Thị trường bất động sản đang dần phục hồi
Những tín hiệu tích cực
Tại buổi toạ đàm Nhận diện thị trường Bất động sản cuối năm 2024, đầu năm 2025 vừa được tổ chức tại TP.HCM, chuyên gia bất động sản Võ Hồng Thắng cho biết, thị trường nhà đất đã có dấu hiệu tích cực trong quý III năm nay.
Theo đó, đã có 18.000 sản phẩm đã được đưa ra thị trường, sản lượng tiêu thụ cũng tăng đáng kể ở phân khúc nhà ở vừa túi tiền.
Đặc biệt, tại TPHCM, căn hộ có giá dưới 60 triệu đồng/m² và đất nền tại các tỉnh giáp ranh như Bình Dương với mức giá khoảng 30 triệu đồng/m² đang được quan tâm nhiều. Phân khúc căn hộ thứ cấp cũng ghi nhận sự sôi động, khi giá giao dịch tăng từ 5-9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, ông Thắng cho biết, thị trường đất nền đã cung cấp hơn 9.000 sản phẩm trong quý III, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Ông cũng dự báo, “Đất nền có pháp lý rõ ràng và đất thổ cư tại các khu đô thị có dân cư hiện hữu sẽ tiếp tục khan hiếm, với tỷ lệ tiêu thụ tăng hơn 30%”.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM nhấn mạnh rằng, thị trường bất động sản TPHCM đã thoát khỏi vùng đáy khó khăn nhất, nhưng vẫn đối diện nhiều thử thách.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2024, thị trường đã có mức tăng trưởng khoảng 6-7%, cho thấy sự phục hồi rõ rệt. Tuy nhiên, nguồn cung nhà ở vẫn còn rất hạn chế, với chỉ 9 dự án mới được chấp thuận trong 8 tháng đầu năm và hầu hết là các dự án nhỏ.
Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam công bố cuối tháng 8/2024, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã có những nhận định tích cực về sự phục hồi của thị trường bất động sản Việt Nam.
Cụ thể, WB nhận định nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,1% trong năm 2024 và tăng tốc lên đến 6,5% trong các năm 2025 - 2026.
Theo WB, diễn biến thị trường bất động sản cho thấy dấu hiệu phục hồi và dự báo sẽ xoay chiều vào cuối 2024 và đầu 2025 sau khi giải quyết được tình trạng đóng băng thị trường trái phiếu doanh nghiệp và Luật Đất đai có hiệu lực.
Một dấu hiệu tích cực khác là nhiều chủ đầu tư bất động sản sau quá trình tái cơ cấu và nỗ lực đã và đang dần tìm thấy ánh sáng. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn ra mắt các dự án mới.
Trong khi đó, tâm lý của người dân vào thị trường địa ốc cũng dần quay trở lại khi nhiều dự án thông báo đã hết hàng ngay trong buổi đầu tiên mở bán.
Những lực đẩy quan trọng
Theo nhận định của các chuyên gia, dù vẫn còn không ít thử thách nhưng kỳ vọng phục hồi của thị trường bất động sản ngày càng có cơ sở.
Đặc biệt, các bộ luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động mới có hiệu lực từ ngày 1/8 đang dần thẩm thấu vào thị trường.
Chia sẻ trong một bài viết trên báo Xây dựng, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhìn nhận, các luật về bất động sản có hiệu lực đi vào thực tế đang từng bước thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bởi đóng góp từ 12-14% GDP quốc gia, việc trợ lực tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS là cho cả quá trình phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả trong quá trình thực thi, cần đẩy nhanh việc hoàn thành các nghị định hướng dẫn trên cơ sở đảm bảo nội dung chất lượng, bám sát thị trường.
Các Luật mới đang dần thẩm thấu, tác động tích cực đến thị trường nhà đất
Theo Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), khi các bộ Luật có hiệu lực thực thi, tâm lý "chờ đợi" sẽ được tháo bỏ.
Các doanh nghiệp phát triển dự án bắt đầu cuộc đua gỡ nút thắt cùng cơ quan quản lý Nhà nước. Các chủ đầu tư sẽ tự tin hơn với việc ra hàng. Nhà đầu tư được tiếp thêm niềm tin, thúc đẩy dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng chảy vào BĐS. Môi giới, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới tích cực nâng cao năng lực, tuyển quân, bồi dưỡng kiến thức, đáp ứng các quy định mới,…
VARS cho rằng, trong khoảng thời gian chờ các bộ Luật mới "ngấm", thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phục hồi chậm rãi, bền vững, với kết quả tốt dần lên.
Đến cuối năm 2024, quá trình phục hồi của thị trường BĐS sẽ có tiến triển rõ nét. Kết quả phục hồi sẽ tiếp tục phân hóa theo phân khúc và khu vực nhưng với mức độ phân hóa đồng đều hơn.
Bên cạnh tác động từ các bộ luật mới, sự phục hồi của thị trường bất động sản còn đến từ lực đẩy đầu tư công với hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm đã và đang được đầu tư trên cả nước.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ đi vào khai thác một số đoạn sau nhiều năm xây dựng
Theo báo cáo của Bộ GTVT, trong 9 tháng đầu năm 2024, đã có 7 dự án hạ tầng được hoàn thành, đưa vào khai thác. Trong đó, lĩnh vực đường bộ có 6 dự án, gồm: Cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Diễn Châu - Bãi Vọt; Dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường Vành đai 3 Hà Nội; Cải tạo, nâng cấp QL2C tỉnh Tuyên Quang; Dự án QL37 Hải Phòng giai đoạn 1; Dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã và đang đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án trọng điểm khác. Cụ thể, phía Bắc nổi bật có tuyến Vành đai 4 – Thủ Đô và các tuyến cao tốc nối Hà Nội và tỉnh thành lân cận.
Phía Nam đang là “đại công trường” với hàng loạt dự án quan trọng như cao tốc Bến Lức Long Thành, Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Biên Hòa Vũng Tàu, sân bay quốc tế Long Thành...
Nhiều dư án đang lên kế hoạch đầu tư như cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, cao Chơn Thành – Gia Nghĩa, cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, Vành đai 4 TP.HCM…
Đặc biệt, Chính phủ đang thúc đẩy các bộ ngành tích cực nghiên cứu để sớm triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có vốn đầu tư dự kiến lên đến 67 tỉ USD. Đây là dự án hạ tầng sẽ tạo ra lực đẩy toàn diện cho nền kinh tế khi được triển khai.
Siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam đang được nghiên cứu đầu tư
Tất cả những dự án này, không chỉ góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông khu vực mà còn tạo lực đẩy rất lớn cho thị trường bất động sản.
Cụ thể là mở ra mạng lưới đô thị vệ tinh, đáp ứng nhu cầu giãn dân cho các đô thị trung tâm và góp phần kéo giá nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân.
Bên cạnh tận dụng các lực đẩy trên, thị trường bất động sản trong thời gian tới cũng hướng đến sự minh bạch vài giải quyết nhiều “bài toán” nan giản. Trong đó có vấn đề lệch pha cung cầu, thiếu phân khúc bình dân, nhà ở xã hội.
Đặc biệt là ngăn chặn tình trạng thối giá, đấu giá đất “ảo” gây hệ lụy tiêu cực, khiến thị trường méo mó trong thời gian vừa qua.
Để hiểu rõ hơn bức tranh thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2024 cũng như tiềm năng cơ hội trong năm tới.
Ngày 24/10 tới đây, Network CafeLand sẽ tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Bất động sản phía Nam vượt qua thách thức và đón đầu cơ hội” tại Long Biên Palace: Số 6 Tân Sơn, Phường 12, Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia về kinh tế, đầu tư và bất động sản như:
- Ông Nguyễn Xuân Thành – Giảng viên trường đại học Fulbright
- Ông Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao bộ phận tư vấn đầu tư Savills Việt Nam
- Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt – Giám đốc bộ phận tiếp thị Nhà ở CBRE Việt Nam
- Ông Hồ Bá Tình - Quản lý cấp cao Network CafeLand
Tại hội thảo, các chuyên gia sẽ đưa ra những phân tích, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc về các vấn đề kinh tế, chính sách và tiềm năng thị trường bất động sản phía Nam trong thời gian tới.
Hội thảo có sự đồng hành của Công ty CP SetiaBecamex; Công ty CP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco); Công ty CP Tập đoàn Khải Hoàn Land; Công ty CP Bất động sản GPT.
Để biết thêm thông tin cụ thể về hội thảo, vui lòng xem thêm TẠI ĐÂY.
-
Ngày 24/10: Hội thảo "Bất động sản phía Nam vượt qua thách thức và đón đầu cơ hội"
Sáng ngày 24/10 sắp tới, sẽ diễn ra Hội thảo với chủ đề "Bất động sản phía Nam vượt qua thách thức và đón đầu cơ hội" tại Trung tâm hội nghị Tan Son Nhat Golf Course số 6 Tân Sơn, Phường 12, Gò Vấp, TP.HCM.
-
Kiều hối về TP.HCM đạt 10 tỷ USD
Nếu tính lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, tổng lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 10,039 tỷ USD, Thời báo Ngân hàng dẫn lời ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM....
-
Thủ Đức 2040: Siêu đô thị 9 phân vùng với hơn 21.000 ha
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 202/QĐ-TTg, phê duyệt đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040, với mục tiêu trở thành đô thị sáng tạo, dẫn đầu kinh tế khu vực. Quy hoạch chia Thủ Đức thành 9 phân vùng chức năng,...
-
Hàng trăm km đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM sẽ có "bước ngoặt" mới
Hà Nội và TP.HCM đang khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị.