Ngày 23/4, tại Đại hội cổ đông thường niên của HAGL, Bầu Đức cho biết, trong năm nay, doanh thu ngành bất động sản của tập đoàn sẽ giảm từ 2.829 tỷ đồng xuống còn 518 tỷ đồng.
Đây cũng là năm doanh thu các ngành nghề của tập đoàn đều có sự dịch chuyển lớn. Cụ thể, tỷ trọng doanh thu ngành bất động sản từ 64% (năm 2012) lần lượt giảm xuống còn 14%, 15%, 27% cho các năm 2013-2015. Ngược lại cao su sẽ tăng doanh thu từ 1% (năm 2012) lên 14%, 23%, 30% trong những năm tiếp theo. Tương tự cao su, mía đường cũng nhảy vọt từ 0% (năm ngoái) lên thành 18%, 25%, 20% trong 3 năm tới.
Bầu Đức cho biết thêm, nếu lợi nhuận năm 2012 thấp nhất trong giai đoạn 2007-2012 thì từ năm 2013 trở đi, HAGL sẽ bắt đầu chu kỳ tăng trưởng mới kể cả trường hợp nền kinh tế tiếp tục còn suy thoái. Cơ cấu lợi nhuận từ năm 2013 trở đi xếp theo thứ tự là ngành: cao su, mía đường và dự án bất động sản tại Myanmar.
Chủ tịch Tập đoàn HAGL Đoàn Nguyên Đức tuyên bố buông lỏng bất động sản tại Việt Nam để dồn toàn lực tập trung xây khu phức hợp tại Myanmar trong năm 2013. Ảnh: Vũ Lê
Theo kế hoạch đầu tư năm 2013, tập đoàn này sẽ đặt nông nghiệp lên hàng đầu với việc trồng thêm 7.000 ha cao su và 4.470 ha mía. Song song đó, HAGL sẽ xây dựng nhà máy phân vi sinh 50.000 tấn một năm sử dụng phế phẩm của nhà máy đường. Xếp sau nông nghiệp là thủy điện, bầu Đức tiếp tục thi công 3 dự án Đăksrông, Nậm Kông và Bá Thước 1.
Riêng ngành bất động sản, tại Việt Nam HAGL tập trung thu hồi nợ và tiếp tục xây dựng Phú Hoàng Anh giai đoạn 2 và Thanh Bình. Tuy nhiên, theo bầu Đức, Myanmar mới thật sự là điểm nhấn với việc triển khai xây dựng khu phức hợp trung tâm thương mại tòa nhà văn phòng, khách sạn 5 sao và khu căn hộ dịch vụ tại cố đô Yangon.
"Nếu chỉ xét ngành bất động sản, năm 2013 chúng tôi dồn toàn lực xây khu phức hợp ở Myanmar và kỳ vọng vào thị trường mới nổi này chứ không phải Việt Nam", ông Đức nói.
Theo kế hoạch, trong năm 2013, vốn điều lệ của HAGL sẽ tăng từ 5.374 tỷ đồng lên thành 7.194 tỷ đồng nhờ chào bán cổ phần phổ thông cho cổ đông hiện hữu và chuyển đổi trái phiếu cho Temasek. Dự kiến, lợi nhuận năm 2013 của tập đoàn này đạt 1.107 tỷ đồng, phục hồi bằng 211% so với năm 2012.
-
Trên mảnh đất, ngôi nhà của mình, bất kỳ ai cũng mong có được Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, hay còn gọi là “sổ đỏ”. Thế nhưng, thực tế vẫn đang tồn đọng số lượng lớn “sổ đỏ”. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có việc cán bộ địa chính gây phiền hà, nhũng nhiễu...
-
Sẽ thay đổi chính sách mua “nhà 61”
Từ 6-6-2013, chính sách mới về bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước với nhiều điều chỉnh sẽ có hiệu lực. Tuy vậy, để được giải quyết hồ sơ theo quy định cũ (Nghị định 61/NĐ-CP), người có nhu cầu mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước vẫn còn hơn 1 tháng để nộp đơn đề nghị tới cơ quan bán nhà.
-
“Đại gia” rầm rộ “hạ cấp“ làm “bình dân“
Với gói chính sách ưu đãi cho nhà ở xã hội vừa được ban hành, hàng loạt chủ đầu tư bắt đầu chuyển hướng kinh doanh trên các dự án của mình. Cũng mặt bằng vốn trước đây thuyết phục khách hàng là căn hộ cao cấp, nay chủ đầu tư lại ráo riết xin chuyển mục đích làm nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp. Trào lưu “đại gia” tự nguyện “hạ cấp” thành "bình dân" xuất hiện rầm rộ tại Hà Nội, kéo theo những hệ lụy đã có thể nhìn thấy trước.