10/05/2024 5:28 PM
Sớm điều chỉnh quy hoạch sân bay quan trọng của khu vực Tây Nguyên; Cây cầu duy nhất đang xây dựng nối Nhơn Trạch với TP.HCM về đích sớm; Đề xuất 20.000 tỉ đồng xây nút giao ở hai cửa ngõ quan trọng của TP. Biên Hòa... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.

Hình minh họa

Đề xuất 20.000 tỉ đồng xây nút giao ở hai cửa ngõ quan trọng của TP. Biên Hòa

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai vừa có buổi làm việc với đơn vị tư vấn để nghe báo cáo các phương án đầu tư xây dựng nút giao ngã tư Vũng Tàu và cổng 11.

Đơn vị tư vấn dự án là Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải-CTCP đã đưa ra 4 phương án để xây dựng hai nút giao với kinh phí cao nhất khoảng 20.000 tỉ đồng.

Cụ thể, đối với nút giao ngã tư Vũng Tàu, Phương án 1 sẽ xây dựng nút giao dạng bóng đèn với các hạng mục cầu vượt trực thông trên tầng 3 theo hướng quốc lộ 51 đi cầu Hóa An và các nhánh rẽ trái gián tiếp. Đồng thời xây dựng cầu vượt cho xe máy chạy dọc theo quốc lộ 1 hiện hữu. Phương án này có tổng vốn đầu tư là gần 2.900 tỉ đồng.

Phương án 2, xây dựng nút giao dạng hoa thị hoàn chỉnh, mở rộng cầu vượt hiện hữu để đáp ứng lượng xe đi thẳng trên quốc lộ 1 và các dòng rẽ theo nhánh hoa thị. Xây dựng 14 công trình bán hầm, tổ chức giao thông dạng ô bàn cờ giúp cho xe máy và xe đạp lưu thông tách riêng với ô tô. Phương án 2 có tổng vốn đầu tư lên đến gần 9.000 tỉ đồng.

Với nút giao Cổng 11, đơn vị tư vấn cũng đưa ra 2 phương án đầu tư xây dựng gồm: Phương án 1 xây dựng nút giao hoa thị hoàn chỉnh tại nút giao ngã tư giữa đường Võ Nguyên Giáp với đường Bùi Văn Hoà. Toàn bộ xe ô tô sẽ được lưu thông trên tầng 2 và tầng 3 và kết nối 2 tầng bằng các nhánh hoa thị. Dưới mặt bằng được ưu tiên cho xe máy.

Cây cầu duy nhất đang xây dựng nối Nhơn Trạch với TP.HCM về đích sớm

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) vừa có báo cáo gửi Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) về tình hình triển khai dự án thành phần 1A của đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc Dự án Đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, tính đến đầu tháng 5, tổng giá trị thi công của 2 gói thầu xây lắp thuộc dự án đã đạt gần 1.400 tỉ đồng trên tổng giá trị gần 2.700 tỉ đồng, đạt gần 51% giá trị hợp đồng.

Trong đó, gói thầu CW1, xây dựng cầu Nhơn Trạch dài 2,6km có giá trị hơn 1.600 tỉ đồng do nhà thầu Kumho E&C (Hàn Quốc) thi công đang được đặt mục tiêu rút ngắn thời gian hoàn thành.

Cụ thể, gói thầu được khởi công vào ngày 24/9/2022 và theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào tháng 8/2025. Tuy nhiên, hiện nay nhà thầu đang đặt kế hoạch rút ngắn để hoàn thành vào ngày 30/4/2025.

Đối với gói thầu CW2 (đường dẫn 2 đầu cầu, dài 5,6km) có giá trị hơn 1.000 tỉ đồng do liên danh nhà thầu Dongbu Corporation (Hàn Quốc) - Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C (Việt Nam) triển khai.

Gói thầu được khởi công vào tháng 5/2023, thời gian thực hiện hợp đồng phải hoàn thành vào tháng 9/2025. So với kế hoạch ban đầu, gói thầu này hiện nay đang chậm tiến độ do vướng mặt bằng và thiếu vật liệu cát đắp nền.

Hà Nội chi hơn 17.000 tỷ đồng mở rộng gấp đôi đường Láng

Sở Giao thông Vận tải vừa có báo cáo UBND thành phố việc triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi một số dự án giao thông, trong đó có vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đường Láng). Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy có tổng đầu tư trên 21.000 tỷ đồng, trong đó đoạn dưới thấp hơn 17.000 tỷ đồng và đoạn trên cao gần 3.900 tỷ đồng.

Do tổng đầu tư lớn nên Sở Giao thông Vận tải đề xuất tách thành hai dự án và ưu tiên cải tạo mở rộng vành đai 2 dưới thấp dài khoảng 3,8km, điểm đầu tại nút giao Ngã Tư Sở và điểm cuối tại nút giao Cầu Giấy. Chi phí dự kiến hơn 17.000 tỷ đồng gồm giải phóng mặt bằng 16.700 tỷ đồng, xây lắp 541 tỷ đồng. Hiện nay, chiều rộng mỗi bên của đường Láng là 10,5m. Khi cải tạo xong, đường Láng sẽ rộng 53,5m, vận tốc thiết kế 80 km/h và là trục chính đô thị.

Sớm điều chỉnh quy hoạch sân bay quan trọng của khu vực Tây Nguyên

Cảng hàng không Buôn Ma Thuột hiện có một nhà ga hành khách công suất phục vụ 2 triệu hành khách/năm; đường băng đáp ứng khai thác các loại tàu bay code C (A320, A321, B737 và tương đương).

Đối với việc điều chỉnh quy hoạch sân bay Buôn Ma Thuột, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm triển khai bởi sân bay này có sự tăng trưởng rất nhanh, nhiều hạng mục công trình chính bị quá tải và lượng khai thác thực tế vượt xa với dự báo trước đây.

Mục tiêu điều chỉnh nhằm đưa ra lộ trình đầu tư phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải đến năm 2030 là 5 triệu hành khách/năm, 10 nghìn tấn hàng hóa/năm; định hướng đến năm 2050 tương ứng là 7 triệu hành khách/năm, 15 nghìn tấn hàng hóa/năm.

Đồng thời bảo đảm kết nối ngành, góp phần bảo đảm quốc phòng – an ninh và phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.