CafeLand - Một cách ý vị, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng lưu ý các nhà báo không nên đưa quá đậm về các thông tin liên quan đến dự án làm hầm đường bộ chui qua sông Hàn, mà địa phương vừa đánh giá xem xét tính khả thi trong hôm qua 22/12/2015.

Lý do được ông Thơ đưa ra, là dự án hầm đường bộ này liên quan đến giải pháp xử lý ách tắc về hạ tầng giao thông trong tương lai gần của Đà Nẵng, đặc biệt ở khu vực trung tâm và khu vực vịnh Đà Nẵng. Cả một khoảnh đất lớn ở đây sẽ được đánh thức thật sự khi dự án khởi động.

Điểm nối thiết yếu

Mô tả của Sở Xây dựng Đà Nẵng cho thấy, dự án hầm đường bộ qua sông Hàn sẽ là điểm nối, giúp tăng giá trị khai thác khu vực đất từ vịnh Đà Nẵng đến khu trung tâm bán đảo Sơn Trà.

​Dự án hầm đường bộ qua sông Hàn sẽ giúp nối gần hơn đô thị Đà Nẵng cũ với bán đảo Sơn Trà

Khu vực này, liên kết từ vùng Tây Bắc thành phố (quận Liên Chiểu) qua trục đô thị mới giữa Hòa Minh – Hòa Khánh, xuống vùng Thanh Bình – Thuận Phước, qua cầu Thuận Phước vượt sông Hàn, nối với các phường trung tâm quận Sơn Trà gồm Nại Hiên Đông, Mân Thái, Thọ Quang, đến tận đường Võ Nguyên Giáp và Hoàng Sa.

Trước đây, ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã vạch kế hoạch khai thác vùng này như một cách phát triển vịnh Đà Nẵng, nhờ tuyến đường Nguyễn Tất Thành ven vịnh và tuyến Hoàng Sa – Trường Sa ven bờ Đông bán đảo. Cầu Thuận Phước là nơi gắn kết Đà Nẵng với Sơn Trà, mở ra một cơ hội lớn cho bất động sản từ vịnh Đà Nẵng đến vũng Thọ Quang.

Tuy nhiên, do địa thế bất lợi, trục Nguyễn Tất Thành hướng Bắc – Tây Bắc nên khó khai thác đất, các dự án đầu tư ở Thanh Bình – Thuận Phước bị ách tắc khi triển khai vì khủng hoảng kinh tế, và nhất là cầu Thuận Phước không thuận tiện để người dân đi lại, nên mười mấy năm qua, vùng đất này vẫn trục trặc tiến độ khai thác.

Do đó, nếu có thể tạo điều kiện kết nối tốt hơn giữa 2 vùng đất, bằng một dự án giao thông vừa phục vụ nhu cầu dân sinh, vừa giúp giảm gánh nặng vận tải hàng hóa từ bên ngoài vào trục xuyên tâm Đà Nẵng để đi sang cảng Tiên Sa, ngược lên Quốc lộ 14B, thì cả khu vực từ vịnh Đà Nẵng sang vũng Thọ Quang, tiếp nối với bờ Đông Sơn Trà, sẽ có thể “thức tỉnh”.

Dự án hầm đường bộ qua sông Hàn chính là điểm liên kết cần thiết đó.

Sẵn sàng thực thi!

Hàng loạt dự án đầu tư khu chung cư, phố liền kề đang mọc lên trong vùng quy hoạch hầm đường bộ qua sông Hàn

Các cơ quan tham mưu và tư vấn ở Đà Nẵng đã đệ trình chính quyền xem xét việc chọn lựa hầm đường bộ qua sông Hàn, với vị trí nối từ trục đường Đống Đa (Hải Châu) qua đường Vân Đồn (Sơn Trà). Đây sẽ là một đường nối liền mới nằm giữa 2 chiếc cầu Thuận Phước và Sông Hàn, là khu vực trung tâm trọng yếu của đô thị Đà Nẵng.

Hai đầu đường hầm, là các khu đô thị mới đang phát triển, là một bên vịnh Đà Nẵng đang tái khôi phục lại các dự án đầu tư đô thị Mặt Trăng Xanh, khu du lịch Xuân Thiều... và một bên là vùng chân núi Sơn Trà đầy tiềm năng du lịch sinh thái. Hiện nay, chỉ riêng ở khu vực các phường Mân Thái, Thọ Quang, đã có hàng loạt dự án đất nền, nhà liền kề, khu chung cư được các nhà đầu tư quan tâm “cắm sổ” chờ cơ hội.

Không chỉ có cơ hội bất động sản du lịch ven bờ đông Sơn Trà được thúc đẩy thêm mà hệ thống các kho ngoại quan, dịch vụ đầu tư hỗ trợ cảng biển Tiên Sa, cảng nội thị Sông Hàn cũng được củng cố. Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang nằm ngay tại vị thế này, được đánh giá cao với rất nhiều dự án đầu tư sản xuất vốn FDI đang nhắm vào.

Hơn nữa, người dân từ Bắc Đà Nẵng theo đường Nguyễn Tất Thành có thể sang Sơn Trà một cách thuận tiện hơn, và hàng loạt khu dân cư ở chân núi Sơn Trà vì thế sẽ nhanh chóng phát triển trên nguyên tắc di dân cơ học.

Ông Huỳnh Đức Thơ nhìn nhận, một dự án giao thông có ý nghĩa như vậy, nhất định sẽ gây ra một “bão đầu tư mới” cho bất động sản Đà Nẵng trong nay mai. Vì vậy, chính quyền đã quan tâm và sẽ dốc sức cho dự án đi vào xúc tiến hiệu quả.

Theo thiết kế, hầm đường bộ qua sông Hàn sẽ có vốn đầu tư khoảng 3.094 tỷ đồng, gồm 2 đoạn hầm chui kín qua sông và hở nối liền các tuyến giao thông sẵn có, rộng 6 làn xe cùng nhiều hạng mục phụ trợ tích cực. Thời gian thi công khoảng 24 tháng, nếu xúc tiến ngay trong năm 2016, thì chậm nhất đến năm 2022 sẽ xong.

“Tôi nghĩ là từ đây đến đó, thành phố có thể phát động các chủ trương vận động đầu tư, thu hút các nhà đầu tư bất động sản quan tâm vào địa thế khu vực chân núi Sơn Trà, vùng trung tâm quận, rồi khu vực Thuận Phước. Cơ hội kinh doanh bất động sản nơi này, vì thế sẽ rất lớn”. Ông Thơ chia sẻ.

Nhạc Duy Hạ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.