24/04/2013 7:46 AM
Trên mảnh đất, ngôi nhà của mình, bất kỳ ai cũng mong có được Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, hay còn gọi là “sổ đỏ”. Thế nhưng, thực tế vẫn đang tồn đọng số lượng lớn “sổ đỏ”. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có việc cán bộ địa chính gây phiền hà, nhũng nhiễu...

Theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, cả nước sẽ hoàn thành cơ bản việc cấp GCN quyền sử dụng đất trong năm 2013. Ảnh: Trọng Hải

“Sổ đỏ” tồn đọng với số lượng lớn

Cũng như bao hộ dân khác tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân (Hà Nội), đầu năm 2011, ông Trần Văn Cảnh được tổ dân phố thông báo về việc làm hồ sơ "sổ đỏ". Ông Cảnh cùng các hộ gia đình khác thấp thỏm đợi ngày được cầm “sổ đỏ” ngôi nhà của mình.Vậy nhưng, “sổ đỏ” vẫn chỉ là một giấc mơ! Được biết, theo hướng dẫn của cán bộ địa chính phường, ông Cảnh đã bổ sung đầy đủ giấy tờ liên quan, nộp đầy đủ tiền thuế đất… Vậy đến nay, “sổ đỏ” vẫn chưa đến tay ông Cảnh. Trường hợp kể trên chỉ là số ít trong rất nhiều những mảnh đất, căn hộ đã làm hồ sơ “gửi” cho chính quyền nhưng hiện vẫn chưa nhận được “sổ đỏ”.

Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết: Theo một khảo sát, có tới 90% người được hỏi không hài lòng với thái độ giải quyết công việc của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Tuy nhiên, về phía người thực thi công vụ lại cho rằng, cái khó nhất trong việc thực hiện cấp GCN quyền sử dụng đất lần đầu là nhiều trường hợp người dân lấn chiếm đất, xảy ra tranh chấp, vi phạm pháp luật về đất đai. Nhiều người mua nhà ở để bán kiếm lời nên chưa muốn làm thủ tục để tránh nộp thuế và lệ phí trước bạ.

Cũng tại Hà Nội, hiện có hơn 90% các dự án đã bàn giao nhà, nhưng người dân vẫn chưa được cấp “sổ đỏ”, trong đó có cả những dự án đã làm đúng thủ tục. Nhiều khu đô thị, người dân đến ăn ở ổn định đã vài năm nay nhưng vẫn chưa có “sổ đỏ”. Khi người dân mang bức xúc “trút” lên đầu chủ đầu tư, thì chỉ nhận được câu trả lời chung chung: Cơ chế chưa cho phép cấp “sổ đỏ”! Trước thực tế đó, nhiều hộ dân đã “bỏ qua” chủ đầu tư để tự đi làm “sổ đỏ” nhưng cũng không được, bởi làm như vậy là không đúng với quy định của Nhà nước.

Theo Tổng cục Quản lý đất đai, TP Hồ Chí Minh chỉ xếp sau thủ đô Hà Nội về “chỉ số” tồn đọng diện tích đất, nhà chưa cấp “sổ đỏ”. Tính riêng các căn hộ chung cư thì thành phố này có khoảng 16.000 căn hộ người dân đã vào ở từ 2 đến 4 năm mà vẫn chưa được cấp “sổ đỏ”. Nguyên nhân do các chủ đầu tư bị vướng mắc về các thủ tục hoặc vi phạm luật đất đai xây dựng, chưa nộp tiền sử dụng đất, chưa làm đúng với cam kết của chính quyền hoặc do chưa hoàn thành xong các yêu cầu về cơ sở hạ tầng, cảnh quan đô thị… Còn về thửa đất, TP Hồ Chí Minh cũng còn tồn đọng 311.000 thửa. Theo ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT), nguyên nhân của việc chậm cấp GCN lần đầu ở nhiều địa phương là do kinh phí đầu tư cho việc thực hiện đo đạc lập bản đồ, xây dựng cơ sở địa chính ở phần lớn các tỉnh rất hạn chế so với yêu cầu. Hầu hết các địa phương đều không dành đủ 10% mức tối thiểu tiền thu từ sử dụng đất cho việc cấp GCN theo Chỉ thị 1474/CT-TTg.

Hỗ trợ kinh phí để đẩy nhanh tiến độ

Mục đích của việc cấp “sổ đỏ” là để tăng cường quản lý Nhà nước về sử dụng đất và tránh thất thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trước thực tế còn tồn đọng một số lượng lớn diện tích đất, nhà ở chưa có “sổ đỏ” đồng nghĩa với việc còn nhiều bất cập trong công tác quản lý, sử dụng đất; ngân sách sẽ tiếp tục thất thu, còn người dân vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc đợi chờ “sổ đỏ” từ chính quyền sở tại. Ông Đào Trung Chính cho biết thêm, để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, trong năm 2013, TP Hồ Chí Minh và Bộ TN&MT đã đưa ra nhiều quy định linh hoạt để có thể giải quyết khoảng 50% số "sổ đỏ" còn tồn đọng như: Cấp "sổ đỏ" cho nhiều căn hộ riêng lẻ của dự án nếu căn hộ đó không nằm trong khu vực vi phạm. Còn với trường hợp nằm trong khu vực vi phạm của dự án, nếu chủ đầu tư hoàn thành các quy định của Nhà nước sẽ tiến hành xử phạt chủ đầu tư và sau đó cấp "sổ đỏ" cho người dân.

“Các địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân thực hiện nghiêm các quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; trong đó có trách nhiệm đăng ký quyền sử dụng đất đối với các cơ quan Nhà nước. Nếu chính quyền địa phương không thực sự vào cuộc, thực hiện nhiều giải pháp, đẩy nhanh tiến độ, thì đến cuối năm nay sẽ khó có thể hoàn thành cơ bản việc cấp GCN quyền sử dụng đất lần đầu cho người dân”, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển đề nghị.

Thực tế, người dân ở các đô thị “ngại” làm "sổ đỏ" vì nghĩa vụ tài chính lớn, ông Chính cho rằng, đó là thực tế khách quan vì đất ở các đô thị có giá trị lớn, lại thường xuyên mua bán chuyển nhượng. “Quan điểm của bộ là làm sao để cấp giấy chứng nhận nhanh. Tuy nhiên, khả năng huy động tài chính của bộ chỉ ở mức hợp lý. UBND các tỉnh, thành phố phải thực hiện nghiêm túc việc dành tối thiểu 10% tiền sử dụng đất cho công tác đo đạc bản đồ địa chính và cấp GCN theo đúng Chỉ thị 1474CT/TTg. Đồng thời, ngân sách Trung ương cần tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh, thành phố trọng điểm”, ông Đào Trung Chính khẳng định.

Trước hiện trạng đó, vừa qua Quốc hội đã ra Nghị quyết 30, với mục tiêu là đến ngày 31-12-2013 phải cơ bản hoàn thành việc cấp GCN quyền sử dụng đất lần đầu. Để cụ thể hóa Nghị quyết của Quốc hội, Bộ TN&MT đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc cấp GCN quyền sử dụng đất lần đầu như miễn phí trước bạ cho các cá nhân sử dụng đất ở trong năm 2013 và giảm mức thu xuống còn 0,2% trong năm 2014 để khuyến khích người dân thực hiện đăng ký đất đai…

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển nhấn mạnh: Giải pháp quan trọng hàng đầu để bộ “tháo nút thắt” trong việc cấp “sổ đỏ” là tăng cường thanh, kiểm tra cán bộ thực thi công vụ. Thực tế, có trường hợp một số công chức chưa xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm này, coi việc này như việc giải quyết bình thường. Đồng thời, tăng cường thanh tra công vụ trên cơ sở đó phát hiện trường hợp nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhũng nhiễu, gây khó khăn để xử lý kỷ luật. Từ đó tạo môi trường tốt cho việc cấp GCN, giúp chúng ta bảo đảm thời gian hoàn thành nhiệm vụ mà Quốc hội giao.

Cả nước hiện có 18 trong tổng số 22 tỉnh, thành phố trọng điểm còn tồn đọng số lượng lớn chưa cấp GCN quyền sử dụng đất, trong đó nhiều nhất là Hà Nội với 168.000 thửa đất và gần 500.000 căn hộ… Về đầu tư kinh phí cho việc cấp “sổ đỏ”, hiện chỉ có tỉnh Bắc Giang đầu tư 32 tỷ đồng, các tỉnh, thành phố còn lại đều không thực hiện đúng yêu cầu. Nhiều địa phương mặc dù khối lượng tồn đọng cần cấp GCN còn nhiều, nhưng việc đầu tư kinh phí trong năm 2012 vẫn còn rất hạn chế như Điện Biên (1 tỷ đồng), Lai Châu (2 tỷ đồng), Sơn La (4,8 tỷ đồng).

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường

Lê Xuân Đức (QĐND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.