17/09/2020 8:25 AM
CafeLand - Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết địa phương này đang có hiện tượng “treo bảng bán tháo” khoảng 250 khách sạn/biệt thự du lịch ngay mùa dịch Covid-19.

Thông tin này đang gây hoang mang thị trường địa ốc Đà Nẵng. Nhiều người tự hỏi phải chăng đây là hệ lụy sau một thời gian dài bất động sản du lịch Đà Nẵng “sống ảo”?

Số liệu ngành du lịch Đà Nẵng công bố cho thấy, số lượng cơ sở du lịch và dịch vụ rao bán chiếm đến 24,7% tổng số 1.080 khách sạn đã được thẩm định hoạt động, đánh giá cao chất lượng trong nhiều năm qua.

Trong số đó, có đến 955 khách sạn đã dừng hoạt động hoàn toàn trong đợt cao điểm dịch bệnh vừa qua, chỉ còn khoảng 100 đơn vị hỗ trợ hoạt động lưu trú của các y bác sĩ, bệnh nhân điều trị bệnh.

Ngưng hoạt động hàng loạt

Điều đáng nói là cho đến nay, khi tình hình dịch bệnh cơ bản đã được khống chế, Đà Nẵng đã nới lỏng giãn cách xã hội, thậm chí ưu tiên cho các cơ sở lưu trú, khách sạn được đón khách ngay thì phần lớn các khách sạn phản hồi không khôi phục lại được.

Trong những ngày này, chỉ cần rảo qua những tuyến đường Hồ Nghinh, Hà Bổng, Phạm Văn Đồng… sẽ thấy cảnh u ám, thê lương của dịch vụ du lịch Đà Nẵng.

Những tuyến phố từng tấp nập khách, cờ quạt đèn đuốc tưng bừng, giờ im lìm xơ xác, đóng cửa giăng dây, thi thoảng mới có vài khách sạn mở hé cửa, nhân viên ngồi lướt điện thoại giữ nhà. Tầm 16 giờ chiều, đường sá vắng ngắt, không một tiếng xe qua.

Các khách sạn Đà Nẵng không thể hoạt động lại khi du khách vẫn chưa có dấu hiệu trở lại.

Một số nhà môi giới bất động sản hoạt động tại khu vực này chia sẻ, ngay từ đầu mùa dịch Covid-19, họ đã tiên liệu những khó khăn sẽ ập tới cho các nhà đầu tư bất động sản ở đây. Song họ không tưởng tượng được thực tế lại bị đẩy đến mức này.

Rất nhiều chủ doanh nghiệp sở hữu các nhà hàng, khách sạn dọc bờ biển Sơn Trà từ chỗ rao nhượng địa điểm kinh doanh một cách dè dặt vì sợ tai tiếng, đã đến mức không thể “gồng” nổi, phải lên tiếng nhờ môi giới hỗ trợ bán tài sản đi.

“Có khách sạn mới hoạt động vài tháng, giá dự tính sẽ phải đến 50 tỉ đồng, giờ đang rao bán 40 tỉ đồng mà chẳng một ai quan tâm”, anh X. H, một môi giới các sàn tại Sơn Trà cho biết.

Sẽ còn khốn khó

Anh Lê Nguyễn Quốc V., chuyên viên tư vấn tài chính bất động sản Đà Nẵng, cho biết tình cảnh khốn khó của bất động sản Đà Nẵng nói chung và bất động sản du lịch nói riêng đã được dự báo mấy năm qua.

Từ năm 2011, phân khúc này đã có đợt suy thoái nặng, đến năm 2014 thì “xuống đáy và lên lại”. Nhờ chính sách ưu tiên phát triển du lịch của địa phương, dòng du khách đổ về ngày càng lớn đã tạo cho Đà Nẵng một diện mạo hấp dẫn về cơ hội sở hữu bất động sản du lịch.

Thế là từ năm 2015, lĩnh vực bất động sản du lịch bùng nổ, các nhà đầu tư đua nhau tìm cơ hội sở hữu các lô đất vàng ven biển, đẩy giá giao dịch lên cao.

“Họ quên là khi giá giao dịch vượt các giá trị khác như chứng khoán, giá vàng, thị trường sẽ chững lại. Nhất là khi so giá đầu tư nhà đất với giá trị khai thác thương mại tại chỗ quá chênh lệch, người ta sẽ không đầu tư nữa. Từ tháng 3-2019, đất Đà Nẵng bắt đầu chững lại, tôi và một số người đã cảnh báo nhưng không ai để ý. Đến khi dịch bệnh xảy ra, du khách không còn đến, các khoản vay trở nên nóng, các nhà đầu tư buộc phải bán tháo thì đã muộn”, anh V phân tích như vậy.

Hiện tượng bất động sản du lịch Đà Nẵng lao dốc do ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh là có, nhưng gốc rễ lại liên quan đến việc tính toán thiếu chính xác của các nhà đầu tư.

Khi các nguồn vay từ bên ngoài bị đứng, nội tại hoạt động kinh doanh của các dự án đầu tư không có áp lực kiệt quệ tài chính sẽ xảy ra.

Suy tính của các nhà tư vấn cho thấy, khả quan nhất cũng phải qua hết quý 2/2021, du lịch Đà Nẵng mới khôi phục trở lại. Các chỉ số giao dịch bất động sản liên quan muốn “ấm lại” phải cần 2 năm nữa.

Đây sẽ là thách thức quá lớn với các nhà đầu tư không có thực lực tài chính, và bất động sản du lịch Đà Nẵng sẽ còn suy kiệt trong thời gian tới.

  • Bán tháo bất động sản Đà Nẵng

    Bán tháo bất động sản Đà Nẵng

    Theo ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo bất động sản, dịch Covid lần 2 đã làm thị trường bất động sản Đà Nẵng thêm "rung lắc dữ dội", giá bất động sản tiếp tục giảm sâu và xuất hiện tình trạng bán tháo từ các nhà đầu tư.

Nhạc Duy Hạ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.