16/09/2010 9:11 AM
Tính đến cuối tháng 7, tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản đạt 210.770 tỷ đồng (khoảng 10,8 tỷ USD), tăng 14,38% so với thời điểm 31/12/2009. Đây là con số được đưa ra trong báo cáo về tình hình ngành xây dựng năm 2010 của Bộ Xây dựng gửi Văn phòng Chính phủ.

Thị trường bất động sản đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng

Theo báo cáo, thị trường bất động sản tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến 20/8/2009 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 2.358 triệu USD, chiếm 21,8% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới của cả nước tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2009.

Tính đến 31/7/2010, tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản đạt 210.770 tỷ đồng, tăng 14,38% so với thời điểm 31/12/2009, tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 2%. Đến quý III/2010, cùng với việc thắt chặt tín dụng cho thị trường bất động sản, thị trường bắt đầu có dấu hiệu đình trệ về giao dịch. Dư nợ cho vay xây dựng khu đô thị mới tại thời điểm 31/7/2010 tăng trưởng âm 2,35% so với tăng trưởng 10,2% của cả năm 2009.

Dư nợ cho vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để ở chỉ tăng 5,47% so với 27,2% của cả năm 2009. Mặt khác, lãi suất cho vay ở mức cao, đa số các ngân hàng đang áp dụng lãi suất xấp xỉ 13%/năm hoặc cao hơn. Điều này cho thấy nếu các yếu tố kinh tế vĩ mô không ổn định, lạm phát luôn đứng trước nguy cơ vượt ngưỡng cho phép thì khó có thể tạo dựng được một thị trường bất động sản phát triển bền vững.

Bộ xây dựng đánh giá, tuy thị trường đã phục hồi nhưng vẫn phát triển thiếu ổn định, không bền vững. Giá cả hàng hóa bất động sản nhất là nhà ở vẫn tăng cao, diễn biến phức tạp khó kiểm soát. Hà Nội tại thời điểm quý II/2010 giá đất nền tăng trung bình 30% so với tháng 12/2009, đặc biệt tại khu vực phía Tây thành phố (huyện Hoài Đức, quận Hà Đông). Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất đống sản thiếu tin cậy và chưa thống nhất.

Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ cần sớm xây dựng hệ thống tài chính phát triển thị trường địa ốc, đặc biệt là hệ thống tài chính cho phát triển nhà ở hoàn chỉnh. Cùng với đó, về lâu dài, cần thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà. Đồng thời, phải nghiên cứu thí điểm thành lập Cơ quan tái tài trợ thế chấp và mô hình Quỹ đầu tư tín thác bất đống sản để tạo thêm nguồn cung cấp vốn ngoài các tổ chức tín dụng cho thị trường.

Thị trường bất động sản đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Do vây, các doanh nghiệp kinh doanh bất đống sản cho rằng, chính sách tài chính, tiền tệ cần rất linh hoạt để vừa đảm bảo không tạo ra “bong bóng” trên thị trường, nhưng cũng không thắt chặt đột ngột gây “đổ vỡ” thị trường trên diện rộng.
Cafeland.vn - C.Huệ (DDDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland