Điện Bàn cho phép nhiều trường hợp được mở đường giao thông cục bộ khớp nối với đường giao thông hiện hữu để tách thửa đất. Trong ảnh là một tuyến đường bê tông trong khu dân cư tại thị xã Điện Bàn do nhà nước đầu tư Ảnh: Lê Phước Bình
Đầu tư đường giao thông để tách thửa đất
Thời gian gần đây, UBND thị xã Điện Bàn liên tục phát đi nhiều văn bản thống nhất chủ trương cho phép nhiều hộ gia đình, cá nhân đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông cục bộ để thực hiện tách thửa liên quan đến việc mở đường.
Đơn cử, tại Công văn số 582 /UBND ngày 4/4/2022, UBND thị xã Điện Bàn cho phép ông Nguyễn Ngọc Anh được lập thủ tục đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông cục bộ khớp nối với giao thông công cộng hiện có để thực hiện tách thửa liên quan đến việc mở đường đối với thửa đất số 55, tờ bản đồ số 09, diện tích 2.157 m2 (đất ở tại nông thôn) tại thôn Thái Sơn, xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn.
UBND thị xã đề nghị ông Anh liên hệ Bộ phận tiếp nhận và hoàn trả kết quả thuộc Văn phòng HĐND&UBND thị xã Điện Bàn để được hướng dẫn thực hiện các thủ tục liên quan theo đúng quy định.
Hay tại Công văn số 486/UBND, thị xã Điện Bàn cho phép bà Huỳnh Thị Nhung được lập thủ tục đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông cục bộ khớp nối với giao thông công cộng hiện có để thực hiện tách thửa liên quan đến việc mở đường đối với thửa đất số 283, tờ bản đồ số 05, tại khối phố Quảng Lăng B, phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn.
Không chỉ cho phép người dân có hộ khẩu thường trú tại địa phường mà các trường hợp hộ gia đình cá, nhân có hộ khẩu thường trú bên ngoài địa phương, hiện đang sở hữu quyền sử dụng đất tại thị xã Điện Bàn cũng được phép lập thủ tục đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông cục bộ khớp nối với giao thông công cộng hiện có để thực hiện tách thửa.
Đơn cử như tại Công văn số 460/UBND, UBND thị xã Điện Bàn thống nhất chủ trương cho phép ông Vũ Đức Chung và bà Lê Thị Lý (thường trú tại xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) được lập thủ tục đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông cục bộ khớp nối với giao thông công cộng hiện có để thực hiện tách thửa liên quan đến việc mở đường đối với thửa đất số 803a, tờ bản đồ số 05, diện tích 1.450 m2 (đất ở nông thôn) tại thôn Hà Đông, xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn.
Đối với các trường hợp đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông để thực hiện tách thửa, UBND thị xã Điện Bàn giao Phòng Quản lý đô thị thị xã cập nhật, bổ sung vị trí đối với các thửa đất nêu trên vào trong quá trình tổ chức triển khai lập các đồ án quy hoạch xây dựng trên địa bàn thị xã.
Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày thống nhất chủ trương, nếu hộ gia đình, cá nhân không triển khai, hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư thì xem như các văn bản này hết hiệu lực cho phép
Thị xã Điện Bàn hiện có hàng trăm dự án khu dân cư, đô thị. Tuy nhiên không có nhiều dự án đủ điều kiện giao dịch sản phẩm bất động sản sản. Trong ảnh là một dự án bất động sản nằm ven sông Cổ Cò thuộc thị xã Điện Bàn. Ảnh: Lê Phước Bình
Thị trường bất động sản sẽ sôi động trở lại?
Nói thị trường bất động sản Điện Bàn sẽ sôi động trở lại là vì trong quá khứ bất động sản tại địa phương này từng có một giai đoạn phát triển nóng.
Trong cơn sốt đất giai đoạn 2016-2019, nhiều nhà đầu tư đã đổ về đây và mạnh dạn xuống tiền đầu tư đất nền. Trong số đó có nhiều người may mắn mua được những sản phẩm bất động sản có pháp lý rõ ràng, thu về lợi nhuận hàng tỉ đồng.
Anh L (người TPHCM) nhớ lại cơn sốt đất năm 2016-2019. Lúc đó, anh đi du lịch Quảng Nam, thấy sự phát triển sôi động của thị trường bất động sản nơi đây nên đã mua một lô đất nền gần bãi tắm Hà My với giá 7 triệu đồng/m2.
Chỉ 6 tháng sau, anh bán ra và thu về gần 2 tỉ đồng tiền lời. Cơn sốt đất quay cuồng đã đẩy giá đất tăng lên hằng ngày, thời điểm anh bán ra, lô đất của anh có giá lên đến 15 triệu đồng/m2.
Chuyện vui khi đầu tư đất nền tại khu vực này có nhiều, nhưng chuyện buồn cũng không ít. Đã có nhiều nhà đầu tư vì nóng vội trong cơn sốt đất đã góp vốn mua đất nền từ những dự án 'bán lúa non'. Để rồi cho đến ngày hôm nay, họ vẫn rong ruổi khắp mọi nơi để cầu cứu cơ quan chức năng với mong muốn sớm được bàn giao đất và sổ đỏ.
Trong số nhiều vụ việc có liên quan nêu trên có các dự án của Công ty cổ phần Bách Đạt An, đơn vị đã bán sản phẩm đất nền cho rất nhiều người dân.
Thực tế cho thấy nhiều dự án bất động sản đang trong giai đoạn triển khai đầu tư xây dựng, chưa đủ điều kiện giao dịch. Do vậy, nhiều người cho rằng việc cho phép đầu tư xây dựng đường giao thông cục bộ để tách thửa sẽ kích thích một làn sóng mua bán đất nền tại thị xã Điện Bàn trong thời gian tới.
Thị trường bất động sản thị xã Điện Bàn hấp dẫn giới đầu tư vì nhiều lý do.
Đầu tiên là yếu tố địa lý. Đây là vùng đất giáp ranh với phía nam thành phố Đà Nẵng, nằm bên cạnh hai di sản văn hóa thế giới là phố cổ Hội An và khu thánh địa Mỹ Sơn, nơi hội tụ nhiều điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế xã hội.
Điện Bàn cũng là địa phương có hàng trăm dự án khu dân cư, đô thị, du lịch nghỉ dưỡng đã và đang triển khai đầu tư xây dựng. Đây chính là địa phương có số lượng dự án bất động sản nhiều nhất tại tỉnh Quảng Nam.
Sức hấp dẫn của thị trường bất động sản thị xã Điện Bàn xuất phát từ nhu cầu về nhà ở thực và cả nhu cầu đầu tư của người dân là rất lớn.
Ở đó có hàng vạn lao động ở trong và ngoài tỉnh đang làm việc, lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp quy mô lớn, hoạt động ổn định và hiệu quả tại địa phương. Nhiều người trong số họ đang có nhu cầu rất lớn về nhà ở, đất ở.
Bên cạnh đó, dự án làng đại học Đà Nẵng, nạo vét sông Cổ Cò, cùng với nhiều khu thương mại dịch vụ - du lịch, nghỉ dưỡng nằm bên cạnh tại Hội An, Đà Nẵng cũng là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản địa phương này.
So với nhiều địa phương khác, mức giá bán đất nền tại thị xã Điện Bàn hiện đang dao động ở mức khá phù hợp với nhu cầu đầu tư và cả nhu cầu ở thực của người dân.
Giá rao bán đất nền tại nhiều khu vực vùng Tây của thị xã như các xã Điện Hồng, Điện Tiến, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam, Điện Thắng Bắc hiện đang dao động ở mức từ 5-10 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, tại khu vực vùng Đông của thị xã, đất nền có giá dao động từ 10-30 triệu đồng/m2 tùy từng vị trí.
Sở dĩ khu vực này có mức giá bán đất nền cao hơn khu vực phía tây là vì nơi đây có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển thương mại dịch vụ và du lịch nghỉ dưỡng, giao thông thuận tiện và kết nối thông suốt với đô thị cổ Hội An và thành phố Đà Nẵng.
Vụ hiến đất làm đường rồi phân lô, bán nền tại Lâm Đồng từng gây xôn xao dư luận (Ảnh minh họa)
Bài học từ Lâm Đồng
Việc UBND thị xã Điện Bàn cho phép nhiều trường hợp đầu tư đường giao thông và tách thửa đất ở khiến nhiều người nhớ lại bài học về hiến đất làm đường và tách thửa đất tại tỉnh Lâm Đồng.
Dư luận cả nước từng xôn xao trước những vấn đề phát sinh liên quan đến việc thực hiện chủ trương hiến đất làm đường để tách thửa tại tỉnh này.
Tại Công văn số 392/SXD-KTVLXD QLN&TTBĐS gửi Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết trên địa bàn tỉnh có nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân thu gom đất, hiến đất làm đường để đầu tư xây dựng hạ tầng, phân lô bán nền, kết hợp môi giới quảng cáo thông tin là dự án bất động sản gây nhiễu loạn thị trường, làm ảnh hưởng sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản tại khu vực và tỉnh.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành quản lý đất đai, xây dựng, giao thông và UBND huyện, thành phố kiểm tra để xử lý. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét hồ sơ pháp lý của các trường hợp nêu trên thấy một số nội dung vướng mắc, đặc biệt là quy định về kinh doanh bất động sản.
Nghị định số 02/2022/NĐ-CP chưa quy định rõ bất động sản quy mô nhỏ, hoạt động không thường xuyên phải lập dự án đầu tư kinh doanh bất động sản. Vì vậy, một số cá nhân đã thu gom đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sang đất ở hoặc phân lô đất ở để chuyển nhượng (bán) cho các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ, tạo nên các khu dân cư mới không đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy định.
Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác kiểm tra, rà soát toàn bộ các khu vực hiến đất hình thành đường giao thông mới để tách thửa trên địa bàn thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.
Qua kiểm tra tại địa phương, Sở Xây dựng đã phát hiện nhiều trường hợp phân lô tách thửa có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản, gây thất thoát nguồn thu ngân sách,...
-
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trình quy hoạch tỉnh Quảng Nam trong quý 3/2022
Văn phòng Chính phủ vừa Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, trong đó có yêu cầu về hoàn thành lập quy hoạch tỉnh Quảng Nam.
-
Kết luận của UBND tỉnh Quảng Nam về việc giải quyết vướng mắc tại các dự án khu dân cư, khu đô thị
UBND tỉnh Quảng Nam vừa phát đi Thông báo số 24/TB-UBND truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng tại cuộc họp giải quyết vướng mắc thủ tục đầu tư một số dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh....
-
Khi nào phê duyệt hai đồ án quy hoạch phân khu quan trọng tại Khu kinh tế mở Chu Lai, Quảng Nam?
UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Quyết định số 120/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh thời gian lập Quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2.000) Khu công nghiệp công nghệ cao Thăng Bình và Quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2.000) Khu công nghiệp Nam Thăn...
-
Kiến nghị nâng cấp, mở rộng loạt quốc lộ qua địa bàn tỉnh Quảng Nam
Cư tri tỉnh Quảng Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm triển khai dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ 14B, 14H và 14D đoạn qua địa bàn tỉnh để đảm bảo giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội....