Gần đây, nhóm nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài khuyến nghị mua vào cổ phiếu, lạc quan về triển vọng của thị trường Việt Nam trong trung và dài hạn, nhưng ít nhắc đến thị trường ngắn hạn?
Nguồn vốn mới hiện nay đều tạm nằm ở mức dự kiến và có thể sẽ rơi nhiều vào năm 2011. Trong nhiều lý do dòng vốn ngoại còn e dè với thị trường Việt Nam năm 2010, tỷ giá có lẽ là nguyên nhân chính.

Trong khi các nước mới nổi khác như Brazil, Thái Lan... gần đây đang tìm cách hạn chế dòng tiền “nóng” từ nước ngoài đổ vào thị trường tài chính thông qua các quy định khác nhau thì Việt Nam lại thiếu vắng trên bản đồ các nước được dòng tiền “nóng” quan tâm.


ảnh minh họa

Trong nước, từ đầu năm tới nay, các quỹ đầu tư nước ngoài gắn bó với thị trường Việt Nam như Dragon Capital, VinaCapital, Prudential, Mekong Capital... hầu như không có thêm nguồn vốn mới. Hoạt động chủ yếu của các quỹ là tái cơ cấu hoạt động hoặc tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Tính trung bình trong vài năm trở lại đây, mỗi năm VND mất giá khoảng 5%. Riêng năm 2010, nếu so sánh với thị trường tự do (tính đến cuối tháng 10), VND mất giá khoảng 10%. Như vậy, nếu NĐT nước ngoài phân bổ nguồn vốn vào Việt Nam, bỏ qua các rủi ro vĩ mô khác, lợi nhuận phải cao hơn các thị trường mới nổi khác tối thiểu 5% để đạt được mức tăng trưởng tương tự. Đó là chưa kể đến USD trong năm qua mất giá tương đối so với các đồng tiền khác nên mức độ chênh lệch còn cao hơn.

Đối với NĐT nước ngoài, việc tỷ giá là 19.500 hay 20.500 đồng/USD đều có ưu điểm và nhược điểm riêng do tác động đối với kinh tế vĩ mô của Việt Nam là hai mặt. Tuy nhiên, NĐT nước ngoài mong muốn tỷ giá được ổn định và thể hiện đúng giá trị của VND, tránh rủi ro về tỷ giá khi giải ngân và chuyển tiền ra khỏi Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Chính phủ hiện nay có hai lựa chọn hoặc là định giá lại VND theo đúng giá trị kỳ vọng của NĐT hoặc thuyết phục NĐT rằng, tỷ giá hiện nay thể hiện đúng tiềm năng của nền kinh tế trong nước và VND sẽ không tiếp tục bị phá giá.

Trong hai lựa chọn trên, lựa chọn thứ nhất có vẻ khả thi hơn và nếu được thực hiện ngay trong tháng 11 sẽ có những tác động nhất định tới dòng tiền từ khối ngoại (mặc dù có thể chỉ dừng ở mức tín hiệu). Tỷ giá điều chỉnh càng sát với tỷ giá được kỳ vọng và tỷ giá trên thị trường tự do sẽ càng có lợi cho dòng vốn ngoại vào thị trường. Tất nhiên, các yếu tố khác cũng cần được cân nhắc để đảm bảo lợi ích tối đa cho nền kinh tế.

Trong trung và dài hạn, TTCK Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, nhưng áp lực về tăng NAV của NĐT nước ngoài trong năm 2010 rất lớn và nhiều khả năng các khoản đầu tư trên sàn chứng khoán niêm yết năm 2010 tại thị trường Việt Nam sẽ bị các nước khác bỏ xa về lợi nhuận.

Khi thị trường đón dòng vốn mới, áp lực giải ngân từ khối ngoại sẽ tăng lên (như trong năm 2006 - 2007) và đây là tín hiệu tích cực cho thị trường vốn đang được NĐT nước ngoài đánh giá là hấp dẫn. Dòng vốn ngoại cũng sẽ đóng góp tích cực cho thị trường ngoại tệ và tâm lý NĐT trong nước.

Cafeland.vn - Theo Bee
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland