Chưa có dấu hiệu khởi sắc
Cho
đến thời điểm hiện nay, thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu
khởi sắc. Nguyên nhân là do chính sách thắt chặt tín dụng, các nhà đầu
tư (cả lớn và nhỏ) không có vốn để kinh doanh. Mặt khác, thị trường bất
động sản đã bị đẩy giá lên quá cao, căn hộ rẻ nhất mặc dù ở xa trung tâm
cũng có giá trên một tỷ đồng, những người có nhu cầu nhà ở, nhưng không
đủ khả năng chi trả. Một nguyên nhân nữa là tâm lý “đám đông” nên mặt
hàng hóa nào đã ế càng ế thêm.
Ông
Nguyễn Văn San, Văn phòng nhà đất Phúc Lộc (Hà Đông, Hà Nội) cho biết:
Năm 2011, sàn này chỉ có đúng 3 giao dịch thành công, từ đó đến nay chỉ
có người đến khảo giá chứ không có người mua. Các sàn giao dịch khác ở
quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Từ Liêm, Thanh Trì... cũng trong tình trạng
tương tự. Theo nhận xét của ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Hội đồng quản
trị Công ty Bất động sản Sohovietnam: Thị trường năm 2012 chưa có dấu
hiệu khởi sắc bởi lãi suất ngân hàng vẫn còn ở mức cao… Một số nhà đầu
tư khác còn bi quan hơn khi cho rằng: Trong năm nay sẽ có không ít chủ
đầu tư phải bán đi dự án bất động sản của mình để lấy tiền trả nợ. Nếu
tình hình tiếp tục khó khăn sẽ có nhiều chủ đầu tư buộc phải cấu trúc
lại nguồn vốn do những khoản vay hồi đầu năm 2011 sẽ bị đáo hạn vào
khoảng quý 1, quý 2-2012.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Phan Thành Mai lại nhận xét khả quan hơn: Nếu chính sách của Ngân hàng Nhà nước được điều tiết theo hướng nới lỏng linh hoạt và có chọn lọc cho thị trường bất động sản, kiến nghị của các Bộ, ngành được Chính phủ thực thi... thì khả năng thị trường bất động sản sẽ có dấu hiệu phục hồi vào khoảng quý 3 hoặc quý 4-2012.
Những hệ lụy
Bất
động sản “chết” kéo theo nhiều ngành sản xuất kinh doanh khác bị đình
đốn. Theo báo cáo của ngành thép: Năm 2011, sức tiêu thụ thép xây dựng
liên tiếp giảm mạnh kể từ quý 2 khiến lượng tồn kho lên tới con số kỷ
lục, hơn 800.000 tấn. Đây là mức tồn kho lớn nhất từ trước tới nay. Sản
lượng thép tiêu thụ trong cuối năm 2011 ở mức 326.000 tấn, giảm 29% so
với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thép tiêu thụ xây dựng cả năm 2011 chỉ ở
mức 4,6 triệu tấn, giảm 5,5% so với cùng kỳ. Theo đánh giá của nhiều
chuyên gia kinh tế, năm 2012, ngành thép sẽ còn “thê thảm” hơn vì thị
trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi.
Cùng
chung số phận với ngành thép là ngành xi măng. Theo thống kê của Bộ Xây
dựng, đến cuối năm 2011, tiêu thụ toàn ngành xi măng mới đạt trên 44
triệu tấn, còn khá xa mức 55 triệu tấn mà Bộ Xây dựng dự báo từ đầu năm.
Có thể nói, chưa bao giờ ngành xi măng đối mặt với nhiều khó khăn như
hiện nay và dự báo năm 2012 còn khó khăn hơn, bởi vì hàng loạt khách
hàng là những doanh nghiệp xây dựng lớn hoạt động ở mức cầm chừng. Tiêu
thụ giảm, hiệu quả kinh doanh đạt thấp, hầu hết các dự án xi măng được
đầu tư bằng nguồn vốn vay, nên doanh nghiệp phải dồn sức để trả nợ, làm
cho tình hình càng khó khăn hơn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, có những
doanh nghiệp sản xuất xi măng cho đến nay đã nợ xấu ngân hàng hàng ngàn
tỷ đồng. Những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh như Tổng Công ty Công
nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) năm 2011 cũng bị lỗ trên 230 tỷ đồng.
Đại diện Vicem cho rằng, với tỷ suất lợi nhuận như hiện nay, doanh
nghiệp khó thuyết phục được ngân hàng cho vay vốn đầu tư sản xuất.
Hiệp
hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam (VIBCA) cho biết, hiện sản phẩm gạch ốp
lát tồn kho tại các công ty trong nước ước khoảng trên 30 triệu mét
khối, tương ứng hơn 2.000 tỷ đồng... Bên cạnh đó, nhiều nhà nhập khẩu đồ
nội thất về xây dựng cũng điêu đứng vì không tiêu thụ được sản phẩm.
Sản xuất đình đốn dẫn đến nhiều doanh nghiệp xây dựng, sản xuất xây dựng
phải “co hẹp” quy mô, làm nhiều người lao động mất việc làm. Cuộc sống
của người lao động vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn.