Trong bối cảnh thắt chặt tín dụng và giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, lĩnh vực bất động sản vẫn hút nguồn tiền lớn từ các đối tác nước ngoài.

Ảnh minh hoạ.

Từ đầu năm đến nay, ngành bất động sản đang đối mặt với nhiều thách thức làm ảnh hưởng đến triển vọng ngành, như: lãi suất tăng ảnh hưởng đến quyết định mua nhà; giá vật liệu tăng có thể làm tăng giá nhà ở; thắt chặt các khoản vay ngân hàng vào lĩnh vực bất động sản và giám sát chặt chẽ hơn trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Vào tháng 4/2022, để hạn chế đầu cơ bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng giám sát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và hạn chế tín dụng đối với đầu tư bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và đầu cơ bất động sản.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu cần giám sát thị trường TPDN do rủi ro vi phạm phát hành và đấu giá quyền sử dụng đất.

Để giảm thiểu rủi ro và tăng cường tính minh bạch của thị trường, Bộ Tài chính đang khẩn trương rà soát khung pháp lý với các điều kiện chặt chẽ hơn đối với các tổ chức phát hành, đặc biệt là phát hành riêng lẻ. NHNN sẽ giám sát, kiểm tra các tổ chức tín dụng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán, đầu tư, phân phối trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu của doanh nghiệp BĐS, doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, kết quả kinh doanh âm và không có tài sản đảm bảo.

Do đó, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản sẽ bị kiểm soát chặt chẽ trong vài quý tới.

Trong bối cảnh thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành TPDN, các chủ đầu tư Việt Nam có thể sẽ gặp thách thức trong việc huy động vốn trong vài quý tới.

Tuy nhiên, dù nguồn vốn trong nước bị thắt chặt, ngành bất động sản vẫn cho thấy sức hấp dẫn khi hút được nguồn tiền lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm.

Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2022, đã có 10,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam. Trong đó, vốn đầu tư tăng thêm là 5,29 tỷ USD, tăng 92,5% so với cùng kỳ. Vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh, lần lượt là 92,5% và 74,5% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên 2,8 tỷ USD, chiếm 26,1% tổng vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam.

Vốn FDI 4 tháng đầu năm 2021 và 2022. Biểu đồ: VnDirect

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán VnDirect, năm 2022 sẽ nổi lên xu hướng các chủ đầu tư Việt Nam hợp tác phát triển dự án bất động sản với các đối tác có nguồn tiền dồi dào, hoặc các nhà phát triển nước ngoài trong bối cảnh nguồn vốn thắt chặt như hiện nay.

Điển hình như, Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long nổi bật với các mối quan hệ hiện hữu với các đối tác nước ngoài hàng đầu như Keppel Land, Hankyu Hanshin và NNR. Nam Long có thể tận dụng lợi thế nhờ mối quan hệ đối tác chiến lược với các doanh nghiệp nước ngoài để huy động vốn; giúp tăng cường khả năng tăng trưởng và giảm thiểu rủi ro dự án.

Thông tin từ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú-Invest, cho biết trong 5 năm tới, công ty tập trung phát triển quỹ đất các khu đô thị ven biển, trung tâm các thành phố lớn thông qua kết hợp M&A, đấu giá đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Để thực hiện mục tiêu này, Văn Phú-Invest cho biết sẽ tích cực tìm kiếm những nhà đầu tư chiến lược để đồng hành cùng doanh nghiệp. Trước đó, VPI ký thỏa thuận hợp tác với các đối tác lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản như Lotte, Huyndai, Sumitomo… trong việc triển khai các dự án trong năm 2021.

Việc tìm kiếm nguồn vốn quốc tế cũng được một số công ty bất động sản uy tín khác đã và đang thực hiện để huy động các nguồn vốn đầu tư giá rẻ như Vingroups, Vinhomes, Novaland... Năm 2021, Novaland đã phát hành thành công 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Singapore.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.