Ngày 14-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành văn bản số 8844/NHNN-CSTT về hoạt động tín dụng trong các tháng cuối năm 2011.

Một trong những nội dung quan trọng của văn bản này chính là việc xem xét nguồn vốn cho vay trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) một cách cụ thể hơn; đồng thời đưa một số hạng mục BĐS dần “rút chân” ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất (vốn đã và sẽ bị siết chặt hơn về nguồn vốn vay tại các ngân hàng). Như vậy, vốn ngân hàng có thể sẽ “rộng rãi” hơn cho BĐS trong dịp cuối năm cũng như những tháng đầu của năm 2012. Tuy nhiên, thực tế, đối với nhà đầu tư trên địa bàn, vay vốn BĐS vẫn rất khó khăn. Nhà đầu tư lo ngại, với tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay, đến hết nửa đầu năm 2012, chưa chắc đã vay được vốn ngân hàng cho BĐS.


Bất động sản năm 2012: Nhà đầu tư vẫn khó trông chờ vào nguồn vốn ngân hàng
Một số dự án đầu tư tại phường Hùng Thắng, TP Hạ Long triển khai rất chậm, dù đã có quỹ đất.

Theo văn bản số 8844 của NHNN Việt Nam, để thực hiện các giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động tín dụng trong các tháng cuối năm 2011, trên cơ sở điều kiện thị trường tiền tệ và kinh tế vĩ mô, NHNN Việt Nam yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường đáp ứng vốn cho nền kinh tế với mức lãi suất hợp lý. Trong đó, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát hoạt động cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất mà chủ yếu là BĐS; xem xét dư nợ cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất để xác định tỷ trọng so với tổng dư nợ cho vay của tổ chức tín dụng. Một số hạng mục BĐS sẽ được loại trừ trong nhóm phi sản xuất bao gồm: Dư nợ cho vay đối với một số nhu cầu vốn phục vụ tiêu dùng như nhu cầu vốn để sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay. Dư nợ cho vay đối với một số nhu cầu vốn để đầu tư, kinh doanh BĐS, như: Xây dựng nhà để bán, cho người thu nhập thấp thuê nhà, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp nhưng không thu tiền thuê nhà hoặc thu tiền thuê với giá thuê không vượt quá mức giá cho thuê nhà ở do UBND cấp tỉnh ban hành… Vốn vay ngân hàng cũng có thể xem xét đối với các dự án phát triển nhà ở được bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 1-1-2012 theo nội dung hợp đồng trong hoạt động xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng thuê tài sản.


Đón nhận thông tin mới này, thị trường BĐS nói chung có thể được coi là có thêm có cơ hội để phá vỡ sự ảm đạm trong cuối năm 2011 và năm 2012. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn cho rằng vẫn sẽ rất khó để tiếp cận nguồn vốn vay này. Anh Nguyễn Minh Hà (tổ 5, khu 1, phường Trần Hưng Đạo) cho biết: Tôi đã nghe khá nhiều thông tin về việc ngân hàng sẽ nới lỏng hơn đối với vay BĐS, nhưng thực sự từ quý III trở đi, gần như nhà đầu tư không thể nào vay vốn BĐS ở ngân hàng. Trong trường hợp cần kíp, ngoài huy động tiền của người thân, chúng tôi phải chấp nhận khả năng “vay nóng” trên thị trường tự do để giữ đất chờ thị trường BĐS có thể phục hồi vào năm 2012. Tuy nhiên, hy vọng này thật quá mong manh vì đến thời điểm này, hầu như thị trường BĐS trên địa bàn vẫn “đóng băng”, giao dịch rất thưa thớt. Ngay cả khi nhiều hạng mục BĐS thoát khỏi lĩnh vực phi sản xuất đang bị siết chặt thì đối với những nhà đầu tư nhỏ như chúng tôi gần như cũng không mấy khả quan. Vì hầu hết chúng tôi không đầu tư cho hạng mục này. Đối với doanh nghiệp kinh doanh BĐS cũng có những khó khăn riêng. Trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều dự án trên địa bàn tỉnh đang bị kéo dài vì các văn bản pháp quy không phân định rõ trách nhiệm của các bên trong một sự việc. Chính sách phát triển thị trường còn thiếu nhiều văn bản quan trọng. Nhiều vấn đề cơ bản liên quan đến thị trường BĐS vẫn chưa được ban hành. Chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng còn bất cập… Do vậy, mặc dù theo quy định của Nhà nước, các chủ đầu tư không được huy động vốn của bên mua khi chưa hoàn thành móng, nhưng hầu hết chủ đầu tư khi giao dịch vẫn “lách” luật để huy động vốn.


Qua khảo sát cho thấy, đến thời điểm này, mặc dù việc giao dịch khá trầm lắng nhưng giá BĐS nói chung trên địa bàn vẫn không giảm nhiều. Giá đất tại các khu đô thị mới, các khu lấn biển ở TP Hạ Long ở mức 20-60 triệu đồng/m2; còn tại các địa phương khác từ 10-40 triệu đồng/m2. Đối với các diện BĐS khác như: Đất liền nhà, đất khu dân cư cũ… cũng có mức giá từ 4-13 triệu đồng/m2. Nếu nhà đầu tư biết chào hàng khéo léo, tiếp cận được đối với khách hàng thật sự thì vẫn có thể có lãi vì thực tế nhu cầu về nhà ở hiện nay vẫn rất lớn.

Theo Vân Du (Báo Quảng Ninh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.