Việc xây dựng một cơ chế bài bản về thống kê số liệu, quản lý thị trường bất động sản đang ngày càng trở nên bức thiết. Ảnh: Property Report
Những ngày gần đây, trên khắp các mặt báo rộ lên hàng loạt thông tin Chính phủ giải cứu bất động sản, ưu tiên người giàu, ngân hàng bơm ngàn tỉ cứu thị trường, 80% doanh nghiệp bất động sản báo lãi… Từ những thông tin này mà bất động sản lại được dịp lên cơn sốt giữa thời thất sủng. Nhiều bài báo đã đua nhau phân tích, mổ xẻ vấn đề trên.
Ngay sau đó, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã lên tiếng đính chính, xác định những thông tin trên là chưa chính xác. Ông Đỗ Đức Duy - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Xây dựng đã khẳng định, lãnh đạo Bộ Xây dựng chưa bao giờ báo cáo trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về con số 80% doanh nghiệp bất động sản báo lãi trong năm 2013.
Trong nội dung của Nghị quyết 02 lẫn Nghị quyết 01 đều là những điều chỉnh, quyết sách vĩ mô cho nền kinh tế hiện nay nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ thị trường; giải quyết nợ xấu trong đó có thị trường bất động sản.
Mặt khác, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng từng nhận định, số liệu tồn kho bất động sản hiện nay cũng chỉ là những con số tương đối, chưa phản ánh đúng thực tế của thị trường. Vì đặc thù của riêng ngành nên xác định thế nào là hàng tồn kho còn chưa thống nhất được tiêu chí cụ thể, vì thế số vốn tồn đọng trong bất động sản có thể còn lớn hơn nhiều so với số liệu trong báo cáo.
Và đây cũng chính là căn bệnh thứ 2 có sức mạnh gây nhiễu không kém căn bệnh trên. Loạn số liệu thống kê về ngành bất động sản đang là yếu tố cản trở rất nhiều cho công cuộc giải quyết khủng hoảng nhà đất hiện nay.
Tại Việt Nam đều có sự tham gia hoạt động của hàng loạt công ty môi giới, nghiên cứu hàng đầu về ngành bất động sản như: CBRE, Knight Frank, Savills, Jones Lang LaSalle…Tuy nhiên, các báo cáo đánh giá và số liệu của các chuyên gia này thường rơi vào cảnh “mỗi nơi một phách” mà chưa có sự trùng khớp và đồng nhất cao. Đây là những công ty tư nhân có sự am hiểu sâu sát về thị trường cũng như nguồn dữ liệu đáng tin cậy nhưng với sự mâu thuẫn và chồng chéo trong cách xác định khái niệm tồn kho nên cứ mạnh ai nấy làm. Ngay cả một cơ quan đầu ngành như Bộ Xây dựng cũng chưa thể có được cơ sở dữ liệu chuẩn xác về thị trường.
Do đó, việc xây dựng một cơ chế bài bản về thống kê số liệu, quản lý thị trường bất động sản đang ngày càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Khi thị trường xuôi chèo mát mái người ta sẽ dễ dàng chấp nhận những con số tăng trưởng, lợi nhuận dù chưa biết nó chính xác đến đâu. Và đến lúc khủng hoảng ập đến, thị trường tuột dốc thì sự chuẩn xác của các con số sẽ là yếu tố quyết định để đánh giá toàn cảnh thiệt hại, từ đó Nhà nước và doanh nghiệp có thể bắt đúng bệnh mà chạy chữa.
Có một thực tế là thị trường bất động sản Việt Nam còn rất non trẻ. Chính sự va vấp này sẽ là bài học cần thiết để cả doanh nghiệp và Chính phủ có một cái nhìn đúng đắn và nghiêm túc hơn về ngành. Để những kiểu thông tin chưa thống nhất, những số liệu biết nhảy múa sẽ không còn làm khổ thị trường và đau đầu các nhà làm chính sách.