Theo một số chuyên gia, thị trường bất động sản Đà Nẵng đã có giao dịch trở lại, giá tăng nhẹ chứ chưa có gì gọi là "sốt".

"Cò" tung tin "sốt" đất

Sau Tết Nguyên đán, sàn giao dịch bất động sản ở Đà Nẵng đã mở cửa hoạt động trở lại. Trên các trang bất động sản, đất nền được "cò" đất rao bán cao hơn so với trước Tết khoảng 100 triệu đồng/lô. Một số người còn loan tin thị trường bất động sản Đà Nẵng đang "sốt" trở lại.

Tuy nhiên, theo chị Ngọc, một nhân viên môi giới bất động sản tại Đà Nẵng, thông tin trên do một số người "vẽ" ra để tạo "sốt" ảo. Thực chất, thị trường địa ốc Đà Nẵng vẫn còn trầm lắng.

Phân khúc đất nền ở Đà Nẵng đã có những giao dịch so với trước Tết nhưng chưa có gì gọi là "sốt" (Ảnh: Khánh Hồng).

"Có người mua nhưng là những người thực sự có nhu cầu về nhà ở còn giới đầu tư thời điểm này không có. Thị trường bất động sản phụ thuộc vào du lịch mà du lịch đang ảm đạm thế làm sao đất "sốt" được", chị Ngọc nói.

Anh Hùng, một nhân viên môi giới bất động sản, cho biết, thực tế, đã có những giao dịch mà người mua chủ yếu là những người có nhu cầu nhà ở, giá đất cũng tăng khoảng 5% so với trước Tết.

"Những khu vực có giao dịch như khu Nam Hòa Xuân, Nam Cẩm Lệ…, còn những khu vực khác vẫn chưa có chuyển biến", anh Hùng nói.

Theo một chuyên gia bất động sản, khu vực phía Nam Đà Nẵng đã có giao dịch, giá tăng không nhiều nhưng có bán được. "Trước đây không có giao dịch, bây giờ đã có giao dịch nhưng lai rai. Người mua là những người có nhu cầu thật sự về nhà ở. Còn nói "sốt" thì chưa có gì gọi là "sốt" cả", vị chuyên gia này cho hay.

Cơ hội cho nhà đầu tư có vốn nhàn rỗi

Vị chuyên gia trên cũng cho biết, giá đất hiện tại của Đà Nẵng đã giảm nhiều so với trước đây và khó mà giảm nữa.

"Đầu năm đến nay, Đà Nẵng có nhiều thông tin vĩ mô tốt như đang thu hút đầu tư các dự án lớn, sẽ được quy hoạch trở thành thành phố đặc biệt của Việt Nam… Đây là những tín hiệu cực tích cho thị trường bất động sản sớm phục hồi trở lại. Khi hết dịch bệnh, du lịch ổn định trở lại, đất Đà Nẵng sẽ lên", vị chuyên gia nói.

Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản, cho biết, ở chu kỳ vừa qua, thị trường bất động sản Đà Nẵng đạt đỉnh vào tháng 3/2019, sau đó nhanh chóng suy giảm và đóng băng đến nay đã được gần 2 năm.

Ở phân khúc đất nền, giá về vùng đáy khoảng sau tháng 4/2020, lượng giao dịch ngưng trệ hoàn toàn, thị trường duy trì trạng thái "đóng băng", giá cả giảm 30% đến 50% so với đỉnh điểm tùy theo từng khu vực. Việc duy trì giá thấp kỷ lục đó kéo dài suốt năm 2020. Cuối năm 2020 thì lượng giao dịch tăng trở lại nhưng vẫn chưa đáng kể.

Hiện nay, giá đất nền tại khu vực dự án gần trung tâm, tỷ lệ lấp đầy dân cư tốt đang được chào bán tăng lại 5 - 7% so với cuối năm 2020, lượng giao dịch có tăng hơn. Còn lại, nhiều dự án vẫn chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn so với cuối năm 2020.

"Dịch bệnh là ẩn số khó đoán và ảnh hưởng rất mạnh đến tâm lý và trạng thái của thị trường. Nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 được khống chế, thị trường đất nền Đà Nẵng sẽ đi vào giai đoạn phục hồi trở lại", ông Lập nói.

Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ sớm phục hồi khi hết dịch bệnh, du lịch hoạt động trở lại (Ảnh: Khánh Hồng).

Theo ông Lập, đây là cơ hội mua vào cho những nhà đầu tư có nguồn vốn nhàn rỗi tham gia vào thị trường với định hướng đầu tư trung và dài hạn. Thời điểm này cũng thích hợp cho người dân có nhu cầu an cư tìm kiếm cho mình một chỗ ở với nhiều sự lựa chọn tốt.

Dù thế, những người mua cần hỗ trợ thêm tài chính từ nguồn vốn vay cần cân nhắc kỹ khả năng thu nhập để chi trả định kỳ cho ngân hàng bởi tác động của dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn và khó đoán. Giới chuyên gia khuyến cáo, mức vay mua bất động sản không nên quá 50% giá trị tài sản và mức chi trả cũng không nên vượt quá 50% nguồn thu tích lũy hàng tháng để đảm bảo an toàn cho khoản vay.

  • Đà Nẵng cảnh báo “sóng đất” ảo

    Đà Nẵng cảnh báo “sóng đất” ảo

    CafeLand - Mới đây, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã có công văn nhắc nhở cơ quan thông tấn báo chí lưu ý tình hình bất động sản địa phương trước thực trạng ngày càng có nhiều cá nhân, tổ chức môi giới bất động sản tung tin thất thiệt về hoạt động quản lý, khai thác đất đai.

Khánh Hồng (Dân Trí)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.