21/08/2013 8:31 AM
CafeLand – Thời gian qua, nhiều chuyên gia bất động sản đã đồng loạt lên tiếng về việc thị trường bất động sản đã đến “đáy”. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay cho thấy, giá bất động sản dù đang liên tục được rêu rao đã giảm khá nhiều thì mức giá của các dự án vẫn còn nằm chênh vênh ở lưng chưng đỉnh núi. Và đây cũng chưa phải là mức giá phù hợp với thu nhập của người dân Việt Nam hiện nay.

Giảm giá từ 20 – 30% được xem là xu hướng chung được chủ đầu tư mạnh dạn áp dụng suốt gần 2 năm qua. Ảnh: K.Linh

Tại hội thảo “Kinh tế vĩ mô và thị trường bất động sản” do CafeLand tổ chức ngày 25/7, ông Adam Bury (Giám đốc phòng kinh doanh CBRE Việt Nam) đã có nhận định “Thị trường bất động sản Việt Nam thật sự đã đến đáy. Đây là thời điểm hợp lý để người dân có nhu cầu mua một ngôi nhà”.

Cũng chung quan điểm đó, ông Nakata Yasuyuki (Tổng giám đốc Công ty Becamex Tokyu) cho rằng, “Giá nhà tại Việt Nam đã chạm đến vùng đáy và đang đi ngang. Theo đó, năm 2013 có thể là chu kỳ cuối của cuộc khủng hoảng nhà đất Việt Nam”.

Đồng quan điểm trên còn có hàng loạt các chuyên gia như: ông Jonathan Tizzard (Giám đốc bộ phận định giá và nghiên cứu thị trường Cushman & Wakefield Việt Nam), ông Trần Lê Khánh (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty đầu tư dịch vụ Kiến Á), ông Marc Towsend (Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam)…

Thực tế, câu chuyện bắt đáy thi trường đã râm ran từ năm 2011 với hàng loạt dự án dưới 2 tỷ được cho là rất ưa chuộng lúc bấy giờ. Tuy nhiên, điệp khúc trên vẫn tiếp tục được lập lại ở thời điểm hiện tại – quý 3/2013.

Tại thị trường phía nam, theo thống kê sơ lược một số dự án được mở bán trong thời gian gần đây như: Tập đoàn Đất Xanh mở bán 240 căn hộ tại dự án Resort 4S Linh Đông với giá 12,1 triệu đồng/m2; Công ty CP Đầu tư Nam Long mở bán dự án khu dân cư EHome 4 - Bắc Sài Gòn với giá từ 450 triệu đồng/căn; Công ty phát triển nhà Thủ Đức mở bán 38 nền nhà phố liên kế của dự án Phước Long Spring Town với giá giảm từ 19,7 xuống còn 17,8 triệu đồng/m2; Hưng Thịnh Land mở bán căn hộ cao cấp Phúc Yên 2 với giá từ 1,2 tỉ đồng/căn; Công ty địa ốc Phú Long mở bán khu phức hợp căn hộ cao cấp Dragon Hill Residence and Suites với giá từ 25,5 triệu đồng /m2…

Tuy nhiên, nhìn lại thời điểm cuối 2012, giá căn hộ tại nhiều dự án được chào bán cũng không có nhiều chênh lệch so với mức trung bình hiện nay. Trong đó có thể kể đến một số dự án như: dự án MB Babylon - 15,5 triệu đồng/m2; dự án Lucky Apartment - 12,5 triệu đồng/m2; dự án Cherry 3 Apartment - 12,5 triệu dồng/m2; Khu căn hộ Thanh Bình – 20 triệu đồng/m2; Khu đô thị Tên Lửa - 11,3 triệu đồng/m2; dự án Lan Phương MHBR Tower - 14,8 triệu đồng/m2…

Mới đây Savills Việt Nam đã công bố Báo cáo chỉ số giá bất động sản (SPPI) quý II/2013. Báo cáo cho thấy, giá trung bình của thị trường Hà Nội, bao gồm cả những dự án mới, đã giảm 30% từ quý II/2011. Ngoài ra, Sở Xây dựng Hà Nội cũng vừa công bố chỉ số giá giao dịch bất động sản căn hộ chung cư quý 2/2013. Theo đó, quận Hà Đông là nơi có giá giảm mạnh nhất với 33%, tiếp đến là huyện Từ Liêm giảm 30%, Đống Đa 23%, Thanh Xuân 22% và khu vực giảm ít nhất là Cầu Giấy với 17%.

Giảm giá từ 20 – 30% được xem là xu hướng chung được chủ đầu tư mạnh dạn áp dụng suốt gần 2 năm qua. Tuy nhiên, giảm thì có giảm nhưng giá vẫn là nút thắc chưa tháo gỡ được trong mắc xích giải phóng hàng tồn kho hiện nay.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố tình hình triển khai gói tín dụng 30.000 tỉ, tính đến ngày 13/8/2013, số khách hàng được cam kết cho vay là 219 khách hàng với số tiền 65,57 tỷ đồng; trong đó, đã giải ngân cho 208 khách hàng với dư nợ 48,92 tỷ đồng.

Theo số liệu vừa ghi nhận trên, gần 3 tháng qua chỉ có khoảng 0,3% trong tổng số 21.000 tỉ dành cho người vay mua nhà đã được giải ngân trong gói tín dụng. Đây là một con số quá ít ỏi so với nhu cầu thực tế hiện nay.

Một thực tế cho thấy, nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các địa phương hiện rất khan hiếm do sự mất cân đối trong đầu tư xây dựng các dự án trước đây. Điển hình ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, doanh nghiệp bất động sản chỉ chăm chăm xây nhà sang, biệt thự, siêu dự án… nên dẫn đến hậu quả tất yếu là sự thiếu hụt nghiêm trọng quỹ nhà ở bình dân như hiện nay.

Việc đẩy mạnh xây nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ chỉ mới được khởi xướng trong thời gian gần đây, do đó chưa có sản phẩm cung ứng cho thị trường. Đồng thời, quá trình xem xét chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu diện tích các căn hộ nhà ở thương mại cho phù hợp tiêu chí cũng đang rất ì ạch.

Thị trường bất động sản đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, có tiền cho người dân vay ưu đãi nhưng lại không có nhà để họ chọn lựa. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để hàng loạt dự án nhà ở thương mại kiên quyết giữ giá, ôm hàng chờ mùa giông bão qua đi.

Khánh Linh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.