Với những sai phạm đó, Tổng giám đốc Tập đoàn Sông Đà đã đề nghị Hội đồng Thành viên Tập đoàn Sông Đà xem xét có hình thức kỷ luật đối với ông Diệp, rút đại diện phần vốn của Tập đoàn Sông Đà tại Sudico và cử người khác thay thế.
Bình
luận về đề nghị này của Tập đoàn Sông Đà, ông Nguyễn Đình Cung, Phó
viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc
Tập đoàn Sông Đà rút đại diện phần vốn của Tập đoàn tại Công ty Sudico
và cử người khác thay thế là quan hệ giữa Tập đoàn và cá nhân ông Diệp.
Việc bãi miễn Chủ tịch HĐQT Sudico phải do HĐQT Sudico thực hiện và Tập
đoàn Sông Đà chỉ đóng vai trò là một cổ đông của Công ty. Điều lệ của
Tập đoàn Sông Đà quy định về nghĩa vụ của người đại diện phần vốn của
Tập đoàn tại doanh nghiệp khác phải xin ý kiến của Tập đoàn về việc miễn
nhiệm chức vụ Tổng giám đốc và bổ nhiệm Tổng giám đốc mới thay thế tại
doanh nghiệp họ đại diện vốn là mối quan hệ giữa Tập đoàn và người đại
diện vốn, không có ý nghĩa pháp lý với Công ty Sudico.
Trong
khi đó, theo ông Phạm Đức Thành, Giám đốc Ban Pháp chế Tập đoàn Sông
Đà, việc ông Diệp với tư cách Chủ tịch HĐQT Sudico đã chủ trì cuộc họp
HĐQT Công ty Sudico vào ngày 24/9/2011 để biểu quyết và ký quyết định
miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc của ông Vi Việt Dũng, Tổng giám đốc
Công ty Sudico khi chưa xin ý kiến và chưa được Tập đoàn Sông Đà chấp
thuận bằng văn bản là trái với các quy định về nghĩa vụ của người đại
diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp khác được quy định tại khoản 4,
Điều 50, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Sông Đà. Bằng văn bản
gửi Hội đồng Thành viên Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn chỉ quyết định về
nhân sự đại diện phần vốn của Tập đoàn tại Sudico.
“Tập đoàn chỉ quyết định về nhân sự đại diện phần vốn của họ tại Sudico, việc thay thế này không ảnh hưởng tới hoạt động của HĐQT và tất nhiên cũng không ảnh hưởng đến các cổ đông khác”, ông Thành cho biết.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, một số cổ đông lại cho rằng, mấu chốt của tranh chấp tại Sudico là tính chất pháp lý của việc miễn nhiệm Tổng giám đốc và bầu lại Tổng giám đốc mới.
Đại
diện cho một số nhà đầu tư, cổ đông nước ngoài được bầu vào HĐQT của
Sudico, ông Đặng Hồng Quang, Trưởng đại diện VinaCapital tại Hà Nội cho
rằng, ở đây có 2 vấn đề mà nhóm cổ đông quan tâm, đó là tính pháp lý của
việc miễn nhiệm ông Vi Việt Dũng và quyền lợi của các cổ đông.
“Theo ý kiến chúng tôi, việc miễn nhiệm ông Dũng và đăng ký kinh doanh lần 8 của Sudico là đúng về thủ tục pháp lý. Ở góc độ cổ đông bỏ vốn vào Sudico, chúng tôi thấy năng lực điều hành của ông Dũng là kém. Vấn đề chúng tôi rất quan tâm là, tới đây, việc thay thế ông Phan Ngọc Diệp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của Sudico thế nào và nhân sự mới có giúp Công ty phát triển tốt hơn không. Đây chính là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến quyền lợi của các cổ đông nhà nước tại Sudico”, ông Quang cho biết.
Giải thích về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với Công ty Sudico, một lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cho biết: “Luật quy định, nội dung họp HĐQT phải được thông báo trước với các thành viên, song không quy định nội dung phát sinh tại cuộc họp được xử lý thế nào. Chính sự không rõ ràng này gây ra tranh cãi. Luật Doanh nghiệp cũng quy định 3/4 số thành viên HĐQT tham dự thì cuộc họp mới được tiến hành hợp lệ, nhưng cũng không quy định hành động bỏ cuộc họp giữa chừng của các thành viên HĐQT như thế nào là hợp lệ và như thế nào là không hợp lệ. Khi đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty, Luật yêu cầu công ty cổ phần phải nộp biên bản họp HĐQT có biểu quyết về vấn đề này. Trong biên bản Sudico gửi đến Phòng Đăng ký kinh doanh có đủ 5 thành viên HĐQT ký tên tham gia, đến phần biểu quyết bãi nhiệm Tổng giám đốc thì 2 thành viên bỏ về. Luật không quy định rõ ràng, nên dẫn đến các cách hiểu khác nhau”.
Theo
TS. Nguyễn Đình Cung, HĐQT Công ty Sudico có quyền bãi nhiệm Tổng giám
đốc và đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty trong
giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên,
việc bãi nhiệm này phải thực hiện đúng luật, tức là cuộc họp HĐQT phải
có từ 3/4 tổng số thành viên trở lên dự họp (theo Điều 112, Luật Doanh
nghiệp).







