22/02/2012 1:11 AM
Thị trường BĐS năm qua rơi vào trạng thái nóng lạnh bất thường. Sau giai đoạn đầu năm, địa ốc ảm đạm ở hầu hết các phân khúc. Trái ngược với cảnh đầu tư tấp nập trước đây, tình trạng “ngủ đông” kéo dài diễn ra hầu hết ở các sàn giao dịch BĐS hiện nay phần nào cũng tác động tới tâm lý các nhà đầu tư. Tuy vậy, vẫn có những hướng đi mới của thị trường, với các chính sách tập trung vào nhà ở xã hội, vì người tiêu dùng hơn.

BĐS 2012: Khởi đầu một xu thế mới


Theo quan sát của PV, mấu chốt của thị trường hiện nay là cần giải quyết tận gốc, tức là DN BĐS phải cơ cấu lại. Nói là vậy, nhưng thực hiện cũng không phải dễ. Ông Nguyễn Đỗ Việt - Phó tổng giám đốc Cty CP Sông Đà - Thăng Long, nói một cách hình ảnh rằng, “sức khỏe” của các DN BĐS bây giờ rất yếu đuối. Trước đây, các chủ đầu tư thường chú trọng tới những sản phẩm phục vụ người có khả năng về kinh tế cao thì nay phải cơ cấu lại những sản phẩm có quy mô vừa và nhỏ để phù hợp với đa số đối tượng ở những khu vực ngoại thành Hà Nội như Gia Lâm, Thanh Trì hay một số huyện phía tây của Hà Nội.


Tuy nhiên, việc triển khai không đơn giản trong 2012. Nhìn lại quá khứ trước đây, thời gian rất lâu mới triển khai nhà ở xã hội được 1%. Ngân sách nhà nước rất là khó đáp ứng vấn đề này, chủ yếu thông qua hoạt động xã hội hóa. Trong khi đó, triển khai cụ thể hơn là những ưu đãi, về các chính sách liên quan thu hút nguồn lực tập trung vào đấy chúng ta chưa có.


Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng chia sẻ, từng là chủ DN, ông hiểu rõ những khó khăn của thị trường và của các chủ đầu tư BĐS hiện nay. Nhưng “cái khó ló cái khôn” và niềm tin vào sự hồi phục với thời gian dài vẫn được vị thứ trưởng này nhắc tới. Năm 2012 cũng là năm được ngành Xây dựng đẩy mạnh các dự án nhà ở xã hội, phục vụ nhu cầu của người dân. Ngay tại Đà Nẵng cũng quyết định mua lại 100 căn hộ chung cư của Cty CP Đầu tư tài chính và BĐS Vicoland với giá 5 triệu đ/m2 để bố trí cho cán bộ công chức của TP Đà Nẵng. Ông Đàm Quang Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT Cty CP Đức Mạnh đưa ra một giải pháp để phát triển loại hình nhà ở này: Đối với các nhà đầu tư, điều băn khoăn lớn nhất là nguồn vốn đầu tư. Thứ hai là nguồn vốn cho vay cho người mua. Mặc dù chúng ta cũng đã đưa ra nhiều giải pháp, nhưng năm 2012 vẫn sẽ tiếp tục khó khăn. Nhưng tôi cũng tin rằng, tính nhân văn của xã hội ta và đảm bảo an sinh, thì vấn đề này tiếp tục được nhà nước quan tâm, phải làm sao đáp ứng chỗ ở, chỗ làm cho người dân.


Trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2015, tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM đạt trên 80%. Theo quan điểm của ông Nguyễn Quốc Hiệp - Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam là, tùy từng khu vực, vị trí, tùy tính chất của đô thị mà nên hay không nên phát triển nhà chung cư. Ví dụ như đô thị ở xa trung tâm Hà Nội, các tỉnh như Phú Thọ, Yên Bái... ngay phương thức sống trong khu chung cư tại các tỉnh đó cũng chưa quen. Hay một ví dụ khác, nếu người dân muốn mua nhà, mua những căn hộ nhỏ 45 - 70m2, nhưng nếu chia nhỏ ra thì mật độ dân số tăng cao và hạ tầng không đáp ứng được, còn nếu chia to thì dân lại không mua được. Vì vậy, cũng như ông Hiệp, nhiều DN BĐS khác cũng mong muốn: Các cơ quan Nhà nước trước các văn bản pháp quy phải thận trọng, nắm được xu thế của thị trường, nhu cầu thực tế của xã hội để “đi vào đời sống”.


Rõ ràng thị trường chỉ có thể phát triển lành mạnh khi được người tiêu dùng chấp nhận và như vậy, người sản xuất cũng như thị trường BĐS phải hướng vào người dân, hướng vào người tiêu dùng, lấy người tiêu dùng làm trung tâm để phục vụ. Muốn vậy, ngoài đảm bảo chất lượng xây dựng, thì giá bán cũng theo hướng giảm phù hợp hơn. Riêng thị trường nhà đất Hà Nội trong quý IV/2011 đã giảm mạnh, mức giảm từ vài triệu đến 10 triệu đ/m2 đang rất phổ biến.


Ông Nguyễn Đỗ Việt đưa ra những đánh giá về xu hướng dài hạn thị trường: Cơ hội đối với người mua tại bây giờ rất lớn. Những người đầu tư cũng tìm kiếm cơ hội trong điều kiện khó khăn những BĐS giá rẻ và những BĐS mà của những nhà đầu tư khó khăn bán ra. Và đây cũng là nền tảng cho những năm tiếp theo, thị trường sẽ lành mạnh hơn.


Theo nhìn nhận chung của các chuyên gia, chủ đầu tư và người có nhu cầu thì năm nay, thị trường sẽ tiếp tục khó khăn, ít nhất là trong nửa đầu năm. Nhưng cũng không ít người kỳ vọng rằng, sau những nỗ lực từ các cơ quan quản lý, ngành ngân hàng, thị trường sẽ có nhiều chuyển biến ngay trong quý I này, bởi theo kinh nghiệm nắm bắt xu hướng thị trường, đây chính là thời điểm hợp lý nhất để người dân mua nhà để ở và cũng là thời điểm triển khai kế hoạch của năm 2012.
Theo Thanh Huyền (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.