Ngày 6.9, ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), cho biết vừa có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ và các cấp thẩm quyền tố cáo một số hành vi vi phạm pháp luật của người đứng đầu tỉnh Lâm Đồng.
Ông Đức cũng cho biết, ông chuẩn bị khởi kiện văn bản số 6986 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc thu hồi trái pháp luật toàn bộ diện tích nhà và đất 12 căn biệt thự thuộc giai đoạn II dự án khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng của HAGL. Theo ông Đức, quyết định của UBND tỉnh đã ảnh hưởng lớn đến uy tín và thương hiệu của tập đoàn.
Được biết, trước đó HAGL được tỉnh này cho thuê 20 căn biệt thự với tổng diện tích đất gần 46.000m2 tại phường 9, TP Đà Lạt để đầu tư kinh doanh du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng.
Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Đoàn Nguyên Đức tuyên bố theo đến cùng vụ tố cáo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa. Ảnh: Vũ Lê.
HAGL đã ký hợp đồng thuê đất, nộp tiền thuê đất và ứng trước tiền bồi thường giải tỏa khu đất này cho tỉnh, nhưng sau đó chỉ được bàn giao 12 căn biệt thự và doanh nghiệp đã đầu tư nâng cấp, đưa vào hoạt động tám căn. Số diện tích đất và biệt thự còn lại, HAGL nhiều lần có văn bản đề nghị tỉnh giao để kinh doanh nhưng tỉnh này án binh bất động. Cuối năm 2009, tỉnh ra quyết định thu hồi dự án trên để giao cho doanh nghiệp khác thực hiện.
Thu hồi biệt thự là đúng quy trình
Đó là khẳng định của ông Trương Văn Thu, phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, tại buổi làm việc với phóng viên các báo tại TP Đà Lạt vào chiều ngày 7.9.
Theo ông Trương Văn Thu, việc ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch Tập đoàn HAGL bức xúc khiếu kiện là quyền của ông Đức, còn giải quyết việc khiếu kiện sẽ có cơ quan chức năng nhà nước sẽ làm.
Tuy nhiên, ông Thu cho biết thêm: liên quan đến việc này là cả một chuỗi thời gian, bắt đầu từ năm 2003, thông qua công ty du lịch Xuân Hương, xí nghiệp tư doanh HAGL đặt vấn đề với tỉnh để đầu tư nâng cấp khu này (khu Nguyễn Du – Phó Đức Chính) thành khu resort hiện đại. Đây nguyên là khu nhà làm việc của Tỉnh ủy và các ban của Tỉnh ủy, nhưng tỉnh vẫn chấp nhận cấp phép và bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư đầu tư, đều này cho thấy UBND tỉnh hết sức trân trọng nhà đầu tư.
Thế nhưng, sau khi giao mặt bằng cho nhà đầu tư, HAGL chỉ đầu tư làm mới và đưa vào sử dụng 8 căn biệt thự, sau đó không làm nữa, mặc dù trên tinh thần cầu thị, UBND tỉnh đã nhiều lần có văn bản nhắc nhở chủ đầu tư (theo UBND tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2008 đến nay tỉnh đã ra 6 văn bản nhắc nhở nhà đầu tư) nhưng HAGL vẫn không thực hiện. Hậu quả là từ một khu đang sử dụng trở thành khu hoang tàn, một khu mà Nhà nước đang quản lý sau đó mất mát tài sản, xảy ra tệ nạn xì ke, ma túy…; nhân dân thì bức xúc.
Trong khi so sánh với khu biệt thự Lê Lai, nguyên là một khu hoang tàn, người dân ở kín các ngôi biệt thự, nhưng chỉ trong thời gian ngắn nhà đầu tư đã tôn tạo thành một khu biệt thự khá nổi tiếng như thế, hay khu biệt thự Trần Hưng Đạo, sau khi đấu giá cho thuê, chủ đầu tư gặp khó khăn và tỉnh cũng đã tạo điều kiện và hỗ trợ nhưng cũng chỉ trong thời gian ngắn khi đúng dịp Festival vừa qua đã hoàn thành.
“Chính từ thực tế bức xúc xã hội như trên, tỉnh thấy không ổn nên mới ra quyết định thu hồi” – ông Thu nói.
Ông Trương Văn Thu nói thêm: “UBND tỉnh giao cho HAGL 20 căn biệt thự, trừ đi 8 căn đã được đầu tư đưa vào hoạt động, còn lại 13 căn thì tỉnh thu hồi 11 căn (trong số này đã bàn giao cho HAGL 6 ngôi, còn lại 5 ngôi chưa bàn giao). HAGL không làm vì cho rằng phải giao đủ khối 11 căn biệt thự mới làm được. Biệt thự chứ đâu phải nhà liên kế, những ngôi biệt thự này là riêng lẻ chứ không phải một khối nên cách nói của HAGL là không có cơ sở”. Theo ông Thu, trong đơn kiện, HAGL có nói là tỉnh cho gia hạn, nhưng sau đó lại ra thông báo thu hồi sớm hơn 19 ngày là sai quy trình ban hành văn bản là không đúng, vì để làm 11 biệt thự trong khoảng thời gian ấy dù có “thánh” cũng không thể nào làm được. Nguyên nhân thu hồi không phải chỉ từ khi ra văn bản nhắc nhở mà là trong suốt thời gian dài theo dõi thấy HAGL không làm nên tỉnh không thể không thu hồi.
Đối với việc tại sao cùng lúc có văn bản thu hồi dự án và cấp cho nhà đầu tư mới mà không qua quy trình đấu giá, ông Thu cho biết: lúc đầu dự định là thu hồi để đấu giá cho đúng quy trình, nhưng sau khi thu hồi thì có nhà đầu tư - tập đoàn Trung Thủy (TP HCM) có tiềm lực và do tính “bức xúc xã hội” và “yếu tố thời gian” nên với mong muốn làm nhanh để tạo nên khu phố xinh đẹp, nên tỉnh không qua đấu giá.