Sàn đìu hiu
Đó là chia sẻ của giám đốc một sàn giao dịch BĐS có tiếng tại khu vực Mỹ Đình - Từ Liêm về tình hình thị trường hiện nay. Ông này thẳng thừng nói: Từ Tết đến giờ vẫn không có gì mới cả. Mọi phân khúc hầu như đứng im vì không có giao dịch, thậm chí không có khách đến hỏi. Nếu có gì mới hơn, khả quan hơn, có lẽ phải bắt đầu từ tháng sau. Chứ tháng này thì làm gì có ai nghĩ tới đất với cát… Chia sẻ có phần chua chát này của vị giám đốc này được minh chứng bằng sàn của ông mới chỉ có 1 nhân viên tới trực văn phòng để tư vấn cho khách hàng (nếu có), còn lại mọi người đang rậm rịch đi lễ hội chùa Hương (!). Sự hiu hắt còn diễn ra ngay trên công trường dự án Hapulico Complex tại Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội do công nhân vẫn chưa trở lại làm việc.
Hẹn gặp Giám đốc sàn giao dịch BĐS NDL (Trung Hòa - Nhân Chính) Nguyễn N thì được biết đang ở Bắc Ninh để đi Hội Lim cùng toàn bộ hơn 10 nhân viên trong sàn. Còn lại, “mọi chuyện mua bán giao dịch thì để hết tháng mới tính vì đã đoán trước được tình hình thị trường quý I còn thê thảm hơn cuối năm vừa rồi”… Thậm chí, có lãnh đạo sàn còn thừa nhận sàn giao dịch của mình còn chưa biết khi nào mở cửa lại, khi nào khách hàng tới đặt cọc hoặc thanh toán nốt tiền còn nợ từ năm trước thì khi ấy may ra mới hoạt động bình thường như cũ.
Cửa hàng ế chưa từng có
Sự rớt giá, giảm giá liên tục xuất hiện tại hầu hết các phân khúc. Trong đó chủ yếu là phân khúc căn hộ, chung cư bình dân và tầm trung. Ngoại trừ đất nền thổ cư hầu như vẫn giữ giá bởi lượng cầu dành cho phân đoạn này tại thủ đô luôn duy trì ở mức cao so với mặt bằng chung. Đáng chú ý, ngay cả phân khúc văn phòng cho thuê, mặt bằng thương mại với các sản phẩm đã hoàn thiện nội thất, có giá từ 4 - 5 USD/tháng đang bắt đầu gặp nhiều gian nan. Dọc các tuyến phố lớn như Láng, Nguyễn Chí Thanh, Cầu Giấy, Tây Sơn, Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng… những tấm biển "Cho thuê cửa hàng", "Tìm người thuê lại mặt bằng"... đang xuất hiện như nấm sau mưa. Chỉ đếm sơ qua dọc đường Nguyễn Trãi kéo dài từ chân cầu vượt Ngã Tư Sở tới trước ngã ba Khương Đình đã có tới gần 20 mặt bằng tìm người thuê lại. Giá thuê mặt bằng bán lẻ kinh doanh hiện dao động từ 0,4 - 2 triệu đ/m2, tùy vị trí diện tích... Giá thuê một cửa hàng rộng 25m2 trên phố Đê La Thành là 15 triệu đ/tháng, cửa hàng mặt đường 28m2 trên đoạn Nguyễn Trãi (gần Ngã tư Sở) khoảng 13 triệu đồng... Cửa hiệu rộng chưa đầy 20m2 trên các phố Mai Động, Quỳnh Lôi, Thanh Nhàn chỉ khoảng 5 - 7 triệu đồng. Mặt bằng giá hầu như chỉ ngang ngửa thời điểm quý IV/2011, thậm chí tại một số phố nhỏ, không gần trung tâm, giá còn rẻ hơn tới 10%. Tuy nhiên, do nhu cầu giảm, việc buôn bán gặp nhiều khó khăn nên lượng người trả mặt bằng tăng, khách thuê giảm, mặt bằng cho mướn theo đó cũng bị ế ẩm. Đó là những chủ kinh doanh đi thuê mặt bằng và tìm đường thoát thân bằng cách cho thuê lại. Những đơn vị kinh doanh địa ốc cho thuê cũng gặp khó bởi khách hỏi thuê, đặt thuê từ trước Tết hầu như chưa thấy đâu và nguy cơ “khách chấp nhận mất cọc” là điều có thể đoán trước. Theo họ, việc giảm giá, khách bỏ mối, “bỏ cọc” vẫn nằm trong tính toán từ cuối năm 2011. Tuy nhiên, nếu tình hình này còn kéo dài thì ngay cả những ông lớn chuyên về cho thuê cũng chỉ cầm cự được hết năm 2012 này.
Có nên chờ sóng?
Nhiều dân kinh doanh BĐS lọc lõi đang rỉ tai nhau về cơ hội đánh nhanh - thắng gọn vào tháng 4 - thời điểm vẫn hay xuất hiện sóng địa ốc (chưa cần biết là sóng lớn hay bé). Và chỉ cần trúng 1 vụ thật đậm vào tháng đầu quý II là đủ “sức khỏe” cho cả năm thất bát. Tuy vậy, kinh nghiệm ấy tỏ ra không hoàn toàn đúng khi nhìn lại năm 2011 đầy sóng gió. Còn nhớ cũng đầu quý II/2011, đất Sóc Sơn - Đông Anh được giới đầu tư, đầu cơ, thậm chí cả các DN BĐS có tầm lao tới “như thiêu thân” bởi cơn sốt được chính họ tạo nên. Và chỉ chưa đầy 1 tháng sau, hàng loạt vụ vỡ nợ, phá sản do đầu tư theo đám đông liên tục xuất hiện. Tâm lý chủ quan, cộng với thói quen “đón sóng như mọi năm” đã giết chết không ít nhà đầu tư còn non kinh nghiệm trận mạc trong giới địa ốc. Cũng chung tình trạng “chết vì ôm đất”, tháng 4/2011 chứng kiến rất nhiều nhà đầu tư tranh nhau tìm tới các dự án phía tây Hà Nội như Kim Chung - Di Trạch, Vân Canh, Thanh Hà, Xuân Phương... nhưng cho đến nay tiền lãi thì chưa thấy đâu, sản phẩm vẫn chưa đẩy được mà tiền lãi ngân hàng cứ “đến hẹn lại lên” cùng với tín dụng ngày càng thắt chặt.
Lãnh đạo sàn giao dịch BĐS DVLand tỏ ra e dè khi được hỏi về vấn đề có hay không sóng BĐS tháng 4 tới. Ông nói: Cách đây 2 hôm, tôi có cùng với vài giám đốc sàn có máu mặt tại khu vực Mỹ Đình - Nhổn trao đổi với lãnh đạo một ngân hàng thương mại về việc đề nghị làm hạn mức mới vì là chỗ quen biết. Câu trả lời nhận được: Cứ chờ tới quý II hoặc giữa quý II thì DN BĐS mới cựa quậy được. Giờ Ngân hàng đang đi thu nợ nên làm hạn mức cho trường hợp nhỏ lẻ cũng rất “khó”. Từ câu trả lời này cho thấy, khả năng xuất hiện sóng hoàn toàn nằm tại… ngân hàng. Nếu đúng như lời vị đại diện Ngân hàng này tiết lộ, khả năng thay đổi tích cực về tín dụng BĐS sẽ xuất hiện vào quý II. Khi ấy, người tiêu dùng cũng như nhà đầu tư mới mong tiếp cận vốn để thực hiện các giao dịch còn tồn đọng từ trong năm 2011 - tăng tính thanh khoản cho thị trường.
Trái với ý kiến trên, ông Đỗ Quang Huy - Sàn giao dịch BĐS Hapulico khẳng định: Thời điểm này có thể xảy ra hai xu hướng, đó là có sóng nhỏ vào tháng 4 giúp thị trường hồi sinh, hoặc ngược lại thị trường sẽ nhấn chìm nốt những nhà đầu tư còn bám trụ. Ngân hàng hiện khá thiếu tiền hoặc có tiền thì cũng cho vay với lãi suất cao, nên đa số DN BĐS không thể trông mong vào nguồn vốn tín dụng. Hiện tiền trong dân còn rất nhiều nhưng vẫn còn trong tình trạng rình rập. Nếu đến sóng tháng 4 mà thị trường vẫn ảm đạm thì nhiều DN sẽ “chết” hẳn.