Qua quá trình thực hiện Quyết định 1528/QĐ-TTg của Chính phủ cho thấy, hầu hết các cơ chế đến nay không còn tính chất đặc thù do bị chi phối bởi các quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành. Mặt khác, các cơ chế đưa ra là chưa đủ mạnh, hiệu quả thực hiện còn rất thấp, ít phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng vừa phát đi Báo cáo số 188/BC-KHĐT về tình hình thực hiện Quyết định số 1528/QĐ-TTg ngày 03/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1528/QĐTTg, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chủ động đề xuất, phối hợp với Văn phòng chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu nhà kính, ưu đãi miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm; xây dựng bộ tiêu chí và triển khai đề án thí điểm Làng đô thị xanh tại thành phố Đà Lạt.

Đồng thời UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định số 1127/QĐ-UBND ngày 30/5/2016 công bố danh mục dự án thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận tỉnh Lâm Đồng theo quyết định số 1528/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Quyết định số 1127/QĐ-UBND ngày 30/5/2016 của UBND tỉnh, có 21 dự án thuộc danh mục thực hiện theo cơ chế đặc thù theo quy định tại khoản 1, điều 1, Quyết định 1528/QĐ-TTg. Trong đó có 14 dự án đang triển khai thực hiện được phép chuyển nhượng, 07 dự án kêu gọi đầu tư mới.

Tuy nhiên qua kết quả thực hiện cơ chế đặc thù đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản cho thấy, cơ chế này chưa đủ sức thu hút để tạo ra sự đột phá đối với thị trường bất động sản tại thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều dự án đang triển khai bị chậm tiến độ do vướng mắc trong thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư (bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch…), dẫn đến không thể hoàn thành hạ tầng để chuyển nhượng cho đối tượng khác theo cơ chế đặc thù.

Đối với danh mục các dự án bất động sản mới, kêu gọi đầu tư, tình hình thu hút đầu tư cũng rất hạn chế, nguyên nhân là do việc xây dựng và công bố danh mục các dự án cũng chỉ ở bước công bố sơ bộ về thông tin dự án, chưa có quy hoạch chi tiết được phê duyệt dân đến chưa đủ cơ sở để lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư trước khi tiến hành tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Đến nay, trong danh mục dự án bất động sản mới, kêu gọi đầu tư chỉ thu hút được 01/07 dự án nhưng cũng không thể triển khai đầu tư hạ tầng do vướng mắc trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án.

Đối với vấn đề miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước tại Khu du lịch, hiện nay trong Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm có 35 nhà đầu tư đã và đang triển khai thực hiện 37 dự án.

Tuy nhiên, từ sau thời điểm 15/02/2017 đến nay, chưa có dự án nào trong Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm được hưởng ưu đãi theo cơ chế đặc thù này.

Về huy động và sử dụng vốn đầu tư các công trình trọng điểm, UBND tỉnh đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị bố trí vốn để thực hiện một số công trình trọng điểm phát triển thành phố Đà Lạt với tổng số vốn đề nghị bố trí là 19.650 tỷ đồng cho 21 dự án.

Trong đó, nguồn vốn Hỗ trợ có mục tiêu (nay là Chương trình mục tiêu) là 3.810 tỷ đồng, bố trí cho 09 dự án; nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ là 3.503 tỷ đồng, bố trí cho 04 dự án; nguồn vốn ODA là 12.337 tỷ đồng, bố trí cho 08 dự án.

Đến nay mới chỉ có 2 dự án được Trung ương ưu tiên bố trí vốn để triển khai thực hiện và 2 dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư,…

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, đến nay, tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa có dự án “Được Trung ương đầu tư hoặc đưa vào danh mục ưu tiên kêu gọi đầu tư của Trung ương”.

Trong khi đó cơ chế cho phép “UBND tỉnh được trực tiếp kêu gọi đầu tư đối với các công trình, dự án quan trọng thuộc lĩnh vực môi trường, các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, Khu du lịch quốc gia và Khu du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh, Khu Công nghệ sinh học và Nông nghiệp công nghệ cao Đà Lạt, Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Lạt” chưa thực hiện được do còn có cách hiểu khác nhau về cơ chế này.

Để tăng tính chủ động cho tỉnh Lâm Đồng trong kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư đi kèm với việc quyết định đầu tư thì cần thiết bổ sung cơ chế đặc thù về phân cấp, ủy quyền cho tỉnh quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Vẻ đẹp hồ Tuyền Lâm

Bất động sản Đà Lạt cần trợ lực nào để bước vào giai đoạn phát triển mới?

Nhận diện rõ các khó khăn, vướng mắc lên quan đến cơ chế, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cho rằng, qua quá trình thực hiện Quyết định 1528/QĐ-TTg của Chính phủ cho thấy, hầu hết các cơ chế đến nay không còn tính chất đặc thù do bị chi phối bởi các quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành. Mặt khác, các cơ chế đưa ra là chưa đủ mạnh, hiệu quả thực hiện còn rất thấp, ít phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó còn có khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương.

Đơn cử theo quyết định 1528/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lâm Đồng được “ưu tiên bố trí vốn từ nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện các công trình dự án trọng điểm phát triển thành phố Đà Lạt; đề xuất cơ chế đầu tư để sớm triển khai một số dự án hạ tầng quan trọng có tính chất đối ngoại, liên kết với các vùng khác”.

Để được hưởng chính sách đặc thù, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều văn bản đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành Trung ương quan tâm, ưu tiên bố trí vốn để triển khai thực hiện công trình trọng điểm của của Đà Lạt và của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, đến nay hầu hết các dự án đầu tư vẫn chưa thực hiện được do chưa được Trung ương bố trí vốn.

Từ thực tiễn nêu trên, tỉnh Lâm Đồng kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Lâm Đồng xây dựng nội dung điều chỉnh một số cơ chế, chính sách đặc thù tại Quyết định 1528/QĐ-TTg ngày 03/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cho thống nhất với các quy định của pháp luật hiện hành và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Việc xây dựng bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù như chính sách ưu đãi đặc thù đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, bất động sản, nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận.

Cùng với đó là cơ chế về phân cấp cho tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh.

Đồng thời cần có chính sách ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2025- 2030 (ngoài phần hỗ trợ cho địa phương theo tiêu chí và định mức) để đầu tư, hoàn thành các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh.

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.