Hình minh họa
Đề xuất xây dựng Khu thương mại tự do tại Hải Phòng
Đề xuất này được đưa ra tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Đồ Sơn của Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng mới đây với sự tham dự của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội. Hải Phòng luôn được xác định là một địa phương phát triển quan trọng bậc nhất Việt Nam, là thành phố trực thuộc Trung ương luôn đứng thứ 3 về vai trò tổng thể, chỉ sau Thủ đô Hà Nội và TP.HCM.
Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định rõ sứ mệnh quốc gia và khẳng định chức năng khác biệt của Hải Phòng trong sự phát triển kinh tế cả nước và của vùng Bắc bộ. Vì vậy, khi triển khai xây dựng đề án thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách mới, có tính đột phá, đặc thù cho phát triển thành phố Hải Phòng theo tinh thần nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, Hải Phòng mạnh dạn đề xuất với Chính phủ, Quốc hội cho phép thành phố nghiên cứu và triển khai xây dựng Khu Thương mại tự do với quan điểm sẽ tạo nên sự phát triển đột phá của Hải Phòng, kéo theo sự phát triển của cả vùng và cả nước.
Chính phủ kiến nghị giảm mức đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện sân bay Long Thành
Về các nội dung điều chỉnh so với chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua: tổng mức đầu tư giảm từ 22.938 tỷ đồng xuống hơn 19.207 tỷ đồng (giảm hơn 3.730 tỷ đồng). Diện tích đất thu hồi cũng được đề xuất giảm từ hơn 5.399ha xuống hơn 5.317ha (giảm 82ha).
Chính phủ cũng đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024 và bổ sung nội dung bố trí tái định cư các hộ dân do thu hồi đất để thực hiện đầu tư 2 tuyến giao thông kết nối T1, T2 vào Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Báo cáo với Quốc hội về lý do điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo Nghị quyết số 53 của Quốc hội thì thời gian thực hiện dự án hoàn thành trong năm 2021.
Tòa tháp cao nhất Việt Nam sắp khởi công
Dự kiến Tháp trung tâm tài chính cao 108 tầng thuộc Dự án xây dựng Thành phố thông minh phía Bắc sẽ khởi công vào ngày 10/11 tới. Khi hoàn thành đây sẽ là tòa tháp cao nhất Việt Nam. Dự án do liên doanh tập đoàn BRG và Sumitomo (Nhật Bản) triển khai trên địa bàn Đông Anh, với tổng diện tích 272ha, có vốn đầu tư lên đến 4,2 tỉ USD. Điểm nhấn của dự án là tháp tài chính cao khoảng 108 tầng.
Dự án được quy hoạch ngay trên tuyến đường đi từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài, được phát triển như một biểu tượng của thành phố thông minh. Tại đây, sẽ có nhiều công viên giải trí, cung triển lãm, ốc đảo sinh thái,… Ngoài ra, bên trong tòa tháp 108 tầng này còn có căn hộ khách sạn, căn hộ thương mại, căn hộ dịch vụ...
Chi trả tiền bồi thường cho người dân vùng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trước ngày 31/12
Theo báo Đồng Nai, tại buổi đối thoại 2 vấn đề được người dân quan tâm nhất là giá đền bù và tái định cư. Người dân mong muốn có được giá đền bù phù hợp, sát với thực tế cũng như chỗ tái định cư phù hợp, gần với nơi ở cũ để sớm ổn định cuộc sống.
Theo quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, có 4 nhóm vấn đề lớn mà các hộ dân trong vùng dự án dành nhiều sự quan tâm trong quá trình triển khai công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng gồm: giá đất và các chính sách về bồi thường, hỗ trợ; chính sách hỗ trợ di dời, đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm khi chuyển đến nơi ở mới; quy hoạch, xây dựng; các vấn đề về văn hoá, xã hội phục vụ đời sống khi chuyển đến nơi ở mới.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các cơ quan chuyên môn, thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành phải quan tâm rà soát các chính sách để giải quyết đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người dân. Từ đó, thúc đẩy tiến độ công tác giải phóng mặt bằng của dự án.
-
Bất động sản 24h: Tiến độ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đoạn qua Đắk Lắk
Chủ đầu tư dự án đô thị hơn 1 tỉ USD tại Long An chính thức lộ diện; Đắk Lắk đang triển khai dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột tới đâu; Bình Dương đã giải ngân hơn 11 nghìn tỷ vốn đầu tư công... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.