23/10/2024 5:35 PM
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mở rộng Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng; Tỉnh được định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sắp có cảng thủy nội địa gần 1.500 tỷ đồng; Vị trí 20 nhà ga của tuyến đường sắt 3,4 tỉ USD Thủ Thiêm – Long Thành được đề xuất nằm ở đâu... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.

Hình minh họa

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mở rộng Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 1238/QĐ-TTg ngày 22/10/2024 phê duyệt mở rộng Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng.

Cụ thể, phê duyệt mở rộng Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là khu công nghệ thông tin tập trung tại Quyết định số 1967/QĐ-TTg ngày 7/12/2017, với tên gọi là Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2, địa điểm thực hiện tại địa bàn phường Thuận Phước, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng; quy mô diện tích mở rộng là 28.573 m2.

Phạm vi mở rộng Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng: được xác định tại Quyết định số 4179/QĐ-UBND ngày 17/9/2019 của UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2.

UBND thành phố Đà Nẵng là nhà đầu tư. Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 bảo đảm thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của khu công nghệ thông tin tập trung được quy định tại Điều 4 Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 8/11/2013 của Chính phủ.

Tỉnh được định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sắp có cảng thủy nội địa gần 1.500 tỷ đồng

Dự án này nằm trên địa bàn các xã Hồng Phúc và Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, với diện tích khoảng 27,07ha. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, công suất thiết kế 3 triệu tấn hàng hóa/năm.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, kể từ ngày UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án.

Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1, sẽ xây dựng các hạng mục công trình thủy công, khu vực hậu cần ngoài đê, khu hạ tầng kỹ thuật, các hạng mục khác, dự kiến hoàn thành trong quý I/2027.

Giai đoạn 2, xây dựng kho bãi, khu văn phòng, khu hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục công trình khác. Dự kiến, quý IV/2028 sẽ xây dựng hoàn thành và đưa toàn bộ dự án vào hoạt động khu vực trong đê.

Khi hoàn thành và đi vào hoạt động, đây sẽ là đầu mối giao thông, logistics, giao nhận vận tải đa phương thức nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, bốc xếp, lưu giữ, phân phối hàng hóa của khu vực, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Vị trí 20 nhà ga của tuyến đường sắt 3,4 tỉ USD Thủ Thiêm – Long Thành được đề xuất nằm ở đâu?

Bộ GTVT vừa đề nghị Đồng Nai và TP.HCM cùng các đơn vị liên quan tham gia ý kiến đối với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, theo báo Giao thông.

Nghiên cứu này do liên danh đơn vị tư vấn Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), Công ty CP Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (TEDI SOUTH) lập.

Theo phương án đề xuất, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có chiều dài 41,83km, trong đó, đoạn qua TP.HCM dài hơn 11,7km và qua Đồng Nai dài hơn 30km. Tuyến bắt đầu từ ga Thủ Thiêm và ga cuối ở sân bay Long Thành.

Tuyến đi song song bên phải đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Sau khi giao cắt với Đường Vành đai 3 TP.HCM, tuyến rẽ phải đi song song về bên trái tuyến đường này và tiếp tục vượt sông Đồng Nai tại vị trí cách tim cầu Nhơn Trạch khoảng 62,5m về phía thượng lưu.

Sau khi vượt sông Đồng Nai, tuyến vẫn bám sát Đường Vành đai 3 - TP.HCM và đi vào dải phân cách bên trái của tuyến đường này. Đến khu vực giao cắt với đường tỉnh 25B, hướng tuyến rẽ trái và đi vào dải phân cách giữa của đường tỉnh 25B. Đến địa phận xã Long An (huyện Long Thành), hướng tuyến rẽ phải, sau khi giao cắt với quốc lộ 51 tuyến sẽ đi ngầm cùng hàng lang của tuyến đường sắt tốc độ cao vào bên trong sân bay Long Thành, là điểm cuối của dự án.

Điểm danh loạt dự án hạ tầng trọng điểm tại Bình Định sẽ về đích trong năm 2025

Theo kế hoạch vừa được tỉnh Bình Định đề ra, phấn đấu đến ngày 31/3/2025 hoàn thành 4 công trình giao thông gồm tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại.

Dự án xây dựng tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong. Dự án này có chiều dài gần 18 km, tổng mức đầu tư hơn 791 tỷ đồng (trong đó giá trị xây lắp 417,3 tỷ đồng). Tính đến đầu tháng 10/2024, giá trị xây lắp thực hiện hơn 232,6 tỷ đồng, đạt 57,6%.

Dự án xây dựng tuyến đường nối từ Quốc lộ 19 đến khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định kết nối với Cảng Quy Nhơn (đoạn tuyến chính). Theo cập nhật đến đầu tháng 10/2024, đối với đoạn tuyến chính (từ Km 0 đến Km 12+945), nhà thầu đã triển khai thi công đào, đắp nền đường được 12,3 km/ 12,9 km; đã thi công hoàn thành 5/5 cầu, 26/27 cống hộp lớn, 41/43 cống tròn. Về kết cấu áo đường, giá trị xây lắp thực hiện là 248,4 tỷ đồng, đạt gần 41%.

Dự án có này tổng mức đầu tư là 1.171 tỷ đồng, tổng chiều dài đầu tư xây dựng là 19,445 km. Trong đó, tuyến chính dài 12,945 km, tuyến nhánh có chiều dài 6,5 km. Dự án do Liên danh Công ty TNHH đầu tư xây dựng Dacinco, Công ty TNHH Xây dựng Thuận Đức, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thi công.

Hoàng An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.