Mỏi mắt tìm nhà giá rẻ
Cuối tháng 11/2017, phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn theo chân anh Trần Văn Sơn, nhân viên Công ty Cấp thoát nước tại quận Thủ Đức đi tìm mua nhà ở giá rẻ tại TP.HCM. Anh Sơn và vợ lấy nhau đã 14 năm, đã có 2 con, hiện vẫn thuê nhà để ở. Mỗi tháng, lương vợ chồng anh cộng lại được khoảng 22 triệu đồng, trừ các loại chi phí, họ chỉ tiết kiệm được khoảng 7 triệu đồng/tháng.
“Hiện chúng tôi tích cóp được gần 1 tỷ đồng để mua nhà ở, nhưng tìm hiểu thị trường thì thấy, mức giá thấp nhất cũng khoảng 1,2 - 1,5 tỷ đồng cho căn chung cư khoảng 60 m2, đất thì cũng hơn 1 tỷ đồng, chưa kể tiền xây nhà. Trong khi đó, lương của vợ chồng tôi không đủ điều kiện để ngân hàng hỗ trợ cho vay”, anh Sơn nói.
Tại TP.HCM hiện rất khó đầu tư nhà ở giá rẻ bởi quỹ đất không nhiều, trong khi tiền thuế sử dụng đất, tiền vật liệu xây dựng... lại cao.
Theo báo cáo khảo sát thực trạng nhà ở đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn của Sở Xây dựng TP.HCM, năm 2017, có khoảng 476.158 (chiếm tỷ lệ 23,46%) hộ chưa có nhà ở hoặc phải ở chung với cha mẹ, người thân. Trong đó, khoảng 20.000 hộ là cán bộ công chức, khoảng 13.000 hộ bị di dời trong các dự án chỉnh trang đô thị, khoảng 300.000 hộ là người nhập cư có nhu cầu thuê nhà ở xã hội và 143.000 hộ gia đình thu nhập thấp.
Theo kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của Sở Xây dựng, từ năm 2017 đến 2020, Thành phố sẽ phát triển 39 dự án với quy mô 45.000 căn hộ. Riêng năm 2017, Thành phố hoàn thành 4 dự án chung cư nhà ở giá rẻ với tổng cộng 1.654 căn hộ, gồm chung cư Hạnh Phúc; chung cư phường 15, quận Tân Bình; cụm chung cư 35 Hồ Học Lãm, quận Bình Tân; khu nhà ở gia đình cán bộ lực lượng vũ trang Quân khu 7 tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12.
Tuy nhiên, tới thời điểm này, đã sang năm 2018, nhưng số liệu cho thấy, nhà ở giá rẻ vẫn vắng bóng trên thị trường bất động sản TP.HCM. Trong khi đó, nhu cầu mua nhà giá rẻ tại Thành phố ngày một cao, bởi dân số của Thành phố đã chạm mốc 13 triệu dân, thu nhập bình quân trên đầu người khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Doanh nghiệp bí đường làm nhà giá rẻ
Đến thời điểm này, danh sách doanh nghiệp phát triển nhà giá rẻ vẫn chỉ gồm những cái tên như Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, Công ty Hoàng Quân. Tuy nhiên, hiện chỉ còn Nam Long có dự án nhà ở giá rẻ bán ra thị trường, 2 đơn vị còn lại không có dự án mới để bán trong năm 2017.
Một lãnh đạo Công ty Nam Long cho biết, do chưa có nguồn vay ưu đãi, người mua nhà ở xã hội Dự án E-home's đang phải trả lãi vay mua nhà với lãi suất thỏa thuận. Theo đó, dù Nam Long đã hỗ trợ 2% lãi vay, nhưng người mua nhà vẫn phải trả lãi vay 7%/năm trong 2 năm đầu tiên, lãi suất các năm tiếp theo được thả nổi. Đây là điểm bất cập cần được giải quyết dứt điểm để doanh nghiệp và người dân có thể phát triển được dự án nhà ở giá rẻ.
Để thu hút doanh nghiệp phát triển nhà ở giá rẻ, theo ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM, Sở Xây dựng đã đề xuất UBND Thành phố tạo quỹ nhà ở xã hội bán với giá rẻ, cho thuê, thuê mua khoảng 30.000 căn. Đồng thời, tạo quỹ đất sạch ở các quận, huyện vùng ven (nhà đất quận 9, Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi) để huy động các nguồn lực của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà giá rẻ phục vụ các đối tượng nhập cư trong năm 2018.
Ông Hà Văn Thiện, Giám đốc Công ty Bất động sản Trần Anh Group, một đơn vị chuyên phát triển dự án nhà ở giá rẻ tại Long An cho biết, tại TP.HCM hiện rất khó đầu tư nhà ở giá rẻ bởi quỹ đất không nhiều, trong khi tiền thuế sử dụng đất, tiền vật liệu xây dựng... lại cao. Nếu tính tổng lại, cộng thêm khoản lợi nhuận phải có, thì doanh nghiệp khó có thể bán được nhà với giá rẻ.
“Đối với tỉnh Long An lại khác, giá đất đền bù cũng như giá tiền sử dụng đất thấp, nên giá nhà vẫn thấp”, ông Thiện nói và cho rằng, chính quyền TP.HCM nên có cơ chế đặc thù, từ phân bổ quỹ đất, phân bổ giá trị đền bù, thuế đất cho chủ đầu tư. Chỉ có như vậy, giá trị đầu tư dự án mới giảm xuống, Thành phố mới có những dự án nhà ở giá rẻ cho người dân.