Phân tích mới nhất từ các chuyên gia cho thấy, sau gần 2 tháng thắt chặt tín dụng, thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu khát vốn. Dường như, dòng tiền chuyển từ các kênh đầu tư khác sang bất động sản không thể bù đắp cho kênh tín dụng vốn là “bầu sữa” lớn nhất từ trước tới nay.

Tái diễn kịch bản năm 2008


“Bán nhà trên giấy” vẫn là kênh huy động vốn chính của doanh nghiệp

Đưa ra hàng loạt con số so sánh mức độ tăng giá nhà ở với các mặt hàng khác, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ cho rằng, chính sách tiền tệ tăng lãi suất tín dụng đã làm giảm đầu tư thực sự vào khu vực phi sản xuất và độ “nóng” của thị trường đang giảm dần. Như vậy, thị trường bất động sản lại rơi vào tình trạng thiếu vốn như đã diễn ra vào cuối năm 2008. Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, với những chính sách kiểm soát thị trường tài chính đang triển khai, đầu tư vào vàng, USD lúc này rất rủi ro. Do đó, bất động sản đang là nơi trú ẩn an toàn. Dẫu vậy, ông cũng cảnh báo: “Thị trường này rất tiềm năng và tạo sức tăng trưởng kinh tế nhưng tất cả khủng hoảng kinh tế hầu hết do bất động sản mà ra, cho nên, cần có chính sách quản lý phù hợp, chặt chẽ của Nhà nước...”

Trong bối cảnh các doanh nghiệp bắt đầu phải xoay xở tìm nguồn vốn, ông Đặng Hùng Võ cho rằng: “Việc tìm được nguồn vốn mới cho thị trường là giải pháp quan trọng hàng đầu. Hoàn cảnh chung của thị trường bất động sản nước ta hiện nay khá giống với thị trường tại thời điểm đầu năm 2009 nhưng nguồn vốn khả thi cho thị trường cũng khác nhau. Giải pháp vốn lúc này hoàn toàn phụ thuộc tư duy của các cơ quan quản lý để có được những luồng vốn khả thi, để người tiêu dùng cũng như các nhà đầu tư tin tưởng vào lợi ích sẽ tìm kiếm được ở thị trường”. Bên cạnh hàng loạt “cửa” tìm vốn cho thị trường, ông Đặng Hùng Võ cũng chỉ ra, luồng vốn góp từ phương thức “mua bán nhà trên giấy” luôn được duy trì như một giải pháp vốn chủ yếu cho thị trường bất động sản Thủ đô. Do đó, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT đề nghị phải tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế “mua bán nhà trên giấy” để khắc phục các rủi ro có thể xảy ra.

Dù dự liệu nhiều khó khăn nhưng các chuyên gia cũng cho rằng, thị trường bất động sản Hà Nội sẽ tiếp tục diễn ra tương tự như kịch bản năm 2010. Theo đó, dù thiếu vốn nhưng thị trường vẫn có thể xảy ra những cơn “sốt” nhà đất mang tính nhất thời và cục bộ. Những cơn “sốt” này không phải bắt nguồn từ quan hệ cung cầu mà hoàn toàn từ các nguyên nhân khác mang tính hình thức như thông tin về quy hoạch, kỹ thuật đẩy giá của các nhà đầu tư...

Tiền “chảy” sang từ vàng, chứng khoán

Các doanh nghiệp cũng đồng ý quan điểm việc thắt chặt tín dụng đối với bất động sản đã khiến nguồn vốn trở thành khó khăn lớn nhất trong năm 2011. Tuy vậy, xu hướng này lại không gây sốc cho thị trường. Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất xanh cho biết, dòng tiền từ các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng, USD đang dịch chuyển sang bất động sản. Người dân đang tăng mua nhà đất để giữ tiền. Trên thị trường bất động sản, căn hộ cao cấp và dự án lớn đang đóng băng nhưng đất nền và căn hộ có giá dưới 1,2 tỷ đồng được giao dịch rất sôi động từ Hà Nội đến Đà Nẵng cũng như các tỉnh, thành phố phía Nam. Ông Lương Trí Thìn nói: “So với vàng, đất đang rẻ đi.”

Nhu cầu nhà ở còn rất lớn hiện nay cũng là chỗ dựa vững chắc cho niềm tin của các nhà đầu tư. Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), diện tích nhà ở bình quân tại Việt Nam là 17m2/đầu người song tại đô thị lớn, vẫn còn hơn 1 triệu hộ gia đình sống dưới 5m2/đầu người và 4,6 triệu hộ sống từ 6-10m2/đầu người. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản đánh giá, thị trường cũng mất cân đối nghiêm trọng về hàng hoá. Tỷ trọng nhà chung cư cả nước chỉ chiếm 1,23%. Tại Hà Nội, tỷ lệ chung cư đạt 14% và TP Hồ Chí Minh chỉ đạt 6%. “Nhiều người lo ngại siết chặt tín dụng ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản nhưng tôi cho rằng nguồn cung còn dồi dào vì nhiều dự án đã đầu tư từ trước đây hàng năm. Nếu có ảnh hưởng, đến năm 2012 mới có tác động lớn” - ông Nguyễn Mạnh Hà trấn an.

Cafeland.vn - Theo ANTĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland