18/08/2015 7:54 AM
Hơn một tháng sau ngày chính sách cho người nước ngoài cũng như Việt kiều mua nhà tại Việt Nam có hiệu lực (1/7), thị trường bất động sản đã ghi nhận nhiều giao dịch thành công. Các chuyên gia đánh giá, đây là tín hiệu tốt, và sức mua còn có thể tăng trong thời gian tới.
Sóng bắt đầu mạnh
Chị Nguyễn Bích Diệp (Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) có chị gái đang sống và làm việc tại Đức, một năm về thăm gia đình một lần. Trong lần về thăm quê mới đây, chị Diệp đã tư vấn cho chị gái mua một căn hộ tại dự án Imperia Garden (quận Thanh Xuân). Đây là dự án chú trọng đến yếu tố sinh thái, cảnh quan nên rất phù hợp với người nước ngoài.
Bất động sản nghỉ dưỡng ven biển đang thu hút vốn đầu tư từ Việt kiều.
“Chị tôi định mua nhà tại Việt Nam lâu rồi nhưng do thủ tục phức tạp, nếu mua phải nhờ người khác đứng tên nên cân nhắc mãi. Nay thủ tục đã thông thoáng hơn, chị tôi đang tính mua một căn khoảng 70 - 80 m2 với giá hơn 2 tỷ đồng. Nếu sau này không về nước ở, có thể cho thuê vẫn sinh lợi”, chị Diệp nói.
Còn anh Minh Anh, đã có nhiều năm sinh sống tại Đức, vừa về nước mua một căn hộ tại TP Hồ Chí Minh đầu tháng 8, chia sẻ, nếu mua đi bán lại có lãi trong trung và dài hạn thì tốt, còn không thì cho thuê. “Lợi tức 6%/năm là khá ổn, tương đương lãi suất gửi tiết kiệm tại Việt Nam và cao hơn gửi tiền tại nước ngoài”, anh Minh Anh đánh giá.
Những năm qua, lượng kiều hối đổ về Việt Nam không ngừng tăng. Xu hướng Việt kiều về nước đầu tư ngày một nhiều. Không chỉ đầu tư vào căn hộ chung cư, Việt kiều còn đầu tư vào bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng ven biển bởi trong tương lai, loại hình du lịch này sẽ rất phát triển.
Trong tháng 7, theo thống kê của Công ty BĐS Novaland (TP Hồ Chí Minh), số người Việt ở nước ngoài mua các căn hộ của công ty này chiếm khoảng 10% tổng số giao dịch. Các hợp đồng mua nhà đa phần tập trung vào những chung cư cao cấp, vị trí đắc địa. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh, hiện chưa có thống kê đầy đủ về lượng giao dịch của Việt kiều thời gian qua. Tuy nhiên riêng tại dự án Vinhomes Tân Cảng đã có 112 người là Việt kiều đăng ký mua nhà.
“Các dự án của Đại Quang Minh, Capital Land cũng được nhiều Việt kiều quan tâm. Tuy nhiên, do chưa có các thông tư hướng dẫn cụ thể nên tại nhiều dự án, người mua chủ yếu mới đặt tiền giữ chỗ”, ông Châu cho hay.
Còn tại dự án Eco-Green City (Hà Nội), do nhắm đến khách hàng là người nước ngoài, trong đó có Việt kiều, nên dự án đã tập trung vào khâu thiết kế và sử dụng vật liệu xây dựng, nội thất cao cấp. Theo ông Đào Văn Công, cố vấn cao cấp của chủ đầu tư dự án Eco-Green City, Việt kiều không chỉ cần một căn hộ để ở mà cần một không gian sống thoải mái, môi trường sống hiện đại, đi kèm các tiện ích trọn gói từ ăn ở, chăm sóc sức khỏe, mua sắm và giải trí.
Tạo thuận lợi cho người mua
Hiện nay, các loại hình BĐS hấp dẫn Việt kiều là phân khúc nghỉ dưỡng (đa số là biệt thự ven biển), chung cư, nhà phố thương mại. Điểm chung của các loại tài sản này là khả năng khai thác cho thuê hay để ở đều tốt.
Thực tế, không phải đến bây giờ, người Việt mới về nước mua nhà. Các chuyên gia đánh giá, người Việt mạnh dạn về nước đầu tư BĐS trong thời điểm này là do sức hấp dẫn của thị trường BĐS Việt Nam trong giai đoạn hậu khủng hoảng và bước vào chu kỳ phục hồi; các chính sách tại Việt Nam đang có xu hướng hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường BĐS, mở rộng điều kiện cho phép người nước ngoài và kiều bào mua nhà…
Tuy nhiên, để đón nhận làn sóng tích cực này, các quy định trong nước cần cởi mở hơn nữa. Theo ông Lê Hoàng Châu, hiện chưa có các Thông tư hướng dẫn cụ thể việc bán nhà cho kiều bào. Do đó, khó dự báo tỷ lệ giao dịch BĐS của Việt kiều sẽ tăng trưởng bao nhiêu nhưng có thể yên tâm về kịch bản tươi sáng ở nhóm khách hàng này.
Đối với việc xác định nguồn gốc của người Việt Nam ở nước ngoài (rào cản chính của Việt kiều mua nhà hiện nay), theo ông Lê Hoàng Châu, cần chấp nhận nguồn gốc của người Việt nếu trong hộ chiếu xác minh nơi sinh là Việt Nam để đơn giản hóa thủ tục. Hiện nay, có khoảng 4,5 triệu người Việt ở nước ngoài. Do hoàn cảnh lịch sử, nhiều người không còn giữ được giấy khai sinh, hộ chiếu cũ, tờ khai gia đình, sổ hộ khẩu, căn cước, chứng minh nhân dân... Các cơ quan nhà nước hiện nay cũng không còn lưu giữ hồ sơ hộ tịch gốc của họ.
Do vậy, ông Châu đề nghị, nếu Việt kiều không có giấy khai sinh hoặc giấy tờ tùy thân khác để chứng minh nguồn gốc thì sử dụng thông tin trên giấy căn cước, hộ chiếu của nước sở tại cấp làm cơ sở pháp lý theo công pháp quốc tế để xác định nguồn gốc người Việt.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên cho các kiều bào muốn về nước đầu tư. Đó là, cần tìm một đơn vị môi giới chuyên nghiệp để hỗ trợ giao dịch. “Kiều bào không nên tự mua nhà mà nên thông qua bên thứ ba là sàn giao dịch BĐS uy tín để đảm bảo quy trình mua bán an toàn. Đơn vị môi giới sẽ cung cấp cho kiều bào tình hình chung của thị trường, giá cả, giá trị tài sản, cũng như tham vấn về hợp đồng mua bán, các thỏa thuận chung…”, chuyên gia từ ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh tư vấn.
Hoàng Dương - Nhung Phương (Báo Tin tức)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.