Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo bất động sản Đà Nẵng, cho rằng đây là hậu quả sau một thời gian dài, thị trường diễn biến giá quá nhanh mà lại thiếu kiểm soát. Cho đến nay, chênh lệch giữa giá thị trường với giá trị thực của bất động sản địa phương đã quá lớn, gây hoang mang cho chính những người đã góp phần tạo ra những dòng chảy thông tin như thế!
Thị trường... tự dắt nhau đi?
Đánh giá của giới kinh doanh cho thấy, trong vòng hai năm lại đây, bất động sản Đà Nẵng đã nhanh chóng trở thành điểm nóng thị trường khu vực miền Trung, nếu không muốn nói là cả nước. Địa phương này, cùng một số khu vực phụ cận, đặc biệt là huyện Điện Bàn (Quảng Nam) nhanh chóng hình thành nhiều dự án đất nền, được nhiều nhà đầu tư tập trung khai thác.
Nhờ lợi thế cận biển, giáp vùng nông thôn đang trên đà đô thị hóa, khu vực này mau chóng thu hút sự quan tâm của những nhà đầu tư trực tiếp. Tỷ lệ thành công trong giao dịch tăng nhanh kèm mức giá không ngừng tăng tiến.
Dao động giá đất đang khiến thị trường bất động sản Đà Nẵng biến động không ngừng.
Năm 2018 là năm ghi nhận những biến động mạnh mẽ của thị trường địa ốc tại đây, với mức tăng giá đến 200% ở những dự án vùng ven, tiếp giáp giữa Đà Nẵng và Quảng Nam. Một số khu vực đặc biệt được chú ý, như đô thị nam Hòa Xuân (Cẩm Lệ, Đà Nẵng), trục tây bắc Liên Chiểu (Đà Nẵng), giá đất trong vòng vài tháng đã tăng đến hơn 300%.
“Dòng đầu tư chủ yếu từ các nơi đổ về Đà Nẵng, nhất là từ Hà Nội. Với tâm lý chung là chấp nhận mức giá tăng, không nề hà dù chưa sinh lợi nhuận ngay, đã khiến giá đất tăng “phi mã”. Người bán người mua đều nhận thấy cơ hội lợi nhuận tăng nhanh, càng khiến họ đua vào vòng giao dịch, nhiều dự án đúng nghĩa lướt sóng thị trường, chỉ sau một đêm đã có thể tăng vài trăm triệu đồng/lô đất nền”. Ông Lập nhìn nhận như vậy.
Điểm nguy hiểm theo ông Lập, cùng một số nhà môi giới khác, là tốc độ nóng nhanh của thị trường đã làm nảy sinh tâm lý đầu tư phiêu lưu theo dự án, bất chấp tỷ lệ chênh lệch giá thị trường là bất hợp lý. Một số dự án chưa được cấp đủ các thủ tục pháp lý, thậm chí mới chỉ trên bản vẽ, đã được đưa ra rao bán, nhận cọc, đặt giao dịch.
Nhiều người mua nóng vội chớp cơ hội còn chấp nhận mua đất chỉ qua hợp đồng đặt cọc. “Thị trường nóng đã làm nhà đầu tư bị dẫn theo, có thể nói là giá đất tự dắt nhau đi”, đại diện sàn giao dịch FirstReal (Đà Nẵng) nhận xét.
Thận trọng hay là... chết?
Hệ lụy thị trường đến nay đã bắt đầu diễn ra, khi cuối năm 2018, có thông tin tỉnh Quảng Nam dừng triển khai gần 300 dự án đất nền tiệm cận Đà Nẵng. Hàng ngàn lô đất bán trao tay, chưa đủ thủ tục pháp lý bị dừng giao dịch, khiến đông đảo nhà đầu tư nhao nhác.
Sự kiện ngày 17/01/2019, hàng trăm người tụ tập tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại Bách Đạt (Bách Đạt Corp – Đà Nẵng) để đòi quyền lợi liên quan các dự án khai thác đất nền giáp giới Đà Nẵng – Điện Bàn, là một minh chứng. Doanh nghiệp này, cùng đơn vị phân phối là Công ty cổ phần dịch vụ bất động sản Hoàng Nhất Nam đã nhận cọc người mua đến 95%, song vì dự án chưa đủ thủ tục, chưa giao đất... nên phải dừng hủy giao dịch, gây phẫn nộ ồn ào từ các nhà đầu tư.
Dự án khai thác "đất ma" Nam Cẩm Lệ đã bị cơ quan chức năng vào cuộc khởi tố điều tra.
Mới đây nhất, công an thành phố Đà Nẵng cũng phải vào cuộc, khởi tố điều tra vụ việc dự án “đất ma” Nam Cẩm Lệ của công ty cổ phần đầu tư và phát triển Quảng Đà (Đà Nẵng). Dự án này đã lợi dụng những thông tin thiếu kiểm chứng để tạo dựng giao dịch giả với người mua về các lô đất đang do chính quyền địa phương quản lý. Việc mạo nhận này đã làm hàng trăm nhà đầu tư lẻ “sập bẫy”, buộc họ phải tố cáo đến cơ quan chức năng.
Theo ông Lập, giá bất động sản Đà Nẵng vẫn chưa đến đỉnh điểm khai thác và sẽ vẫn tăng trong tương lai. Nhưng để đánh giá đây là thị trường “chỉ có thắng” thì không đủ điều kiện hội tụ, bởi mức chênh lệch giá thị trường và các điều kiện hạ tầng, dân sinh đi cùng còn quá lớn. Hơn nữa, tâm lý lướt sóng thị trường, vấn đề cò mồi “thổi giá”, tạo giao dịch ảo vẫn đang diễn ra phổ biến, nên nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng.
“Đà Nẵng sẽ cần giữ giá bất động sản trong năm 2019, ghìm lại mới mong không xảy ra nổ bong bóng. Điều này khó xử lý nhưng cần thiết phải làm. Còn làm như thế nào, thì nhà đầu tư cùng nhà quản lý phải có cách ứng xử hợp lý. Thận trọng hay là chết, là lựa chọn của giới đầu tư bất động sản Đà Nẵng hiện nay”. Ông Lập chia sẻ như vậy.
Để giải mở câu hỏi này, CafeLand sẽ tiếp tục có những ghi nhận sau.
-
Xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững
UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành văn bản số 154/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Đà Nẵng - Thành phố đổi mới sáng tạo”.
-
Đà Nẵng sắp đón dòng vốn hơn 5.500 tỷ
Ngày 17/1, tại Diễn đàn các thành phố hữu nghị và hợp tác do TP.Đà Nẵng tổ chức, lãnh đạo thành phố đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án lớn với tổng vốn đầu tư hơn 220 triệu USD, tương đương hơn 5.500 tỷ đồng....
-
Một công ty bất động sản ở Đà Nẵng mang 43% tổng tài sản đi đầu tư chứng khoán
Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng (mã chứng khoán: NDN) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2024 và giải trình biến động doanh thu, lợi nhuận so với quý IV/2023.