Nhu cầu cho vay BĐS phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và thuộc chính sách an sinh, xã hội của Chính phủ sẽ không bị liệt vào loại cho vay phi sản xuất khi xác định tỷ trọng so với tổng dư nợ cho vay của tổ chức tín dụng.
BĐS an sinh thoát khỏi diện cho vay phi sản xuất
Điều này được nêu rõ trong văn bản số 8844/NHNN-CSTT do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 14/11/2011.

Theo đó các nhu cầu sẽ không bị liệt vào loại cho vay phi sản xuất bao gồm:

-Nhu cầu vốn để sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay;

-Xây dựng nhà để bán, cho thuê cho người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế;

-Xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp nhưng không thu tiền thuê nhà hoặc thu tiền thuê với giá thuê không vượt quá mức giá cho thuê nhà ở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành mà chi phí xây dựng nhà ở hoặc chi phí tiền thuê nhà ở được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp;

-Xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 01/01/2012 theo nội dung hợp đồng trong hoạt động xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng thuê tài sản.

Trong văn bản số 8844/NHNN-CSTT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài:

Đáp ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế với mức lãi suất hợp lý trên cơ sở khả năng huy động vốn của tổ chức tín dụng, phù hợp với quy định của pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP

Bố trí nguồn vốn để đáp ứng kịp thời các nhu cầu vay vốn tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn nhất là các hộ dân sản xuất lúa vụ mùa Đông xuân, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và cho vay vốn lưu động đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Trường hợp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực này làm cho tăng trưởng tín dụng cả năm 2011 vượt 20%, thì báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xem xét.

Theo quy định mới, NHNN sẽ chủ động thông tin để người dân biết: tình hình diễn biến tiền tệ và ngân hàng; văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ, ngân hàng; chủ trương, quyết định điều hành của thống đốc NHNN về tiền tệ và ngân hàng; các thông tin về việc thành lập, mua, bán, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, phá sản, giải thể, thu hồi giấy phép, chấp thuận mở rộng mạng lưới và xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức tín dụng. Riêng việc công bố thông tin về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng sẽ được NHNN hướng dẫn riêng tại thông tư quy định về kiểm soát đặc biệt.

Điểm quan trọng nữa là có 5/12 chỉ số cốt lõi trong bộ chỉ số lành mạnh tài chính của mỗi quốc gia theo tiêu chuẩn của IMF cũng sẽ được NHNN công bố gồm: tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu, tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ, dư nợ của từng lĩnh vực trong tổng dư nợ, chỉ số ROA (lợi nhuận trên tài sản) và ROE (lợi nhuận trên vốn đầu tư) của hệ thống ngân hàng VN.

Các chỉ tiêu này vốn được Ngân hàng Thế giới và các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm, mong muốn VN công khai thì nay sẽ được công bố một cách đầy đủ, chính thức và định kỳ tháng, quý, sáu tháng, năm/lần tùy theo từng chỉ số. Trong trường hợp bất thường có thể có thông báo đột xuất. Việc công bố này sẽ cho thấy rõ hơn chất lượng hoạt động của ngân hàng thương mại. Nếu các chỉ số tốt thì người dân có thông tin, nếu không tốt thì đó cũng là áp lực buộc các ngân hàng phải có biện pháp để lấy lòng tin và cạnh tranh, tiếp tục phát triển.

Theo Quang Thanh (Tầm Nhìn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland