Hà Nội “khai tử” tổ hợp công viên giải trí 3ha tại Tây Hồ; Hậu Giang sẵn sàng khởi công cao tốc hơn 9.600 tỉ đồng; Người dân trả mặt bằng, cầu hơn 900 tỉ đồng ở TP. Thủ Đức tái khởi công... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.

Hình minh họa

Người dân trả mặt bằng, cầu hơn 900 tỉ đồng ở TP. Thủ Đức tái khởi công

Sau nhiều năm “đắp chiếu” vì vướng mặt bằng, cầu Nam Lý nằm trên tuyến đường quan trọng Đỗ Xuân Hợp, TP. Thủ Đức đang được tái khởi công. Khi công trình này hoàn thành sẽ giải quyết bài toán giao thông khu vực cho người dân. Đồng thời, các dự án Bất động sản quanh khu vực cũng sẽ được hưởng lợi.

Những ngày này, nhiều hộ dân có nhà nằm trong phạm vi xây dựng dự án cầu Nam Lý đang tích cực tháo dỡ nhà cửa để bàn giao mặt bằng cho dự án. Theo Ban quản lý dự án, 50/54 hộ dân đang đồng loạt bàn giao mặt bằng. Với 4 hộ dân còn lại, đơn vị đang phối hợp địa phương để vận động, hỗ trợ các thủ tục bàn giao mặt bằng. Dự kiến, trong tháng 6, toàn bộ mặt bằng được bàn giao. Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật như cấp nước, điện, viễn thông... đang được đẩy nhanh để hoàn thành.

Hà Nội “khai tử” tổ hợp công viên giải trí 3ha tại Tây Hồ

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội, lý do chấm dứt hoạt động dự án là do nhà đầu tư không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư và không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm đầu tư trong Theo Quyết định 231 của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội, nhà đầu tư dự án có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục thanh lý dự án đầu tư và thực hiện nghĩa vụ của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Khu vực Yên Phụ (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) được đánh giá là khu vực có vị trí đắc địa bậc nhất hiện nay, nằm cạnh hồ Tây, cách không xa trung tâm Hà Nội và gần các khách sạn nổi tiếng như Sheraton, Intercontinental Hanoi Westlake. Tuy nhiên, lô đất tại 151 – 153 Yên Phụ đã bị bỏ hoang nhiều năm nay.

Hậu Giang sẵn sàng khởi công cao tốc hơn 9.600 tỉ đồng

Tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đoạn chạy qua địa bàn tỉnh Hậu Giang có chiều dài khoảng 37km, tổng vốn đầu tư hơn 9.600 tỉ đồng sẽ được khởi công vào giữa tháng 6/2023. Dự án có điểm đầu dự án tại ấp Trường Lợi, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang; điểm cuối tại thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Tổng diện tích thu hồi đất dự kiến gần 260ha.

Theo Sở Tài nguyên và Môi Trường Hậu Giang, hiện đã kiểm đếm xong 1.119/1.119 hộ dân bị ảnh hưởng, đạt 100%. Tính đến nay, đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ di dời xong 234 mồ mả bị ảnh hưởng với số tiền 12,53 tỉ đồng và đã tiến hành chi trả xong. Đơn vị này tiếp tục hoàn chỉnh phương án bồi thường và gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt 333 hộ với số tiền 206,5 tỉ đồng. Lập xong phương án bồi thường, đang lấy ý kiến và hoàn chỉnh phương án cho 557 hộ. Còn lại 229 hộ, dự kiến sẽ hoàn chỉnh phương án gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt dứt điểm trong tháng 6/2023.

Hơn 14.200 trường hợp lấn, chiếm đất đai ở Bình Định

Theo Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, thời gian qua, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: tình trạng xây dựng các công trình không phép, sai phép, sai quy hoạch, lấn chiếm, xây dựng công trình không đúng mục đích sử dụng đất vẫn còn xảy ra ở một số địa phương; một số công trình vi phạm chưa được phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm kịp thời, dứt điểm.

Tính đến ngày 31/3/2023, trên địa bàn tỉnh phát hiện 14.257 trường hợp lấn, chiếm đất đai, trong đó đã xử lý 6.945 trường hợp (chưa tới 50%), còn 7.313 trường hợp chưa xử lý. Địa phương xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai nhiều nhất là thành phố Quy Nhơn với 5.074 trường hợp, đã xử lý 2.712 trường hợp, còn 2.362 trường hợp. Trong 3 năm, từ 2020-2022, toàn tỉnh có 423 trường hợp xây dựng các công trình không phép, sai phép. Cũng trong thời gian này, các địa phương phát hiện 1.893 công trình xây dựng lấn, chiếm đất đai, xây dựng trên đất không được phép xây dựng, đã cưỡng chế, tháo dỡ 1.069 trường hợp, còn 159 trường hợp chưa xử lý.

Vụ Thuduc House: Vai trò của nữ kế toán trong quá trình chuyển 1.700 tỉ đồng ra nước ngoài

Trả lời HĐXX vụ Thuduc House, bị cáo Lê Thị Diệu Quỳnh (cựu Kế toán Công ty Vùng đất máy tính) phủ nhận toàn bộ cáo trạng liên quan tới bị cáo, cho rằng bản thân không biết các hợp đồng ký kết là hợp đồng khống và mua bán hàng hoá giả tạo. Theo cáo trạng, bị cáo Quỳnh có vai trò quản lý thu chi, cân đối dòng tiền, giúp Trịnh Tiến Dũng chiếm đoạt 374 tỉ đồng thông qua việc hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT) của Thuduc House, Công ty Sài Gòn Tây Nam, Công ty Hoàng Nam Anh. Bị cáo Quỳnh được hưởng lợi 226 triệu đồng. Hành vi của bị cáo Quỳnh, theo Viện Kiểm sát là phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngoài ra, bị cáo Quỳnh còn có hành vi quản lý, theo dõi hoạt động chuyển tiền giữa các công ty trong và ngoài nước, để hợp thức hóa việc vận chuyển trái pháp luật 1.760 tỉ đồng từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại, phạm vào tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Đáng chú ý, cáo trạng vụ án cũng ghi nhận bị cáo Lê Thị Diệu Quỳnh đã thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình; tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra, cung cấp nhiều thông tin có giá trị, làm cơ sở để giải quyết vụ án nên được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên tại phiên xử, bị cáo này đã phủ nhận các thông tin trong cáo trạng.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.