CafeLand - "Ăn theo“ sự kiện hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn, giá nhà đất ở khu vực bờ Đông thời gian qua cứ nhảy múa liên hồi trong khi thị trường địa ốc tại Tp.HCM vẫn chưa qua thời kỳ ảm đạm. Để rõ hơn bản chất thị trường địa ốc quận 2, CafeLand đã có cuộc trao đổi với ông Trần Minh Hoàng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Việt Nam (Vinaland), người đã có thâm niên gần 10 năm trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường bất động sản tại Tp.HCM.

Bất động sản bờ Đông: Thị trường của nhà đầu tư
Ông Trần Minh Hoàng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Việt Nam (Vinaland)
Từ khi có thông tin xây dựng hầm Thủ Thiêm, giá đất khu vực quận 2 bắt đầu leo thang nhanh chóng trong khi thị trường nhà đất Tp.HCM lại ảm đạm. Tuy nhiên, mới đây, khi hầm Thủ Thiêm được hợp long, giá đất quận 2 có xu hướng giảm nhẹ từ 0,1 – 0,2% so với thời điểm trước đó. Theo ông nguyên nhân là do đâu?

Quận 2 là một khu vực có vị trí địa lý rất tốt, là khu vực đắc địa cho việc phát triển khu đô thị. Chính vì thế, khi có thông tin về hạ tầng giao thông kết nối quận 2 với các quận khác của thành phố đã thu hút nhà đầu tư vào bất động sản khu vực này. Đặc biệt, khi có thông tin xây dựng hầm Thủ Thiêm vào năm 2005 – 2006, giá nhà đất quận 2 đã tăng nhanh chóng. Hơn nữa, trong suốt quá trình xây dựng hầm Thủ Thiêm phải mất đến 6-7 năm, nên mỗi lần có thông tin liên quan thì giá lại tăng lên 1 chút. Ngoài ra, khi có thông tin xây dựng hầm, nhà đầu tư cũng đã đón đầu trước và nắm bắt cơ hội đẩy giá lên cao.

Tuy nhiên, trong năm nay, thị trường bất động sản khá ảm đạm do gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, tiền tệ rất lớn. Do đó, dù hầm Thủ Thiêm có được thông xe hay những thông tin xây dựng cầu đường vẫn không đủ sức làm “vực” dậy lòng tin, giúp vượt qua những bi quan về tài chính.


Có ý kiến cho rằng, giá đất ở quận 2 quá cao là do đầu cơ và trong thời gian tới giá khó có thể tăng. Ông có suy nghĩ gì về ý kiến này?

Như tôi đã nói ở trên, thị trường bất động sản quận 2 vốn có đặc thù và thuận lợi về vị trí nhưng do hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội vẫn chưa đủ điều kiện để người dân đến ở nên chỉ thu hút các nhà đầu tư kinh doanh.

Trước đây hạ tầng khu vực này chưa tốt nhưng đã có nhiều nhà đầu tư đón đầu và đổ tiền vào. Nếu bây giờ hạ tầng được tiếp tục đầu tư thì chắc chắn giá sẽ rất cao. Hiện tại, cơ sở hạ tầng còn thua xa một số khu đô thị nhưng đối với người kinh doanh họ mua vào lúc này và kỳ vọng sau này sẽ bán được giá cao hơn. Vì vậy, chúng ta nên nhìn thị trường quận 2 như là thị trường của các nhà kinh doanh bất động sản hơn là thị trường của người mua để ở. Còn việc đầu cơ hay không đầu cơ là do thị trường bởi khi có người mua thì người bán mới nâng giá lên được.

Liệu 20 năm tới, khu vực này có trở thành một Phú Mỹ Hưng thứ 2, thưa ông?

Thật khó nói trước việc này vì mỗi khu vực đều có một đặc thù khác nhau. Ở đô thị Phú Mỹ Hưng họ có nhà quản lý riêng biệt, quản lý chung tổng thể đã tạo cảnh quan, môi trường sống rất tốt.

Khu vực quận 2 thì có lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện để phát triển rất tốt nhưng về quản lý chung của quận hiện vẫn chưa tốt. Hiện tại chưa thấy nhà đầu tư lớn nào và chưa thấy sự quản lý tập trung nào để đảm bảo chất lượng. Trong tương lai như thế nào cũng khó nói nhưng Tp.HCM cũng muốn biến khu vực này thành đô thị hiện đại của Việt Nam.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước có công văn 8844/ NHNN- CSTT cho phép 4 nhóm nhu cầu vay thuộc lĩnh vực bất động sản ra khỏi rổ tín dụng phi sản xuất được đánh giá là tín hiệu tích cực giữa lúc thị trường gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng sẽ khó có doanh nghiệp, người dân nào tiếp cận được khoản vốn vay này. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Chúng ta nên nhìn nhận lại rằng việc nới tín dụng cho 4 nhóm trong thời gian qua cũng không hẳn là cho thị trường bất động sản mà chỉ là một hành động mở cửa gián tiếp. Bởi việc mở cửa 4 nhóm này mang tính hỗ trợ các Ngân hàng nhiều hơn, giúp các Ngân hàng vượt qua thời kỳ khó khăn khi thị trường bất động sản đóng băng.

Trước đây khi có quy định kéo dư nợ vay phi sản xuất về dưới 16% (31/12/2011) đã gây áp lực lớn cho hệ thống Ngân hàng do khó khăn trong việc huy động vốn. Trong khi đó thị trường bất động sản lại đóng băng, các nhà đầu tư nợ nhiều cũng không thể bán được hàng nên việc rút tỷ lệ nợ vay về 16% là rất khó khăn, tạo áp lực lớn cho Ngân hàng. Vì vậy việc đưa 4 nhóm ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất sẽ giúp việc kéo dự nợ vay về mức 16% là rất dễ dàng, giảm bớt áp lực cho hệ thống Ngân hàng thương mại. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ cũng ít bị thúc nợ hơn, doanh nghiệp ít rơi vào tình cảnh bán phá giá, bán tháo,… và về gián tiếp cũng giúp thị thường bất động sản bớt căng thẳng.

Xin cảm ơn ông!

Minh Nguyệt - Tường Vi thực hiện
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.