Olalani Riverside Towers được coi là dự án tiên phong trong hoạt động M&A của BĐS Đà Nẵng trong giai đoạn khó khăn của thị trường. Đây là dự án có vị trí khá đắc địa, nằm ngay bên bờ Đông của sông Hàn, gần trung tâm thành phố, tổng vốn đầu tư 45 triệu USD của Công ty Mỹ Phát.
Dự án Olalani Riverside Towers đã thay tên, đổi chủ nhiều lần
Sau đó, được chuyển nhượng cho Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC trước đây). Và mới đây, công trình lại một lần nữa được sang tên, đổi chủ cho Tập đoàn Sun Group. Trước mắt, một phần của dự án chuyển đổi thành trung tâm thể thao của tập đoàn này.
Không chỉ những dự án mà chủ đầu tư khó khăn về tài chính, không triển khai được mới phải sang nhượng, ngay những dự án đã đi vào hoạt động cũng vậy, mà trường hợp điển hình là Pullman Danang Beach Resort. Trước đây, dự án này có tên Lifestyle Resort Danang, thuộc sở hữu của một nhóm các nhà đầu tư trong nước.
Nhưng sau đó, dự án được nhượng lại cho Tập đoàn Sun Group. Vào tháng 4/2013, chủ đầu tư mới đã tổ chức lễ công bố đổi tên từ Lifestyle Resort Danang thành Pullman Danang Beach Resort…
Cũng lặng lẽ chuyển chủ, nhưng các hoạt động M&A ở phân khúc đất nền giá rẻ hay căn hộ ở Đà Nẵng ít được chú ý hơn. Đơn cử như tại CTCP Đất Xanh miền Trung, ít người biết từ đầu năm 2013 đến nay, công ty này đã mua lại hai dự án của các đối tác là dự án Khu phố chợ Điện Ngọc và dự án Ngân Câu - Ngân Giang với giá trị khoảng 70 tỷ đồng.
Chủ đầu tư mới cam kết hoàn tất dự án, rồi bán sản phẩm ra thị trường. Đại diện công ty cho biết, đến nay công ty vẫn liên tục nhận được lời đề nghị hợp tác mới, hoặc chào bán dự án đất nền giá rẻ, căn hộ trên địa bàn.
Trong thực tế, những vụ chuyển nhượng hay sáp nhập trên mới chỉ là bề nổi của vấn đề. Bởi, các dự án đã hoàn thiện xong hạ tầng mới được triển khai việc chuyển nhượng. Đối với những dự án còn “án binh bất động”, theo quy định, muốn chuyển nhượng thì chủ đầu tư phải trả dự án về cho cơ quan quản lý Nhà nước để tổ chức đấu thầu lại.
Do vậy, đối với những dự án này, các bên vẫn âm thầm sang nhượng “trong vòng bí mật”. Điều này tạo nên những cơn “sóng ngầm” khó lường cho thị trường BĐS Đà Nẵng.
Ông Lê Minh Phúc, Tổng giám đốc VinaCapital Đà Nẵng cho rằng, M&A mang lại rất nhiều lợi ích cho các bên. Đối với bên bán, việc mua bán sáp nhập là lối thoát cho nhiều chủ đầu tư, nếu không muốn phá sản. Hoặc, họ chấp nhận bán bớt một số dự án trong danh mục đầu tư của mình để có thể tiếp tục nuôi những dự án còn lại…
Về phía người mua, việc mua lại các dự án đã có đầy đủ văn bản pháp lý, hồ sơ đất đai, giấy phép đầu tư… giúp tránh được khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, “né” được những phức tạp trong thủ tục cấp phép, hành chính rườm rà. Nếu người mua là các đối tác nước ngoài thì còn góp phần thu hút vốn FDI cho địa phương…
Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên thông tin của các vụ mua bán hay sáp nhập BĐS ở Đà Nẵng cũng như nhiều nơi khác thường ít được công bố rộng rãi. Đối với mỗi dự án, nếu sang tên, đổi chủ thành công cũng mất ít nhất khoảng 1 đến 2 tháng, thậm chí có trường hợp lên đến cả năm. Trong khoảng thời gian này, mọi công việc để triển khai dự án hầu như dậm chân tại chỗ.
Hệ lụy của việc dự án chậm tiến độ là khách hàng phải chờ đợi thêm thời gian mới được bàn giao tài sản. Ngoài ra, thủ tục chuyển nhượng các phi vụ “thế chân” này cũng khá phức tạp. Để thuận tiện, cả bên bán lẫn bên mua đều phải mất thêm một khoản kinh phí khi phải nhờ sự trợ giúp các công ty tư vấn chuyên nghiệp. Số kinh phí này tiếp tục được tính vào giá thành sản phẩm và các “thượng đế”, những người sử dụng BĐS có thể sẽ phải gánh chịu.