25/11/2019 9:03 PM
Thị trường bất động sản Australia một lần nữa lại cất cánh, nhưng các doanh nghiệp nói riêng, cũng như nền kinh tế nói chung không được tận hưởng nhiều quả ngọt.

Boral Ltd, doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng lớn nhất Australia, vừa công bố báo cáo kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh quý III/2019. Theo đó, doanh số bán hàng sản phẩm bê tông, gạch, xi măng và tấm vữa giảm 8% trong quý so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân là thị trường nhà ở chững lại.

Tuy nhiên, thực tế, quý III là khoảng thời gian giá nhà tại Sydney và Melbourne, 2 thành phố lớn bậc nhất Australia chứng kiến sự hồi phục nhanh chóng. Cụ thể, giá nhà tại 2 thành phố này tăng trưởng lần lượt 5,3% và 6% so với mức đáy vào tháng 5/2019.

Theo dự báo của các tổ chức kinh tế lớn, giá bất động sản tại Australia sẽ giữ xu hướng tăng cho tới cuối năm nay, đặc biệt là tại Sydney và Melbourne. Động lực thúc đẩy chính tới từ môi trường lãi suất thấp, các dịch vụ cho thuê phát triển và tâm lý tiêu dùng gia tăng.

Boral Ltd là trường hợp điển hình thể hiện vấn đề hóc búa đối với nền kinh tế Australia hiện tại, khi giá nhà đất leo thang, nhưng các doanh nghiệp đáng lẽ được hưởng lợi lại chứng kiến hoạt động kinh doanh đi xuống. Đây cũng là câu chuyện khiến người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Australia (RBA), ông Philip Lowe phải đau đầu.

Trong thông điệp chính sách mới được công bố, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia nhận định, chu kỳ tăng trưởng của thị trường nhà ở là một trong những vấn đề tạo ra rủi ro bất ổn đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là lý do cơ quan này quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 0,75%/năm hiện nay, sau khi đã giảm lãi suất 3 lần kể từ tháng 6/2019.

Đáng chú ý, ông Philip Lowe cho rằng, các hoạt động tại thị trường xây dựng sẽ tiếp tục suy giảm, dù có nhiều thông tin tích cực hỗ trợ. Cùng chung quan điểm, nhân vật quan trọng thứ hai tại RBA là Phó thống đốc Guy Debelle dự báo, hoạt động đầu tư vào thị trường nhà ở sẽ giảm thêm 7% trong năm 2020, tạo ra một số rủi ro đối với thị trường. Ngân hàng này đồng thời hạ mức dự báo tăng trưởng GDP thêm 1%, sau khi ước lượng đóng góp của hoạt động đầu tư tại thị trường bất động sản vào khoảng 6% GDP quốc gia.

“Tác động của thị trường xây dựng nhà ở đối với nền kinh tế là rất lớn và một khi thị trường theo hướng xuống dốc, những ảnh hưởng tiêu cực còn lớn hơn. Đây là câu chuyện liên quan tới cả hoạt động thiết kế, việc làm lĩnh vực xây dựng, kỹ sư, hoạt động sản xuất các loại vật liệu như gạch, sắt, thép…”, ông Guy Debelle nhận định.

Chưa hết, những diễn biến kể trên của thị trường bất động sản, xây dựng còn tạo nên vấn đề đáng lo ngại: Người mua nhà cần vay số tiền lớn hơn để có thể sở hữu nhà ở, khiến an toàn tài chính trong tương lai bị đe dọa, trong khi đó, thị trường xây dựng lại không theo hướng đi lên, tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế.

Bruce Carr, nhà môi giới bất động sản tại Sydney chia sẻ: “Chúng tôi chứng kiến giá nhà tăng gần gấp đôi trong vài năm qua. Cùng với đó, mọi người đều cần nhiều sự trợ giúp hơn từ ngân hàng, người thân, gia đình để trả được các khoản nợ của mình”.

Lam Phong (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.