02/10/2021 7:43 AM
Trung Quốc cho vay khoản 385 tỷ đô la dưới dạng nợ ẩn theo sáng kiến Vành đai và con đường, chủ yếu tài trợ cho các dự án phát triển tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Tuyến đường sắt Yuxi-Mohan giữa Trung Quốc và Lào được xây dựng vào tháng 5 năm 2019 tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Nợ ẩn

Thứ tư vừa qua, trung tâm nghiên cứu AidData có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết một khoản nợ đáng kinh ngạc lên tới 385 tỷ đô la mà Trung Quốc cho các quốc gia khác vay đã không được Ngân hàng Thế giới và IMF biết đến nhờ vào cách mà các khoản vay này được cấu trúc.

Trung Quốc hiện được coi là chủ nợ lớn nhất thế giới, chiếm 65% tổng số nợ song phương chính thức trị giá hàng trăm tỷ đô la trên khắp châu Phi, Đông Âu, Mỹ Latinh và châu Á.

Báo cáo của AidData cáo buộc Bắc Kinh đã không minh bạch dòng vốn phát triển cho vay ở nước ngoài. Theo đó, Trung Quốc đã không báo cáo các khoản cho vay này một cách đầy đủ và có hệ thống vào Hệ thống Báo cáo Nợ của Ngân hàng Thế giới, bằng cách cho các công ty tư nhân tại các quốc gia có thu nhập trung bình vay tiền thông qua các tổ chức có mục đích đặc thù (SPV), thay vì các tổ chức nhà nước.

Điều này khiến các bên đi vay và các bên cho vay đa phương khó đánh giá chi phí và lợi ích của việc tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường. Đồng thời, làm tăng khả năng các bên đi vay rơi vào bẫy nợ mà chỉ có thể thoát ra bằng cách bán các tài sản quan trọng về mặt địa chính trị cho Trung Quốc.

Báo cáo của AidData cho biết các khoản vay của 42 quốc gia dưới sáng kiến ​​Vành đai và Con đường đã vượt quá 10% GDP. Ví dụ, dự án đường sắt Trung Quốc - Lào do Ngân hàng China Exim tài trợ có trị giá 5,9 tỷ USD, tương đương khoảng 1/3 GDP của Lào, được thực hiện hoàn toàn bằng các khoản “nợ ẩn”.

Bradley C. Parks, Giám đốc điều hành của AidData tại Đại học William và Mary, cho biết Ngân hàng Thế giới và IMF đã nhận thức được vấn đề này.

Lãi chồng lãi, nợ chồng nợ

Báo cáo cũng cho biết về khoản tài trợ phát triển trị giá 50 tỷ đô la của Trung Quốc ở Pakistan. Hai bên đang phát triển Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), một phần của Vành đai và Con đường.

Theo báo cáo, từ năm 2000 đến năm 2017, Trung Quốc đã giải ngân tổng số vốn cam kết trị giá 34,3 tỷ đô la cho các dự án phát triển ở Pakistan, trong đó ít nhất 27,8 tỷ đô la là các khoản vay thương mại chính thức với các ưu đãi hạn chế.

Báo cáo này cũng cho biết các khoản vay của Trung Quốc cho Pakistan rất đắt đỏ so với các khoản vay do Ủy ban Hỗ trợ Phát triển của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD- DAC) và các chủ nợ đa phương khác cung cấp cho Pakistan. Trung Quốc cho Pakistan vay với lãi suất trung bình là 3,76%, thời gian đáo hạn là 13,2 năm và thời gian ân hạn là 4,3 năm.

"Để so sánh, một khoản vay điển hình từ một tổ chức cho vay của OECD-DAC như Đức, Pháp hoặc Nhật Bản có lãi suất 1,1% và thời hạn trả nợ là 28 năm, hào phóng hơn nhiều so với những gì Trung Quốc đưa ra cho Islamabad", Ammar Malik, nhà nghiên cứu cấp cao của AidData, cho biết.

Bất chấp lãi suất cao, các nước có thu nhập trung bình thấp như Pakistan chấp nhận các khoản vay do Trung Quốc cung cấp. Các chuyên gia cho rằng lý do là bởi họ không muốn các khoản vay xuất hiện trong báo cáo tài chính.

"Việc vay vốn thông qua các SPV và tổ chức liên doanh - theo các thỏa thuận tài trợ ngoài bảng cân đối - là cách để chính phủ có thu nhập thấp hoặc trung bình có điều kiện thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng công cộng lớn mà không bị giới hạn khoản vay”, Parks nói.

Mặc dù báo cáo AidData dựa trên dữ liệu có sẵn cho đến năm 2017, các chuyên gia tin rằng không có bất kỳ thay đổi lớn nào trong việc định giá các khoản vay từ các tổ chức công ở Trung Quốc.

Parks cho biết: "Các ngân hàng quốc doanh của Bắc Kinh luôn ưu tiên cho vay với các dự án tạo ra doanh thu, có lợi nhuận. Họ là công cụ tối đa hóa lợi nhuận của nhà nước”.

Các hợp đồng bí mật

AiData cho biết các điều khoản trong hợp đồng cho vay của Trung Quốc với các nước đang phát triển là bí mật và yêu cầu người đi vay ưu tiên trả nợ cho các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc trước các chủ nợ khác.

Một số điều khoản bất thường mà AidData phát hiện còn bao gồm các điều khoản bảo mật ngăn người vay tiết lộ các điều khoản của hợp đồng, các thỏa thuận tài sản thế chấp không chính thức có lợi cho chủ nợ Trung Quốc so với các chủ nợ khác, và lời hứa sẽ giữ cho khoản nợ không bị tái cơ cấu tập thể. Các hợp đồng cũng tạo ra thời gian đáng kể để Trung Quốc có quyền hủy bỏ các khoản vay hoặc thúc đẩy nhanh việc trả nợ.

Scott Morris, một thành viên cấp cao tại AidData cho biết những phát hiện này đặt ra câu hỏi về vai trò của Trung Quốc với tư cách là một trong các nền kinh tế lớn nhất thế giới G20 đã đồng ý một "khuôn khổ chung" được thiết kế để giúp các quốc gia nghèo hơn đối phó với gánh nặng tài chính do đại dịch và giảm nợ nần.

Morris nói: “Điều này dường như đi ngược lại với những cam kết mà Trung Quốc đang đưa ra tại G20”.

Ngoại giao bẫy nợ

Trung Quốc từng nhiều lần bị chỉ trích về chính sách ngoại giao bẫy nợ khiến nhiều quốc gia phải “gán” tài sản. Thông thường, Trung Quốc bắt đầu như một đối tác kinh tế của một quốc gia, rồi dần dần trở thành chủ của kinh tế tại các quốc gia đó. Trên thực tế, càng nợ nhiều thì mức lãi suất mà nước đó có thể phải trả đối với các khoản vay của Trung Quốc càng cao.

Cụ thể, Lào đã trao cho Trung Quốc quyền kiểm soát phần lớn lưới điện quốc gia vào thời điểm mà nợ của công ty điện lực quốc doanh của họ đã lên tới 26% tổng sản phẩm quốc nội.

Trung Quốc có thành tích khai thác lỗ hổng của các nước nhỏ, có vị trí chiến lược vay lớn. Một ví dụ như vậy là Maldives, nơi Bắc Kinh chuyển đổi các khoản tín dụng lớn thành ảnh hưởng chính trị, bao gồm cả việc mua lại một vài hòn đảo nhỏ ở quần đảo Ấn Độ Dương đó với giá rẻ.

Sri Lanka và Pakistan, trong khi đó, đang nhận các khoản vay mới từ Trung Quốc để trả các khoản vay cũ, và ngày càng mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của nợ nần. Cả hai nước đều đã bị buộc phải nhượng các tài sản ở vị trí chiến lược cho Trung Quốc.

Cách đây chưa đầy ba năm, Sri Lanka đã ký hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota có vị trí chiến lược nhất khu vực Ấn Độ Dương và hơn 6.000 héc-ta đất xung quanh trong 99 năm.

Pakistan đã trao cho Trung Quốc độc quyền, cùng với việc miễn thuế, để điều hành cảng Gwadar trong 40 năm tới. Trung Quốc sẽ bỏ túi 91% doanh thu của cảng. Bên cạnh cảng Gwadar, nằm ở ngã tư của các hoạt động thương mại năng lượng toàn cầu, Trung Quốc có kế hoạch xây dựng một tiền đồn kiểu Djibouti cho hải quân của mình tại đây.

Tajikistan, nước có nhiều khoản vay với Trung Quốc từ năm 2006, sau đó đã nhượng 1.158 km2 vùng núi Pamir cho Trung Quốc và sau đó cấp cho các công ty Trung Quốc quyền khai thác vàng, bạc và các quặng khoáng sản khác.

Một quốc gia khác đang mắc nợ Trung Quốc, nước láng giềng Kyrgyzstan, cũng đã tìm kiếm sự cứu trợ từ Bắc Kinh vào tháng trước trước khi nước này rơi vào hỗn loạn chính trị. Ở châu Phi, một danh sách dài các quốc gia không muốn tiếp tục trả nợ cho Bắc Kinh trong đại dịch bao gồm Angola, Cameroon, Congo, Ethiopia, Kenya, Mozambique và Zambia.

Tại sao các nước vẫn vay tiền của Trung Quốc?

Bất chấp việc báo cáo mới được công bố, mô hình nhân danh phát triển của Trung Quốc ở Pakistan khó có thể thay đổi.

"Trong cuộc họp JCC (Ủy ban hợp tác chung) lần thứ 10 của CPEC (tuần trước), Pakistan đã quyết định không đàm phán lại các điều khoản của các dự án năng lượng trị giá 15 tỷ USD, vốn ban đầu được cho là tốn kém, vì Pakistan cần nguồn tài chính của Trung Quốc", một quan chức liên kết với các dự án CPEC cho biết.

Quan chức này nói thêm rằng Pakistan sẽ tiếp tục dựa vào Bắc Kinh để có tiền cho các hoạt động phát triển, ngay cả khi các điều khoản của Trung Quốc không nhiều ưu đãi. Lý do là bởi vì các quốc gia G7 và các chủ nợ khác không mặn mà với việc hỗ trợ tài chính cho Pakistan.

Jeremy Garlick, Phó giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Kinh tế Praha, cho biết Pakistan đã thiếu thốn tiền mặt và tìm kiếm các khoản đầu tư trong nhiều thập kỷ qua. Các khoản vay của Trung Quốc khá đắt, nhưng Pakistan rất cần chúng. Điều này khiến câu chuyện không giống như Trung Quốc đang áp đặt Pakistan”.

Không chỉ Pakistan, việc các quốc gia chấp nhận vay tiền của Trung Quốc cũng đặt ra câu hỏi lớn hơn: Điều gì khiến một số quốc gia lún sâu hơn vào nợ nần với Trung Quốc, bất chấp rủi ro khi phải thế chấp bằng quyền tự chủ về chính sách đối ngoại của họ cho Bắc Kinh?

Câu trả lời là một số yếu tố, bao gồm cả sự dễ dàng so sánh khi vay từ Trung Quốc, với việc IMF cho vay thường có các điều kiện và giám sát nghiêm ngặt. Trung Quốc không đánh giá mức độ tín nhiệm của quốc gia đi vay, không giống như IMF, sẽ không cho vay nếu đánh giá của họ chỉ ra rằng các khoản vay bổ sung có thể đẩy nước này vào một cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng.

Chủ đề: Kinh tế thế giới
Lam Vy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.