Người dân Thủ đô hy vọng quyết tâm chính trị đó, cùng với Luật Thủ đô khi có hiệu lực sẽ đẩy nhanh việc giải quyết những bất cập mà họ phải đối mặt hằng ngày: tình trạng ô nhiễm môi trường; nạn ách tắc giao thông; hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở khu vực nội thành không đáp ứng nổi tình trạng tăng dân cư tự phát, quy hoạch, xây đô thị manh mún, thiếu đồng bộ...
Giá nhà đất tăng vọt, dân nhập cư, ách tắc giao thông, quá tải cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường…là những vấn đề có mối liên hệ mật thiết với nhau, cần những giải pháp tổng thể, đồng bộ và lâu dài. Có một điều nghịch lý ai cũng biết, Hà Nội - Thủ đô của một nước đang phát triển – là một trong những thành phố có giá nhà đất đắt đỏ nhất thế giới. Nó không phải là kết quả của thu nhập người dân Thủ đô tăng cao, mà là hệ quả tất yếu của công tác quy hoạch, sự đáp ứng của cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập.
Dân nhập cư vào nội thành là hệ quả của quá trình phát triển nóng, mất cân đối. Để giải quyết bài toán nan giải này Luật Thủ đô đã quy định các biện pháp về kinh tế - kỹ thuật bên cạnh biện pháp hành chính nhằm giảm tải việc tập trung dân cư vào khu vực nội thành.
Khu vực nội thành là nơi tập trung phần lớn các trường học, bệnh viện, công sở và nhiều tiện ích khác. Khi ách tắc giao thông là chuyện cơm bữa thì tất yếu người dân phải cố chen chân vào sống gần trung tâm để thuận tiện hơn cho việc đi lại, sinh sống. Nhưng càng co cụm vào thì vấn đề ách tắc giao thông càng nặng nề. Dân tập trung vào nội thành và khu vực lân cận kéo theo sự gia tăng đột biết nhu cầu bất động sản để ở, để kinh doanh đẩy giá nhà đất lên cao. Nhiều căn hộ chung cư gần đây được giảm giá đến 30% vẫn không có người mua vì nó vẫn vượt quá khả năng chi trả của đại bộ phận người dân có nhu cầu thực.
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quản lý quy hoạch,phát triển, quản lý nhà ở, quản lý dân cư cùng chiến lược đô từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa ngoại thành và nội thành là những nhóm giải pháp được quy định trong Luật Thủ đô để giải quyết những vấn đề trước mắt và lâu dài mà Thủ đô đang đối mặt.
Trong đó, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cần được xem là yếu tố căn bản, làm nền tảng để định hướng phát triển quy hoạch ngành, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật xây dựng bảo đảm kết nối liên thông. Di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bệnh viện ra khỏi nội thành, tạo lập các khu đô thị bảo đảm khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở ngoại thành là định hướng đúng đắn cần được nâng lên thành mục tiêu chiến lược cụ thể khi Luật Thủ đô vào cuộc sống.
Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được phát triển mạnh, kết nối đồng bộ ra phía ngoại thành, ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng sẽ giúp người dân yên tâm an cư ở ngoại thành mà không lo vấn nạn ách tắc giao thông, thiếu tiện ích cơ bản. Các chủ đầu tư tiếp cận được những quỹ đất giá rẻ góp phần hạ giá bán sản phẩm. Bài toán luẩn quẩn: xây nhà xa trung tâm để giảm giá bán thì không đáp ứng được nhu cầu sinh sống, xây nhà gần trung tâm thì giá cao dân không đủ khả năng chi trả đã tìm được lời giải. Đó là lối thoát bền vững cho thị trường bất động sản khỏi những lệch pha trong cung cầu như hiện nay.
Với quyết tâm, sự phối hợp đồng bộ, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội hy vọng Luật Thủ đô có hiệu lực sẽ giúp bất động sản từng bước tháo gỡ các nút thắt góp phần hiệu quả trong công cuộc phát triển Thủ đô.