Tỉnh Lâm Đồng vừa có động thái tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho việc hiến đất làm đường và tách thửa đất tại địa phương, qua đó tạo điều kiện cho người dân tiếp tục thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định.

Đổ xô về Lâm Đồng mua đất

Kể từ khi xuất hiện thông tin về việc triển khai dự án cao tốc kết nối tỉnh Đồng Nai lên Lâm Đồng, cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều tập đoàn tên tuổi lớn tìm đến nghiên cứu đầu tư, thị trường bất động sản tỉnh Lâm Đồng đã sôi động hẳn lên.

Số liệu thống kê từ đầu năm 2021 đến nay có thể thấy, số lượng giao dịch đất nền tại Lâm Đồng liên tục tăng mạnh theo các quý trong năm.

Cụ thể, trong quý 1 và quý 2/2021, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận một lượng lớn giao dịch bất động sản, chủ yếu là đất nền, với 24.531 giao dịch thông qua công chứng.

Bước sang quý 3 và quý 4/2021, lượng giao dịch bất động sản tại tỉnh này có phần sụt giảm do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, song số lượng giao dịch đất nền vẫn giữ ở mức cao so với nhiều địa phương lân cận như Kon Tum và Gia Lai.

Số liệu thống kê cho thấy trong quý 3 và quý 4/2021, toàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận số lượng giao dịch bất động sản giảm 38% so với quý 1 và quý 2, với 15.101 giao dịch thông qua công chứng.

Tường chừng cơn sốt đất nền tại Lâm Đồng đã đạt đỉnh và bắt đầu sụt giảm, nhưng bước sang quý 1/2022, lượng giao dịch đã bật tăng trở lại như những giai đoạn trước đó, trong đó chiếm phần lớn vẫn là đất nền.

Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng cho biết trong quý 1 vừa qua, toàn tỉnh Lâm Đồng có 12.467 giao dịch thành công, với tổng số tiền bán ra là 11.911 tỉ đồng.

Trong đó, huyện Lâm Hà dẫn đầu với 3.077 giao dịch thành công qua công chứng. Tiếp đến là huyện Di Linh với 1.826 giao dịch, huyện Đức Trọng với 1.648 giao dịch, thành phố Đà Lạt với 1.162 giao dịch và huyện Bảo Lâm với 1.105 giao dịch.

Phân khúc nhà ở riêng lẻ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong quý 1-2022 cũng ghi nhận biến động tăng so với quý 4/2021, với 899 giao dịch thành công với tổng số tiền bán ra là 1.934 tỉ đồng. Trong đó, tập trung nhiều nhất là tại huyện Bảo Lâm, thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc và huyện Đức Trọng.

Chưa dừng lại ở đó, bước sang quý 2/2022, thị trường bất động sản Lâm Đồng một lần nữa dậy sóng khi số lượng giao dịch bất động sản tăng mạnh so với quý 1 trước đó.

Thống kê từ Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong quý 2/2022, toàn tỉnh Lâm Đồng có 19.669 giao dịch đất nền thành công qua công chứng với hơn 21.283 tỉ đồng. Song song với đó, toàn tỉnh có 1.113 giao dịch nhà ở riêng lẻ thành công qua công chứng.

Ảnh minh họa

Nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa đất tăng mạnh

Kết quả giám sát chuyên đề công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện Bảo Lâm cho thấy nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở tại địa phương tăng nhanh trong giai đoạn từ năm 2019-2021.

Cụ thể, năm 2019 toàn huyện có khoảng 178.085m2 đã được chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở. Nhưng đến năm 2021, số diện tích chuyển đổi mục đích đã tăng đến 1.107.200 m2.

Trong 3 năm (từ năm 2019 đến năm 2021), trên địa bàn huyện Bảo Lâm có 4.670 hồ sơ với 1.559.835,5 m2 đất sản xuất nông nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở.

Liên quan đến vấn đề về hiến đất, làm đường, trong kỳ giám sát từ năm 2019 đến năm 2021, toàn huyện Bảo Lâm đã giải quyết hồ sơ của 80 hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn với tổng diện tích 316.998,9 m2, chủ yếu thuộc quy hoạch đất ở và đất sản xuất nông nghiệp.

Không riêng gì huyện Bảo Lâm mà câu chuyện về hiến đất làm đường, tách thửa đất cũng đã diễn ra rầm rộ trên địa bàn thành phố Bảo Lộc, huyện Lâm Hà,…

Bên cạnh những mặt tích cực, việc lợi dụng chủ trương hiến đất làm đường để phân lô bán nền tại Lâm Đồng cũng đã để lại những hệ lụy nghiêm trọng.

Theo đó, nhiều hộ gia đình, cá nhân tại Lâm Đồng đã lợi dụng chủ trương “hiến đất làm đường” để đầu tư xây dựng hạ tầng, phân lô bán nền, kết hợp môi giới quảng cáo thông tin là dự án bất động sản.

Việc làm này đã gây nhiễu loạn thị trường, làm ảnh hưởng sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản tại khu vực và tỉnh.

Qua kiểm tra tại địa phương, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện nhiều trường hợp phân lô tách thửa có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản, gây thất thoát nguồn thu ngân sách.

Trong quá trình kiểm tra, xử lý các khu vực có dấu hiệu vi phạm, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã có nhiều chỉ đạo nhằm hạn chế tình trạng người dân, doanh nghiệp thu gom đất, hiến đất làm đường để đầu tư hạ tầng, thực hiện phân lô bán nền, núp bóng danh nghĩa các dự án kinh doanh bất động sản.

Lâm Đồng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trường hợp hiến đất làm đường, tách thủa đất (ảnh minh họa)

Gỡ khó cho các khu vực hiến đất làm đường, tách thửa đất

Sau một thời gian tạm dừng thực hiện việc hiến đất làm đường, tách thửa đất, ngày 30/6 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra hướng xử lý đối với các trường hợp đã và đang thực hiện việc hiến đất làm đường giao thông, phân lô tách thửa và xây dựng nhà ở trên địa bàn thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.

Theo đó, đối với các khu vực, diện tích đã hiến đất mở đường, tách thửa trên địa bàn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới thì tiếp tục thực hiện các thủ tục đất đai, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với quy hoạch.

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu khi xem xét phải đánh giá hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của địa phương đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu như cấp điện, thoát nước, cấp nước, thu gom rác thải.

Trường hợp khu vực, diện tích đất tách thửa số lượng lớn nhằm kinh doanh bất động sản phải thực hiện theo các quy định có liên quan.

Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu các tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp hiến đất làm đường giao thông và phân lô, tách thửa nhằm mục đích kinh doanh bất động sản thì phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, đồng thời lập dự án đầu tư trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật đầu tư năm 2020 và Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bất động sản.

Ngoài ra, đối với các khu vực, diện tích đã hiến đất mở đường, tách thửa trên địa bàn chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới thì tạm dừng các hoạt động mở đường giao thông, phân lô tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất, san gạt mặt bằng, đầu tư xây dựng tại các khu vực cho đến khi hoàn thành công tác rà soát, điều chỉnh các đồ án quy hoạch đảm bảo phù hợp và thống nhất giữa các quy hoạch nêu trên.

Chưa hết, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã yêu cầu UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng trên địa bàn. Đặc biệt là việc thi công các tuyến đường giao thông phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch được phê duyệt, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp xây dựng công trình, nhà ở không có giấy phép mà theo quy định là phải có giấy phép xây dựng.

Tỉnh cũng yêu cầu việc giải quyết hồ sơ chuyển mục đích đất sang đất ở trong thời gian tới phải đảm bảo phù hợp với các quy hoạch trên địa bàn.

UBND tỉnh Lâm Đồng còn yêu cầu UBND các huyện, thành phố căn cứ chủ trương, giải pháp chung, trước mắt xử lý dứt điểm các trường hợp mà Tổ công tác đã kiểm tra, ghi nhận để tạo điều kiện cho người dân tiếp tục thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định.

UBND tỉnh Lâm Đồng khuyến khích người dân sử dụng đất tặng cho, trả lại quyền sử dụng đất cho nhà nước, sử dụng vào mục đích công cộng nhưng phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng,…

Đối với các khu vực có lợi thế, tiềm năng và nhu cầu phát triển điểm dân cư, cần tập trung đầu tư kinh phí lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu để triển khai các dự án phát triển nhà ở cho người dân.

Huy động nguồn vốn, nguồn lực từ mọi cá nhân tổ chức theo quy định của pháp luật để triển khai thực hiện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.