Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thị trường bất động sản bị đổ dốc trong thời gian qua là do người dân mất niềm tin. Để lấy lại niềm tin này là điều không hề dễ dàng.

Thị trường bất động sản đã sụt giảm trong 3 năm liên tiếp và là đợt sụt giảm mạnh nhất trong vòng hơn chục năm qua. Riêng năm 2012, thị trường dường như đã chạm đáy, giá cả giảm mạnh, đặc biệt là ở khu vực phía Nam, nhưng giao dịch thì vẫn không có nhiều. Theo ông Nam, điều này đã thể hiện một thực tế rằng lòng tin của xã hội, của người dân vào thị trường đã giảm mạnh.

Trước thực tế đó, trong thời gian qua, cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý, ngành ngân hàng dường như đang rốt ráo để lấy lại niềm tin từ khách hàng thông qua hàng loạt động thái nhằm gỡ khó cho thị trường. Một số doanh nghiệp phía Nam đã điều chỉnh cơ cấu hàng hóa, cơ quan quản lý cũng đã có những động thái tích cực, ngân hàng nới điều kiện cho vay hơn...

Theo thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, để lấy lại niềm tin trên thị trường, muốn hay không muốn, bản thân các doanh nghiệp phải làm ăn nghiêm túc và chuyên nghiệp. Các dự án bất động sản từ chuyện cơ cấu sản phẩm, vị trí, quy mô, giá cả phải phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của người dân. Hay nói cách khác, đó chính là chủ đầu tư phải tự cứu mình. Nếu được như thế, đương nhiên các ngân hàng sẽ tài trợ vốn, dự án sẽ nhanh chóng hoàn thành và thanh khoản sẽ được đẩy lên ngay.

Còn đối với cơ quan quản lý, lãnh đạo Bộ Xây dựng thừa nhận, đến thời điểm này về mặt chính sách, chúng ta cũng chưa đưa ra một giải pháp, chính sách nào cụ thể. Hiện phần lớn các dự án đều trông chờ vào vốn của ngân hàng là chính. Cũng có nhiều đề xuất về các quỹ mới ngoài ngân hàng, đặc biệt là Quỹ đầu tư bất động sản, nhưng quỹ này chỉ cho phép vay để mua bán, kinh doanh đối với bất động sản đã hình thành, không cho phép vay để đầu tư, tạo lập bất động sản, tức là chỉ tạo điều kiện cho đầu ra của bất động sản.

Còn theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng, việc lấy lại niềm tin từ thị trường cũng không dễ dàng, bởi đành rằng doanh nghiệp phải tự cứu mình trước, nhưng nhà nước cũng phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự cứu lấy mình. Nếu các chính sách, cơ chế vẫn siết chặt thì doanh nghiệp cũng khó mà thoát khỏi khó khăn ngay được.

“Thị trường tiền tệ phải tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi. Ở các nước phát triển, việc cho vay thế chấp tương đương 50% GDP. Hiện Trung Quốc cũng 11%, còn các nước khác phổ biến là 20%, trong khi chúng tăng trưởng tín dụng rất thấp thì cũng khó mà nói chuyện thành công được”, TS. Liêm nói.

Theo Anh Đào (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.