Thị trường bất động sản đang có những tín hiệu tốt khi số lượng giao dịch tăng lên đáng kể. Tuy vậy, Bộ trưởng bộ Xây dựng lại vừa kiến nghị Thủ tướng yêu cầu các địa phương tạm dừng cấp phép các dự án nhà thương mại sắp triển khai…

Hàng trăm dự án tạm dừng

Bộ Xây dựng vừa có đề nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới trong năm 2014.

Theo tổng hợp của bộ Xây dựng từ báo cáo của các địa phương, tính đến hết tháng 12/2013, cả nước có 4.015 dự án đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư ước tính 4.486.674 tỷ đồng. Số dự án cần phải điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp, điều chỉnh quy hoạch theo báo cáo của 52 địa phương là 455 dự án (chiếm 11,2% số lượng dự án, các dự án này nằm cả trong số các dự án được tiếp tục triển khai và trong số các dự án tạm dừng), diện tích đất khoảng 21.087 héc-ta (gần 21%), diện tích đất xây dựng nhà ở khoảng 7.793 héc-ta (trong đó, Hà Nội có 285 dự án, TP. HCM có 33 dự án).

Tại các thành phố lớn hàng loạt các dự án bất động sản đang bỏ hoang

Các dự án tạm dừng triển khai theo báo cáo của 47 địa phương là 287 dự án, có diện tích đất 14.819 héc-ta (chiếm 14,5%), diện tích đất xây dựng nhà ở khoảng 4.395 héc-ta (chiếm 12,9%). Còn 470 dự án, với tổng diện tích đất khoảng 6.983 héc-ta, là những dự án đã hoàn thành, hoặc chưa có báo cáo, các địa phương đang tiếp tục cập nhật số liệu báo cáo bổ sung

Trước tình trạng các chủ đầu tư đăng ký mà không tiếp tục triển khai, Bộ trưởng Dũng đưa ra giải pháp đối với các dự án đã giải phóng mặt bằng, nhưng không phù hợp với nhu cầu và kế hoạch phát triển của địa phương thì tạm thời điều chỉnh mục đích sử dụng đất có thời hạn và cho phép chủ đầu tư tổ chức khai thác kinh doanh tạm, chuyển mục đích tạm thời như bãi đỗ xe, kho tàng...

“Không để đất trống và chỉ đầu tư tiếp khi được cấp có thẩm quyền cho phép”, Bộ trưởng Dũng nhận mạnh.

Xin dự án ồ ạt rồi bỏ hoang: Chẳng ai chịu trách nhiệm!

Theo bộ Xây dựng thì nguyên nhân chủ yếu khiến các dự án tạm dừng là do chủ đầu tư không huy động được thêm nguồn vốn để triển khai tiếp.

Ngoài nguyên nhân thiếu các chủ đầu tư thiếu vốn thì một phần nguyên nhân khiến hàng trăm các dự án phải tạm dừng là do nguồn cung quá lớn ở thời điểm hiện tại và cơ cấu căn hộ trên thị trường đang có sự thay đổi rõ rệt. Theo bộ Xây dựng thì số lượng giao dịch thành công chủ yếu trong thời gian qua rơi vào phân khúc nhà bình dân với giá dao động dưới 20 triệu đồng/m2 và nhà xã hội, còn số lượng lớn hàng tồn tập trung vào phân khúc bất động sản cao cấp và đất nền.

Tuy nhiên, theo lý giải của Thứ trưởng bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thì nguyên nhân khiến các dự án phải tạm dừng rồi bỏ hoang là bởi dự án nhà ở phát triển ở các địa phương không có kế hoạch. Thứ trưởng Nam nói: “Từ xưa đến nay trong luật của mình, trong các văn bản của mình đều bảo dự án này dự án kia đều bảo phát triển theo quy hoạch, chả ai nói đến kế hoạch cả. Nói cách khác, trong quy hoạch của mình không có trục thời gian. Đáng nhẽ, năm nay cấp từng này, năm sau cấp từng này, đến năm 2030 cấp thêm chút nữa. Cấp từng giai đoạn, để tương ứng với cầu. Đằng này có bao nhiêu là cấp hết.”

Đặt vấn đề hàng trăm các dự án phải tạm dừng do thiếu vốn khiến hàng nghìn ha đất bỏ hoang gây lãng phí lớn, trong một lần trao đổi với PV, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) cho rằng khi phân cấp cho các địa phương được cấp phép dự án thì rất khó quản lý. Ông Võ nói để sự việc xảy ra như vậy thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về người đứng đầu các địa phương, là Chủ tịch UBND các tỉnh. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa thấy ai chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Nói rõ hơn về việc khó quản lý và không có địa chỉ trách nhiệm cụ thể đối với các dự án bỏ hoang, ông Võ nêu ví dụ: “Thời tôi còn làm ở bộ TNMT, tôi có gửi văn bản xuống các địa phương yêu nếu cấp đất cho dự án nào thì báo cáo lại để bộ còn nắm được, tuy nhiên chẳng nơi nào báo cáo lại.”

Thông Chí (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.