Hình minh họa
Đề xuất 7 điểm mới
Những nội dung chính mà Bộ Xây dựng gửi trong tờ trình có một số vấn đề sau:
Thứ nhất, kéo dài thời hạn trả nợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân từ 10 năm lên 15 năm.
Thứ hai, điều kiện mua căn hộ, nhà đất dưới 1,05 tỷ đồng không còn khống chế về diện tích (70m2) và đơn giá không quá 15 triệu đồng/m2 như trước.
Thứ ba, mở rộng thêm các hộ dân ở vùng thường xuyên xảy ra bão lũ thuộc các tỉnh duyên hải, Miền Trung đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng chưa đảm bảo an toàn khi xảy ra bão, lũ được vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở cũng được vay vốn từ gói 30.000 tỷ.
Thư tư, các hộ dân ở đô thị, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tại các đô thị ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở được vay để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở, nhưng tổng số vốn vay không vượt quá 840 triệu đồng
Thứ năm, các hợp đồng mua nhà ở xã hội đã ký trước 7/1/2013 mà chưa thanh toán hết tiền mua nhà cũng cần được vay như các đối tượng trên.
Thứ sáu, bổ sung thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần theo đề nghị của NHNN.
Thứ sáu, kiến nghị Chính phủ không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới trong năm 2014, trừ các các dự án nhà ở xã hội; nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; dự án cải tạo nhà chung cư cũ.
Tác dụng như thế nào đến bất động sản?
Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản của rất nhiều doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực xây dựng bất động sản và với chức năng quản lý nhà nước về: xây dựng; vật liệu xây dựng… Với 7 kiến nghị đó, Bộ kỳ vọng tạo ra một cú hích cho lĩnh vực mà mình đang quản lý như xây dựng, bất động sản, vật liệu xây dựng…
Việc kéo dài thời hạn cho vay theo kiến nghị thứ nhất là một bước đột phá lớn vì nó làm giảm số tiền phải trả hàng năm của người vay. Như vậy, rõ ràng những người thu nhập thấp sẽ vẫn có thể vay tiền để mua nhà. Tuy nhiên, việc kéo dài thời hạn này cũng gây ra rủi ro nhiều hơn cho ngân hàng.
Với kiến nghị thứ 2 và thứ 4 thì điều kiện được vay đã được mở rộng nhiều hơn so với trước đây. Thay vì đóng khung trong vấn đề giá mỗi m2 và diện tích, Bộ Xây dựng đã đề xuất bằng giá toàn bộ căn hộ hoặc nhà đất. Tuy nhiên, nhiều người cũng sẽ thắc mắc với nhà lên đến 1,05 tỷ thì sao lại dành cho người thu nhập thấp? Ngoài ra, nếu những người nào đã quyết định mua nhà trước đó có nghĩa là họ có khả năng về tài chính thì tại sao vẫn cần ưu đãi từ gói “cứu trợ” này?
Với kiến nghị mở rộng cho phép thêm ngân hàng được tham gia gói 30 nghìn tỷ kỳ vọng sẽ giải tỏa được việc các ngân hàng không chịu cho vay. Tuy nhiên, đề xuất này có thể nhằm giải cứu cho một số công ty bất động sản “anh em” với ngân hàng.
Với kiến nghị thứ sáu, thì rõ ràng Bộ Xây dựng quyết chặn nguồn cung trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, việc “cấm đoán” rất quen thuộc này thiếu cơ sở vững chắc và có thể để lại nhiều tiền lệ xấu.
Điều gây nhiều bất ngờ trong kiến nghị này Bộ Xây dựng là quan tâm đến những người dân ở vùng lũ lụt, tức là người nghèo. Những đối tượng này trước đây thường bị Bộ bỏ qua vì nó chẳng liên quan nhiều đến thị trường bất động sản, vật liệu xây dựng hay các “đại gia” trong ngành này.
Đánh giá một cách tổng thể những kiến nghị này đã tập trung khắc phục một số bất cập liên quan đến gói 30.000 tỷ. Những kiến nghị này cũng nhằm mục đích thu hút “nhân tâm” khi người dân ở vùng khó khăn bất ngờ được quan tâm. Ngoài ra, khuyến nghị cũng hướng đến khắc phục điểm tắc bằng cách kiến nghị thêm các ngân hàng được tham gia gói này. Tuy nhiên, dường như tất cả các giải pháp trên chưa thể tác động vào vấn đề cốt lỏi là thế nào để thúc đẩy việc các ngân hàng cho vay vì với mức chênh lệch lãi suất và rủi ro việc cho vay khiến các ngân hàng e ngại. Như vậy, rõ ràng những kiến nghị mới của Bộ Xây dựng khó tạo ra bước đột phá nào trên thị trường bất động sản.