượng và quy mô KCN cần phù hợp và hài hoà với điều kiện phát triển thực tế của địa phương, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất KCN, kiên quyết không phát triển KCN trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định.

Đồng thời, nâng cao chất lượng xây dựng kết cấu hạ tầng KCN theo hướng xây dựng một cách đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật với hệ thống tiện nghi, tiện ích công cộng phục vụ cho KCN; gắn kết cấu hạ tầng trong hàng rào vào ngoài hàng rào KCN, hướng tới hình thành nhiều KCN có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nâng cao khả năng cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Nếu các địa phương chưa lấp đầy diện tích các KCN, KCX thì tạm dừng thành lập mới, đồng thời kiên quyết không lấy đất lúa làm KCN”.

Để giải quyết nhanh những vướng mắc và hấp dẫn các tập đoàn lớn, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cùng vào cuộc và chỉ đạo Bộ KH&ĐT đề xuất lập Ban chỉ đạo với thành viên của các bộ, ngành; mỗi 6 tháng họp một lần để giải quyết nhanh các chính sách và tháo gỡ những khúc mắc để giúp tăng thu hút đầu tư có chất lượng.

Theo ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.