Khởi công cao tốc 2.300 tỉ đồng nối Tây Nguyên với các tỉnh miền Đông, Đồng bằng sông Cửu Long; Lâm Đồng điều chỉnh thời gian xây dựng 2 tuyến đường quan trọng nối Bình Thuận, Đắk Lắk; Doanh nghiệp bất động sản đang xoay xở ra sao trước áp lực đáo hạn trái phiếu... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.

Hình minh họa

Khởi công cao tốc 2.300 tỉ đồng nối Tây Nguyên với các tỉnh miền Đông, Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 18/11, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa đã chính thức được khởi công tại xã An Lập, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Dự án đã được khởi công vào năm 2009, nhưng do thiếu nguồn vốn nên bị đình hoãn thi công từ năm 2011. Sau 12 năm dừng thi công, đến nay, dự án được tái khởi động với mục tiêu tiếp tục hoàn thành các hạng mục thi công dở dang, tránh lãng phí nguồn vốn nhà nước đã đầu tư, góp phần nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh.

Công trình có chiều dài toàn tuyến khoảng 72,75km, có điểm đầu tại xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương và điểm cuối giao với Quốc lộ N2 (tuyến đường giao thông thuộc quy hoạch đường Hồ Chí Minh kéo dài bắt đầu từ Chơn Thành và kết thúc tại Rạch Sỏi).

HoREA đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng hơn một số đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng bao gồm chủ đầu tư và người mua nhà thuộc các dự án nhà ở thương mại có giá bán không vượt quá 3 tỷ đồng/căn và có ưu tiên cho người mua căn nhà đầu tiên.

Theo Hiệp hội, việc lãi suất của gói này thấp hơn 1,5-2% vay thương mại thông thường đã hỗ trợ một phần cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội. Nhưng thực chất đây vẫn chưa phải là tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội do lãi suất cao (7,7%/năm), thời hạn vay ưu đãi quá ngắn (05 năm) và lãi suất được điều chỉnh mỗi 06 tháng một lần nên gây bất an cho người vay.

Lâm Đồng điều chỉnh thời gian xây dựng 2 tuyến đường quan trọng nối Bình Thuận, Đắk Lắk

Xét theo nội dung tờ trình của Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng và ý kiến đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án Xây dựng tuyến đường ĐT.729 kết nối tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Bình Thuận và tuyến đường ĐT.722 kết nối tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Đắk Lắk.

UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương điều chỉnh thời gian thực hiện dự án hai dự án này từ giai đoạn 2021 - 2024 thành 2021 - 2025. UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về sự phù hợp quy định hiện hành đối với nội dung trình, thẩm định và đề xuất UBND tỉnh chấp thuận chủ trương tại Văn bản nêu trên.

Giao Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng hoàn tất hồ sơ, thủ tục có liên quan trình thẩm định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh thời gian đầu tư dự án theo quy định; lập kế hoạch, giải pháp cụ thể để tập trung triển khai đôn đốc nhà thầu thực hiện đảm bảo đúng tiến độ đã được điều chỉnh, theo đúng quy định của Luật Đầu tư công; đồng thời không làm phát sinh tổng mức vốn đầu tư của dự án.

Doanh nghiệp bất động sản đang xoay xở ra sao trước áp lực đáo hạn trái phiếu?

Theo dữ liệu từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), lũy kế đến hết tháng 10 năm 2023, tổng giá trị phát hành TPDN ghi nhận 209,150 tỷ đồng, cho thấy hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu đã cải thiện hơn năm ngoái rất nhiều. Trong đó, ngành Ngân hàng chiếm ưu thế với 99,023 tỷ đồng (tức 47.3% tổng số), theo sau là nhóm Bất động sản với 68,256 tỷ đồng (chiếm 32.6%).

Tuy nhiên, nghiên cứu của VARS cho thấy, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn đang “bủa vây" các doanh nghiệp bất động sản. Tổng giá trị TPDN BĐS phát hành mới và được mua lại vẫn còn rất thấp so với tổng giá trị TPDN đến hạn. Theo đó, năm 2022, doanh nghiệp bất động sản đã mua lại khoảng 219.000 tỉ đồng. Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp đã mua lại khoảng 153.800 tỷ đồng. Trong khi, tổng giá trị đáo hạn trái phiếu của nhóm bất động sản 2 tháng cuối năm 2023 và năm 2024, lần lượt đạt 15,6 nghìn tỷ đồng và 121,1 nghìn tỷ đồng.

Danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu tăng lên từng ngày, đặc biệt ở nhóm bất động sản. Theo HNX, tính đến ngày 3.10.2023, có khoảng 69 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp với tổng dư nợ là khoảng 176.100 tỷ đồng, chiếm khoảng 17,8% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.