Việc Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Nội vừa đề xuất phá bỏ 150 căn hộ tái định cư tại đô thị Sài Đồng cho thấy đỉnh điểm sự bất cập, nhức nhối trong thực hiện chính sách về nhà tái định cư.
Thực tế tại Hà Nội, hàng chục dự án tái định cư cũng rơi vào tình trạng tương tự. Do cơ chế đầu tư công, quản lý lỏng lẻo, buông lỏng giám sát nên hàng nghìn căn hộ chưa kịp bàn giao đã xuống cấp, lạc hậu. Người dân chạy vạy kêu cứu khắp nơi nhưng dường như không mấy hiệu quả.
Còn nhớ sáng ngày 9/8/2011, trước những lời kêu cứu khẩn thiết của hàng trăm hộ dân, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã đích thân thị sát nhà B6B và B6C khu đô thị Nam Trung Yên do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) làm chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Thế Thảo đã trực tiếp chỉ đạo khắc phục tình trạng nước sinh hoạt bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước từ hố ga, bể phốt tràn vào; người dân phải xách nước sinh hoạt đi bộ từ tầng 1 đến tầng 17 do thang máy hỏng chậm được sửa chữa; cửa làm sai thiết kế, khu vực công cộng không có đèn chiếu sáng…
Tuy nhiên, không phải khu nhà tái định cư nào lãnh đạo thành phố cũng đến chỉ đạo được nếu không có sửa đổi từ chính sách và biện pháp xử lý nghiêm đối với chủ đầu tư và nhà thầu sai phạm. Điển hình như Handico mặc dù là “tác giả” của khu tái định cư Nam Trung Yên nổi tiếng vì sự xuống cấp, thiếu đồng bộ nhưng vẫn được tiếp tục làm chủ đầu tư của nhiều dự án tái định cư khác. Hay như Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội mặc dù quản lý dịch vụ và vận hành các khu nhà quá nhếch nhác, thiếu chuyên nghiệp nhưng vẫn được UBND thành phố giao cho tổng quản cả nghìn căn hộ tái định cư.
Nếu việc phá bỏ 150 căn hộ tái định cư Sài Đồng thành hiện thực và cả nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang không sớm được khắc phục thì có lẽ công tử Bạc Liêu nổi danh xưa kia cũng phải nghiêng mình trước sự lãng phí của trong thực hiện tái định cư hiện nay tại Hà Nội.
Và ngay cả việc thành phố đề xuất cơ chế đặt hàng nhà thương mại để làm nhà tái định cư, khắc phục những hạn chế vừa qua, theo nhiều chuyên gia nếu không thực sự minh bạch và kiểm soát chặt chẽ, “bầu sữa” ngọt của sự xin - cho cũng vẫn còn hiện hữu!
Minh Tuần (Tiền phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.