Đi cùng làn sóng đầu tư ra tỉnh của các doanh nghiệp địa ốc TP.HCM, Bình Thuận trở thành một trong những địa điểm lọt vào tầm ngắm của các “ông lớn” trong ngành bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Được mệnh danh là “thủ phủ resort” của Việt Nam, Bình Thuận thu hút sự chú ý quả nhiều người, và luôn có trong sổ tay du lịch của du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng, thị trường bất động sản Bình Thuận lại hơi im ắng, dường như đã “hụt hơi” trước sự phát triển như vũ bão của các thị trường ven biển khác như Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc.

Phải đến cuối năm 2018 trở lại đây, tỉnh duyên hải miền Trung này mới chuyển mình thức giấc và đón nhận làn sóng đầu tư mới. Dòng tiền đầu tư rục rịch chuyển từ các thị trường đã bão hòa sang các thị trường mới nổi như Bình Thuận để tìm cơ hội đã tạo nên cục diện sôi động trên thị trường bất động sản.

Nếu như trước đây, mỗi khi nhắc đến bất động sản Bình Thuận người ta chỉ nghĩ đến Tập đoàn Rạng Đông, thì nay đã có những gương mặt mới như TTC, FLC, Long Giang Land, Việt Úc Group, Apec Group. Cơ sở hạ tầng giao thông đến Bình Thuận được cải thiện đã thổi luồng gió mới vào thị trường bất động sản du lịch, thu hút nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn nhỏ.

Song dẫn đầu làn sóng đầu tư mới phải kể đến Tập đoàn Novaland. Cuối năm ngoái, Novaland đã giới thiệu dự án bất động sản nghỉ dưỡng đầu tay là NovaHills Mũi Né với hơn 600 biệt thự cao cấp. Mới đây, tập đoàn này tiếp tục ra mắt Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng giải trí NovaWorld Phan Thiết với quy mô lên đến gần 1.000ha.

Điểm nhấn của NovaWorld Phan Thiết là dòng sản phẩm second home nhà phố, biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse… với tầm nhìn hướng ra khung cảnh biển. Dự án cũng tích hợp chuỗi tiện ích đa dạng đẳng cấp quốc tế, lần đầu tiên xuất hiện tại Phan Thiết như cụm sân Golf 36 lỗ tiêu chuẩn quốc tế, đủ điều kiện đăng ký tổ chức các giải PGA Tour, cụm công viên chủ đề, công viên nước 25ha, công viên bãi biển 16ha…

Phối cảnh biệt thự nghỉ dưỡng tại NovaWorld Phan Thiet

Được biết, Novaland xác định Phan Thiết sẽ là thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trọng điểm của tập đoàn trong thời gian tới. Mới đây, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận, Tập đoàn Novaland đã tiến hành ký kết hợp tác chiến lược cùng The Professional Golfers’ Association of America (The PGA of America – Hiệp hội Gôn chuyên nghiệp Mỹ) và International Management Group (IMG – Tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực thể thao, sự kiện, truyền thông và thời trang); và Tập đoàn quản lý và vận hành khách sạn quốc tế của Pháp Accor nhằm góp phần nâng tầm du lịch tại đây, đưa Bình Thuận trở thành Điểm đến đáng mơ ước cho du khách trong và ngoài nước.

Theo đó, để biến Bình Thuận thành điểm đến hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2025 như quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né đã được Thủ tướng phê duyệt, Chính phủ sẽ đầu tư 25.000 tỉ đồng cho sân bay và tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.

Nếu như tuyến cao tốc giúp kết nối Bình Thuận với các khu vực lân cận dễ dàng hơn, thì sân bay Phan Thiết khi hoàn thành sẽ giúp Bình Thuận mở rộng thêm nguồn khách du lịch phía bắc thay vì chủ yếu từ TP.HCM và các vùng lân cận như hiện tại.

Mặt khác, Phan Thiết còn nằm trong “tam giác vàng” phát triển du lịch là TP. HCM – Phan Thiết – Đà Lạt. Từ năm 2007, mối liên kết giữa các điểm du lịch này đã hình thành, lượng khách du lịch tuần hoàn di chuyển giữa ba khu vực này rất lớn và được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Kỳ vọng trên hoàn toàn có cơ sở khi nhìn vào các thị trường nghỉ dưỡng tương tự như Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc. Kể từ khi có sân bay thì ngành du lịch bứt phá mạnh mẽ, lĩnh vực bất động sản du lịch nghỉ dưỡng theo đó cũng phát triển và bùng nổ.

Một yếu tố nữa để bất động sản Bình Thuận hấp dẫn với các doanh nghiệp địa ốc chính là dư địa tăng trưởng lớn. Dù đi sau nhưng Bình Thuận có lợi thế hoàn toàn khác biệt. Nơi đây không chỉ có biển xanh, cát trắng, nắng vàng như các tỉnh ven biển khác mà còn có nhiều nét đẹp tự nhiên và nền văn hóa giàu tính trải nghiệm. Trong xu hướng nhiều khách du lịch đang ưu tiên lựa chọn những địa danh mới nổi, giàu tính trải nghiệm thì đây là một lợi thế lớn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Đến Bình Thuận, khách du lịch không chỉ được tắm biển, thưởng thức hải sản tươi ngon mà còn được trải nghiệm nền văn hóa Chăm bản địa và hàng loạt những điểm đến hấp dẫn như Tháp Po Sah Inư, đảo Phú Quý, hải đăng Kê Gà, cánh đồng thanh long, đồi cát bay hay hòa mình vào nhịp sống ở các làng chài ven biển. Chính những trải nghiệm mới mẻ này sẽ kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay số lượng phòng khách sạn, cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch ở Bình Thuận còn rất hạn chế. Toàn tỉnh hiện chỉ có ba cơ sở lưu trú xếp hạng 5 sao, 28 cơ sở 4 sao. Trong khi đó sáu tháng đầu năm nay, tổng lượng khách du lịch đến Bình Thuận đạt gần 3 triệu lượt, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng thu từ du lịch đạt hơn 7.400 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Bình Thuận tăng ổn định với hơn 380.000 lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2018.

Các chuyên gia nhận định, chính sự khan hiếm về nguồn cung đã tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, đặc biệt là các sản phẩm mới lạ mà thị trường này chưa từng có.

PV
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.