Sau khi bị Giám đốc Sở Tài chính Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên tố nợ hơn 2 tỷ đồng tiền thuê biệt thự, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Đoàn Nguyên Đức khẳng định, ông mới là chủ nợ của Lâm Đồng.
- Khi hay tin HAGL nộp đơn kiện Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng, ngày 13/9, người đứng đầu sở Nguyễn Văn Yên cho biết sẵn sàng đối chất tại tòa và tố doanh nghiệp nợ 2 tỷ đồng tiền thuê biệt thự tính đến ngày 10/9 năm nay. Là Chủ tịch Tập đoàn HAGL, ông giải thích ra sao về việc này?

- Thông tin Công ty HAGL nợ 2 tỷ đồng tiền thuê biệt thự là vô căn cứ. Tôi có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, hồ sơ khẳng định mình đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Lâm Đồng. Tiền thuê biệt thự được thu theo từng quý, tôi đã nộp đến hết quý III năm 2009. Khi có quyết định thu hồi biệt thự do Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký vào tháng 9/2009, lẽ dĩ nhiên tôi không có nghĩa vụ nộp tiền thuê những biệt thự từ quý IV/2009 trở về sau. Giám đốc Sở Tài chính có lẽ đã nhầm lẫn mới "đòi nợ" như vậy. Bên cạnh đó, tiền thuê đất tôi đã nộp đủ cho cả năm 2009. Hiện nay, với việc tỉnh Lâm Đồng thu hồi 11 căn biệt thự nhưng chưa tất toán cho tôi 100.000 USD tiền cọc và gần 1 tỷ đồng tiền đền bù giải phóng mặt bằng đã ứng trước, ước tính khoảng 3 tỷ đồng. Hiện tôi là chủ nợ của Lâm Đồng mới phải.

Về việc đối chất, tôi rất nóng lòng chờ ngày ra tòa để làm sáng tỏ vụ việc. Tuy nhiên, do phải di chuyển khắp nơi, công việc của tập đoàn lại rất nhiều, đòi hỏi phải giải quyết trực tiếp nên tôi đã ủy quyền toàn bộ vụ việc tại Lâm Đồng cho Phó tổng giám đốc Công ty HAGL Trà Văn Hàn giải quyết.


'Bầu' Đức khẳng định ông mới là chủ nợ của tỉnh Lâm Đồng.

- Giám đốc Sở Tài chính khẳng định, việc thu hồi 11 căn biệt thự là căn cứ theo những quy định của pháp luật, không hoàn toàn căn cứ theo hợp đồng. Quan điểm của ông thế nào?

- Nếu thu hồi 11 căn biệt thự không hoàn toàn căn cứ theo hợp đồng thì căn cứ vào đâu? Chẳng lẽ hợp đồng ký kết giữa HAGL và tỉnh Lâm Đồng không có giá trị pháp lý? Là doanh nghiệp, tôi đầu tư, kinh doanh, làm ăn ở bất cứ đâu đều dựa trên cơ sở hợp đồng đã ký kết giữa hai bên. Lẽ dĩ nhiên, các hợp đồng này phải tuân thủ quy định pháp luật. Nếu vi phạm các điều khoản trong hợp đồng sẽ đưa nhau ra tòa án. Chính vì Sở Tài chính vi phạm hợp đồng đã ký nên tôi mới khởi kiện.

- Nhưng Sở Tài chính cho biết, đã nhiều lần nhắc nhở bằng văn bản nhưng doanh nghiệp vẫn chậm triển khai dự án, thậm chí tỉnh Lâm Đồng có tiến hành kiểm tra rồi mới thu hồi. Vậy ông không đồng tình ở điểm nào?

- Muốn thu hồi dự án phải căn cứ theo các quy định của pháp luật, không thể dựa vào các văn bản suông. Theo Nghị định 181, nếu muốn thu hồi, cơ quan chức năng phải tiến hành thanh tra, sau đó mới được ra quyết định thu hồi. Việc thanh - kiểm tra phải có xác nhận của người có thẩm quyền của doanh nghiệp. Thế mà việc tỉnh có đoàn kiểm tra, tôi chưa hề nhận được các biên bản thanh - kiểm tra có chữ ký của đại diện Công ty HAGL. Chẳng lẽ đoàn thanh tra hoạt động bí mật và biên bản chỉ từ một phía lập ra? Hơn nữa, khi thu hồi xong, phải đấu thầu để giao cho doanh nghiệp khác. Việc tỉnh Lâm Đồng giao dự án cho nhà đầu tư mới cũng không làm đúng điều khoản này.

- Lâm Đồng cho rằng việc ông tố cáo và kiện tụng trong thời điểm này có dấu hiệu không bình thường, làm ảnh hưởng công tác chuẩn bị đại hội và gây dư luận xấu trong xã hội. Tại sao ông lại quyết định khởi kiện và tố cáo lúc này?

- Hiện HAGL có 8.000 cổ đông và 15.000 lao động trong và ngoài nước, lại là công ty đại chúng, nếu gây tai tiếng thì có ít nhất 23.000 người sẽ chất vấn tôi. Việc tập đoàn bị thu hồi 11 căn biệt thự gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của doanh nghiệp, tổn hại thương hiệu và uy tín công ty, nếu tôi không làm rõ câu chuyện bị thu hồi thì ăn nói làm sao với cổ đông, đối tác? Vì vậy, tôi muốn làm rõ ai đúng ai sai, tôi mong cơ quan chức năng trung ương rà soát lại vụ việc.

Trên hết, việc kiện tụng là do chúng tôi tin mình làm đúng và bức xúc việc làm sai của tỉnh Lâm Đồng. Sau khi nhận được những văn bản và quyết định của tỉnh về việc thu hồi 11 căn biệt thự, tôi bị sốc. HAGL đã mất rất nhiều thời gian liên hệ với hàng loạt văn phòng luật sư, rà soát từng câu, từng chữ trong văn bản, trong hợp đồng, thống kê tính pháp lý của các văn bản luật, đối chiếu với các quy định hiện hành. Đến khi khẳng định HAGL không làm sai thì mới kiện. Liên quan đến luật pháp, lại ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của tập đoàn nên phải chuẩn bị kỹ lưỡng, không thể nói đại nói đùa được.

- Trong thời gian sắp tới ông dự tính thế nào với khu resort còn dang dở tại Lâm Đồng?

- Với tôi, resort tại Lâm Đồng là dự án nhỏ của tập đoàn, hoạt động kém hiệu quả. Nhiều năm qua, 250 lao động tại resort này đã gắn bó với HAGL, có những người đã làm việc tại đây từ ngày đầu tiên dự án đi vào hoạt động cho đến nay. Chính vì băn khoăn đến cuộc sống của người lao động và kỳ vọng môi trường đầu tư tại đây ngày một tốt hơn nên chúng tôi vẫn kiên nhẫn duy trì khu du lịch này. Tuy nhiên, có lẽ trong thời gian tới chúng tôi sẽ cân nhắc đến chuyện đóng cửa resort. Hiện tôi không còn niềm tin vào môi trường đầu tư tại Lâm Đồng nữa. Dự án resort nghỉ dưỡng này có thể sẽ là dự án kết thúc mối lương duyên của tôi với Lâm Đồng

Cafeland.vn - Theo Vũ Lê ( VnExpress )
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland