Trong khi nhiều nhà đầu tư đang tìm cách khỏi các homestay và farmstay tại Đà Lạt do không có khách thì nhiều người vẫn đổ xô săn lùng đất tại thành phố sương mù này.

Như CafeLand đã thông tin, làn sóng các nhà đầu tư rao bán, sang nhượng homestay và farmstay tại Đà Lạt nở rộ trong thời gian gần đây, mặc dù Lâm Đồng đã được phép mở cửa.

Theo một số nhà đầu tư, nguyên nhân chính dẫn đến sự tháo chạy đồng loạt của các nhà đầu tư homestay và farmstay là vì du lịch Đà Lạt chủ yếu dự vào lượng khách từ TP.HCM và một số vùng lân cận. Tuy Đà Lạt mở cửa, nhưng TP.HCM vẫn hạn chế đi lại nên các chủ homestay cũng "chịu chết" vì không tìm đâu ra khách.

Nhiều nhà đầu tư đang săn lùng đất Đà Lạt, đón đầu sự trở lại của bất động sản nghỉ dưỡng

Bùi Sơn là một trong những người kinh doanh farmstay tại Đà Lạt. Anh dự báo nhanh nhất cũng phải tới nửa năm 2022 thị trường du lịch nghỉ dưỡng ở thành phố sương mù mới có thể gượng dậy.

Trong khi những người đầu tư các quán cà phê hoặc homestay tại Đà Lạt phần lớn là người trẻ, không quá mạnh về tài chính cá nhân nên không có khoảng dự phòng lớn cho dịch kéo dài.

"Chúng tôi làm mô hình glamping (kiểu mô hình kết hợp giữa camping và glamorous – du lịch cắm trại sang chảnh - PV). Tổng giá trị đầu tư mọi thứ tầm 2 tỉ đồng. Chúng tôi có ba người, mỗi người góp một ít, chủ yếu là tiền tích lũy cá nhân và vay ngân hàng. Giờ mỗi sáng mở mắt ra là tôi phải chịu mất 400 ngàn tiền lãi", anh Sơn cho biết.

Anh Sơn cho rằng sang nhượng ở thời điểm hiện tại sẽ giúp chủ đầu tư giải quyết được nhiều vấn đề về chi phí. Đa phần dân đầu tư homestay trên Đà Lạt là người trẻ, tài chính không dồi dào, mùa dịch lại không kinh doanh gì để dự phòng được. Sang nhượng homestay là cách họ xoay vòng vốn, chuyển hướng kinh doanh cầm cự, đỡ phải mất thêm khoản tiền bù lỗ.

Tuy nhiên, trong lúc nhiều người rao bán, sang nhượng homestay và farmstay, thị trường bất động sản Đà Lạt lại có dấu hiệu "sốt đất" nhẹ, xuất hiện nhiều nhà đầu tư săn lùng bất động sản.

Một người kinh doanh tự do tên Ngọc cho biết anh có khoảng 20 tỉ đồng và đang có ý định lên Đà Lạt mua đất. Mục đích của anh trước hết là kiếm nơi tận hưởng cuộc sống về già, sau là đầu tư sinh lời.

"Tôi thấy Đà Lạt mở cửa lại, đầu tư từ giờ là vừa rồi, với lại mục đích chính của tôi là mua để ở. Còn chuyện đầu tư thì trong vòng năm sau, du lịch khôi phục lại, đó là thời điểm bung tiền", anh Ngọc phân tích.

Trong khi đó, Sơn cho biết nhiều nhà đầu tư đã liên hệ với anh để thương lượng giá cả homestay, thậm chí nhờ kiếm giúp những lô đất đang bán.

"Giá đất Đà Lạt hiện tại khu vực bình thường cũng đã 3 tỉ đồng/1.000m2. Gần ngang giá một số khu vực ở TP.HCM. Thậm chí những nơi được xem là đắc địa, trung tâm Đà Lạt hiện tại có giá 7 – 10 tỉ đồng cho 1.000m2 đất" – Sơn tiết lộ.

Mặc dù đang có làn sóng nhà đầu tư săn lùng dự án, nhưng giao dịch thực tế cho đến thời điểm này là chưa lớn. Tất cả cũng đang dừng ở mức thăm dò thị trường.

Theo một số chuyên gia, việc nhiều nhà đầu tư đổ xô săn lùng nhà đất Đà Lạt là điều không lạ, khi TP.HCM đang hé cửa trở lại và xây dựng lộ trình khôi phục kinh tế. Dòng tiền nhàn rỗi của nhiều nhà đầu tư vẫn còn, và đây là lúc thích hợp để đón đầu thị trường trước khi du lịch khôi phục lại hoàn toàn và Đà Lạt sẽ tiếp đón lượng khách tham quan lớn.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo nhà đầu tư không nên lao vào đầu tư đất khi chưa tìm hiểu rõ thị trường, chưa chuẩn bị đủ kiến thức và tầm nhìn.

Giới chuyên môn dự đoán thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ khởi sắc vào nửa cuối năm 2022. Từ đây đến thời điểm đó còn cả một khoảng thời gian dài, nhà đầu tư cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng để tránh bị "chôn" vốn.

  • Dân đầu tư homestay, farmstay tháo chạy khỏi Đà Lạt

    Dân đầu tư homestay, farmstay tháo chạy khỏi Đà Lạt

    Đà Lạt từng là thủ phủ mơ ước của dân đầu tư loại hình homestay, farmstay vì là một trong những địa điểm hấp dẫn thu hút khách du lịch bậc nhất. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến “thời thế” thay đổi, nhiều nhà đầu tư homestay đang tìm cách tháo chạy khỏi thành phố ngàn hoa.

Liên Thượng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.