Bài học từ Quảng Nam
Những năm gần đây, Quảng Nam nổi lên với nhiều thông tin không mấy tích cực liên quan đến việc “bán lúa non” sản phẩm bất động sản tại nhiều dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trực tiếp kiểm tra, tháo gỡ khó khăn vướng mắc các dự án bất động sản
Đơn cử như vụ việc hàng nghìn người dân góp vốn mua đất nền các dự án do Công ty Cổ phần Bách Đạt An làm chủ đầu tư. Vụ việc này kéo dài đã nhiều năm, đến nay người dân vẫn chưa được giao đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đó chỉ là một ví dụ điển hình trong số nhiều vụ việc liên quan đến việc chủ đầu tư “làm liều” huy động vốn từ khách hàng khi chưa đủ điều kiện giao dịch, thông qua các hình thức đặt chỗ, góp vốn mua sản phẩm bất động sản.
Điểm qua tên tuổi chủ đầu tư những dự bất động sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thấy đa phần là các doanh nghiệp mới được “khai sinh” và ít có tên tuổi trên thị trường bất động sản. Những doanh nghiệp này hiện là chủ đầu tư của nhiều dự án bất động sản có quy mô nhỏ, dưới 15ha và sản phẩm chủ yếu là đất nền phân lô.
Thực ra, đây là câu chuyện do lịch sử để lại. Đã từng có một giai đoạn Quảng Nam cấp phép ồ ạt các dự án bất động sản phân lô bán nền quy mô diện tích nhỏ, phù hợp đầu tư với các doanh nghiệp có nguồn tài chính ở mức vừa phải.
Mặc dù có quy mô nhỏ, nhưng nhiều dự án bị chậm tiến độ, một phần vì gặp phải khó khăn về tài chính, một phần bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoặc vướng mắc trong điều chỉnh quy hoạch và giải phóng mặt bằng.
Thậm chí có trường hợp doanh nghiệp đã phải tự nguyện chấm dứt hoạt động dự án như Khu đô thị Vạn Phúc City tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Lý do được UBND tỉnh Quảng Nam nêu ra là vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên tình hình tài chính của chủ đầu tư giảm sút, không đủ để tiến hành thực hiện dự án theo cam kết với cơ quan Nhà nước.
Thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho các dự án đẩy nhanh tiến độ và sớm đi vào hoạt động, trong năm 2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến việc gia hạn tiến độ thực hiện hàng loạt dự án bất động sản.
Bên cạnh đó, tỉnh này cũng đã tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản bằng cách cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo từng giai đoạn, từng block mà không phải đợi đến khi hoàn thành toàn bộ hạ tầng kỹ thuật của dự án mới triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Riêng đối với những dự án mà nhà đầu tư có năng lực yếu, gặp khó khăn về tài chính, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp có thể chuyển nhượng lại cho các nhà đầu tư lớn có năng lực tốt hơn để tiếp tục triển khai thực hiện.
Mềm mỏng là vậy, nhưng Quảng Nam cũng rất cứng rắng trong việc thu hồi những dự án chậm tiến độ mà không có lý do chính đáng.
Một trong những dự án quy mô lớn bị UBND tỉnh Quảng Nam thu hồi trong năm 2021 là Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương tại xã Bình Dương, huyện Thăng Bình. Dự án này có quy mô 183,87 ha do Công ty Cổ phần Đạt Phương làm chủ đầu tư.
Hay dự án khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh - PPC tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình quy mô 4.300 tỉ đồng do Công ty cổ phần Quốc tế Nam Hội An làm chủ đầu tư.
Tại buổi làm việc với Tập đoàn Sun Group về việc đầu tư các dự án tại địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết trong thời gian tới, tỉnh sẽ hạn chế việc phát triển các dự án khu dân cư, khu đô thị có quy mô nhỏ. Tỉnh sẽ kêu gọi các dự án có quy mô lớn, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, tạo điểm nhấn cho đô thị và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Bắt tay nhau cùng làm
Biết tiềm lực tài chính của mình có hạn mà vẫn muốn làm những dự án quy mô lớn, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã bắt tay nhau để cùng thực hiện những dự án lớn.
Trong năm 2021, Bình Định nổi lên là một trong số tỉnh thành thu hút dòng vốn đầu tư trong nước ấn tượng nhất tại khu vực miền Trung. Tỉnh này đã chấp thuận chủ trương đầu tư hàng loạt dự án bất động sản có quy mô lớn. Điểm chung của nhiều dự án này là sự xuất hiện của liên danh nhiều doanh nghiệp cùng làm chủ đầu tư.
Đơn cử như liên danh Công ty CP Bất động sản HANO –VID, Công ty CP Bất động sản Mỹ, Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang cùng làm chủ đầu tư Khu đô thị Trà Quang Nam quy mô 1.457 tỉ đồng.
Theo đó, vốn góp để thực hiện dự án là 220 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 15% tổng vốn đầu tư. Vốn vay từ ngân hàng 1.237 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 85% tổng vốn đầu tư và nguồn vốn huy động khác khi đủ điều kiện huy động vốn theo quy định.
Liên danh ba doanh nghiệp này sẽ góp vốn với tỷ lệ: Công ty CP Bất động sản HANO –VID góp 77 tỉ đồng, Công ty CP Bất động sản Mỹ tỷ lệ góp 77 tỉ đồng, Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang góp 66 tỉ đồng.
Một trường hợp khác là liên danh Công ty cổ phần Xây dựng TC Bình Định và Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển kho bãi Nhơn Tân cùng làm chủ đầu tư dự án Khu đô thị Long Vân 3 với vốn đầu tư 2.550 tỉ đồng.
Ở dự án này, vốn góp để thực hiện dự án là 510 tỉ đồng. Trong đó, Công ty cổ phần Xây dựng TC Bình Định góp 433,5 tỉ đồng và Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Phát triển kho bãi Nhơn Tân góp 76,5 tỉ đồng.
Phần vốn còn lại đến từ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - Chi nhánh Bình Định là 2.040 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 80% tổng vốn đầu tư
Tương tự hai dự án nêu trên, liên danh Công ty CP Phú Tài và Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển kho bãi Nhơn Tân cũng đồng là chủ đầu tư Khu đô thị Long Vân 4 có số vốn đầu tư 2.220 tỉ đồng.
Theo đó, vốn góp để thực hiện dự án là 444 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 20% tổng vốn đầu tư. Trong đó, Công ty cổ phần Phú Tài góp 377,4 tỉ đồng và Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Phát triển kho bãi Nhơn Tân góp 66,6 tỉ đồng.
Phần vốn còn lại đến từ ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - Chi nhánh Bình Định 1.776 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 80% tổng vốn đầu tư.
Một dự án đình đám khác phải kể đến là dự án Khu đô thị và du lịch sinh thái Diêm Vân do liên danh Công ty CP Đầu tư Du lịch Bình Định, Công ty TNHH Khách sạn Silk Path, Công ty TNHH Xuân Cầu làm chủ đầu tư. Dự án này có tổng vốn đầu tư 4.990 tỉ đồng.
Theo đó, vốn góp để thực hiện dự án là 998 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 20% tổng vốn đầu tư; vốn đến từ ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Đống Đa là 3.992 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 80% tổng vốn đầu tư.
Câu chuyện các doanh nghiệp liên danh cùng nhau để thực hiện nhiều dự án lớn không chỉ dừng lại ở năm 2021, mà còn được dự báo sẽ diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố tại khu vực miền Trung trong năm 2022.
Bằng chứng là, ngay trong năm 2021, nhiều doanh nghiệp đã cùng bắt tay nhau tìm đến những vùng đất mới để khảo sát, nghiên cứu và tìm kiếm đầu tư. Đơn cử, liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Đầu tư SSF, Công ty Cổ phần Sunshine Home (thành viên Sunshine Group) và Quỹ đầu tư Truth Assets Management Singapore nghiên cứu đầu tư Khu đô thị thông minh tại Quảng Nam.
Cũng tại địa phương này, liên danh Quỹ đầu tư Truth Assets Management Singapore và Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương II (Phytopharma) đang nghiên cứu đầu tư khu công nghiệp - đô thị và dịch vụ công nghệ cao.
Tại Quảng Trị, liên danh nhà đầu tư gồm Công ty TNHH Đầu tư SSF, Công ty cổ phần Phát triển Sunshine Homes và Truth Assets Management (Singarore) cũng đang nghiên cứu, đề xuất đầu tư 3 dự án lớn tại vùng biển Cửa Việt.
Đặc biệt vào cuối năm 2021, dư luận xôn xao trước thông tin khi Tập đoàn Hòa Phát và Tập đoàn KDI Holdings đề xuất với UBND tỉnh Khánh Hòa về việc nghiên cứu đầu tư các dự án quy mô lớn tại địa phương.
Sau dự án nạo vét sông Cổ Cò và phát triển đô thị ven sông, Quảng Nam đang xúc tiến dự án nạo vét sông Trường Giang.
Nhiều tên tuổi lớn vẫn đi một mình
Trong khi các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính ở mức vừa phải đã bắt tay nhau để cùng làm những dự án quy mô lớn thì nhiều tên tuổi lớn vẫn chọn cách đi một mình.
Trong năm 2021, Công ty TNHH Vận hành Vincom Retail (thành viên tập đoàn Vingroup) trúng đấu giá khu đất có diện tích 53.187,9 m2 tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Số tiền trúng đấu giá là 439,999 tỉ đồng.
Việc trúng đấu giá quyền sử dụng đất đồng nghĩa với việc Công ty TNHH Vận hành Vincom Retail sẽ là chủ đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị thương mại – dịch vụ Nam Đông Hà.
Cũng trong năm 2021, Tập đoàn Vingroup đã tái khởi động dự án Khu du lịch Làng Vân với quy mô 35.000 tỉ đồng tại thành phố Đà Nẵng.
Tương tự, trong năm 2021, Tập đoàn Sun Group đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam về việc xúc tiến hồ sơ, thủ tục đầu tư dự án Khu đô thị và cảnh quan hai bên đường Điện Biên Phủ thành phố Tam Kỳ, đoạn từ sông Kỳ Phú đến quảng trường biển Tam Thanh, đồng thời xúc tiến đầu tư dự án Khu đô thị ven sông Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết đây là các dự án đầu tư trọng điểm, tạo điểm nhấn phát triển của các đô thị Tam Kỳ và Điện Bàn trong thời gian tới.
Cũng tại địa bàn tỉnh Quảng Nam, trong một năm qua, đã có nhiều tên tuổi lớn đề xuất nghiên cứu đầu tư hàng loạt dự án quy mô lớn trên địa bàn. Có thể kể đến như Tập đoàn Thaco, Tập đoàn FPT, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Panko, Nova Group, TNG Holdings Việt Nam, CTCP Tập đoàn Ecopark.
Đa phần các dự án mà các doanh nghiệp nêu trên đề xuất đầu tư tại Quảng Nam đều là những dự án quy mô lớn, tạo điểm nhấn thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại nhiều đô thị trên địa bàn tỉnh.
Là một trong số những doanh nghiệp lớn đang sở hữu nhiều dự án lớn tại khu vực miền Trung, ngay trong năm 2021, Tập đoàn FLC cũng đã tiếp tục khảo sát, nghiên cứu mở rộng đầu tư nhiều dự án quy mô lớn khác tại tỉnh Bình Định và Khánh Hòa.
Bất chấp những tác động từ dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp bất động sản tại khu vực miền Trung đang tìm cách vượt qua sóng gió, với kỳ vọng sẽ khuấy động thị trường bất động sản miền Trung trong năm 2022.
-
Quảng Nam thống nhất chủ trương lập quy hoạch, đề xuất đầu tư Khu đô thị giáo dục đại học quốc tế
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh vừa ký Công văn số 9409/UBND-KTN về chủ trương nghiên cứu, lập phương án quy hoạch, đề xuất đầu tư dự án Khu đô thị giáo dục đại học quốc tế tại huyện Phú Ninh.
-
Khi nào hoàn thành dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Bến Trễ Hội An?
UBND tỉnh Quảng Nam vừa chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Bến Trễ Hội An tại xã Cẩm Hà, thành phố Hội An.
-
Quảng Nam rà soát toàn bộ hồ sơ pháp lý của dự án Khu du lịch biển Lê Phan
UBND tỉnh Quảng Nam vừa phát đi Thông báo số 15/TB-UBND truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình tại cuộc họp giải quyết khó khăn, vướng mắc dự án Khu du lịch biển Lê Phan (tại phường Cẩm An, thành phố Hội An) ...
-
Một địa phương nằm giáp ranh với thành phố Đà Nẵng hiện đang triển khai 104 dự án khu dân cư, khu đô thị
UBND thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) vừa báo cáo tình hình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn thị xã. Thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) là địa phương nằm giáp ra...